Tình trạng chân ngắn chân dài xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và hoạt động của người bệnh. Nhận biết được sớm các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, phục hồi chức năng hiệu quả nhất.
1. Nguyên nhân chân ngắn chân dài
Người bệnh được xem là mắc tình trạng chân ngắn chân dài khi chiều dài đo từ rốn đến mắt cá chân có sự chênh lệch giữa hai chân. Kỹ thuật đo cho thấy sự bất đối xứng đơn phương của hai chi dưới mà không có bất kỳ sự co ngắn đồng thời của xương hay các thành phần xương của chi dưới.
Hiện tượng chân ngắn chân dài xảy ra do các nguyên nhân như sau:
- Trật khớp háng bẩm sinh hoặc mắc phải;
- Trẻ em bị mắc bệnh bại liệt, bại não; cơ nhỏ hoặc yếu, cơ ngắn, co cứng cơ gây ra các vấn đề bệnh lý và ngăn không cho chân phát triển bình thường;
- Các bệnh lý liên quan đến hông như dẹt chỏm xương đùi (tình trạng chỏm xương đùi của khớp hông bị cung cấp thiếu máu dẫn đến viêm cứng và sụp khớp háng);
- Chấn thương hoặc gãy xương xảy ra trước đó;
- Khiếm khuyết hoặc dị tật bẩm sinh về khớp, xương, cơ, gân hoặc dây chằng;
Thông qua các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý, cơ chế xảy ra hiện tượng chân ngắn chân dài được giải thích như sau:
- Lỏng lẻo dây chằng: Trong trường hợp này các xương có chiều dài tương đương nhau. Tuy nhiên, các dây chằng ở một bên chân (ví dụ như trong khớp hông) có thể kéo dài hơn các dây chằng bên vị trí chân đối diện dẫn đến tình trạng xương đùi thấp hơn khi thực hiện các động tác ngồi gấp và khi đo lường chiều dài chân;
- Co khe khớp: Tình trạng làm tăng độ cứng và làm cho khớp không hoạt động được đầy đủ;
- Thay đổi bàn chân cơ học: Chân bị quay sấp quá mức về phía trong dẫn đến hậu quả là ngắn hơn so với chân còn lại.
Tình trạng chân ngắn chân dài dẫn đến hậu quả là làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng tới lao động, học tập và thẩm mỹ. Tình trạng nếu kéo dài sẽ gây vẹo cột sống, ảnh hưởng xấu của khung chậu tới sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý ở trẻ em, đặc biệt là đối với các bé gái.
2. Biện pháp khắc phục tình trạng chân ngắn chân dài
Hiện nay các kỹ thuật phẫu thuật kéo dài hoặc thu ngắn xương được áp dụng thành công và hiệu quả trong nhiều trường hợp người bệnh mắc tình trạng chân ngắn chân dài.
Phẫu thuật kéo chân dài ra được thực hiện ở người bệnh có sự chênh lệch lớn giữa độ dài hai chân (lớn hơn 5cm). Trong đó phẫu thuật được ưu tiên thực hiện ở trẻ em có hệ xương đang phát triển và người bệnh có chiều cao tương đối thấp (Tại Việt Nam, phẫu thuật được thực hiện ở nữ giới cao dưới 150cm và nam giới cao dưới 160cm). Sau khi thực hiện phẫu thuật người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Sử dụng dụng cụ kéo dài theo chỉ định của bác sĩ;
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm giúp duy trì các hoạt động bình thường;
- Lưu ý các vị trí sử dụng đinh và vít cố định xương tránh để nhiễm trùng;
- Thời gian phục hồi xương phụ thuộc vào độ dài xương kéo mà người bệnh mong muốn, trong đó với độ dài kéo 1cm cần khoảng 36 ngày để hồi phục;
- Phẫu thuật ảnh hưởng tới cả hệ cơ, xương và mạch máu nên cần thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, da, cảm giác ngón chân và bàn chân nhằm mục đích đề phòng và phát hiện sớm các hư tổn cơ, thần kinh hay mạch máu có thể xảy ra.
Phẫu thuật thu ngắn chân hay hạn chế độ dài chân được thực hiện ở người bệnh có sự chênh lệch giữa độ dài hai chân ít (nhỏ hơn 5cm). Trong đó phẫu thuật được ưu tiên thực hiện khi xác định người bệnh không còn phát triển xương dài ra. Bởi phẫu thuật thu ngắn chân được thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn sự phát triển của xương chân dài hơn và để xương chân ngắn hơn tiếp tục phát triển nhằm tạo được độ dài tương đương của hai chân. Sau khi thực hiện phẫu thuật người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Sau phẫu thuật thu ngắn chân, người bệnh thường phải nằm viện từ 2 đến 3 tuần và nẹp chân từ 3 đến 4 tuần để cố định xương;
- Thời gian hồi phục sau phẫu thuật từ 8 đến 12 tuần, người bệnh có thể sinh hoạt và hoạt động lại bình thường sau khoảng thời gian này;
- Người bệnh thường bị yếu cơ sau phẫu thuật, vì vậy cần bắt đầu tập luyện và vận động cơ sớm theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị;
- Người bệnh cần dùng nạng trong thời gian từ 6 – 8 tuần sau phẫu thuật;
- Trong một số trường hợp, người bệnh có thể mất từ 6 đến 12 tuần sau phẫu thuật để phục hồi chức năng cũng như khả năng kiểm soát đầu gối;
- Thanh kim loại đặt bên trong xương sẽ được tháo sau một năm phẫu thuật.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chân dài chân ngắn. Nhận biết được sớm các nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra được phương pháp chấn thương chỉnh hình hiệu quả, giúp bạn có thân hình và dáng đi cân đối nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.