Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Barrett thực quản là một chứng bệnh thuộc về đường tiêu hóa, hay gặp ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian dài. Trào ngược mãn tính axit từ dạ dày vào thực quản vùng thấp. Barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản.
1. Tìm hiểu về Barrett thực quản
Barrett thực quản là tình trạng thay đổi màu sắc và thành phần của tế bào lót trong thực quản chủ yếu là do tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần với axit dạ dày. Các tế bào này được gọi là tế bào vảy thường lót ở thực quản. Khi mắc bệnh Barrett thực quản, những tế bào này chuyển thành các tế bào dạng hình cột.
Bệnh Barrett thực quản có thể tăng nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. Có khoảng 5% đến 10% người bị chứng rối loạn này thường bị ung thư thực quản.Vì vậy điều quan trọng người bệnh cần tái khám thường xuyên các tế bào tiền ung thư (Tế bào loạn sản). Nếu các tế bào tiền ung thư được phát hiện, việc điều trị sớm có thể ngăn ngừa ung thư thực quản tiến triển nặng hơn nữa.
Barrett thực quản là chứng bệnh ít gặp trong số các bệnh lý đường tiêu hóa. Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những người hay mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản không điều trị, để bệnh kéo dài liên tục.
2. Triệu chứng thường gặp của Barrett thực quản
Các dấu hiệu và triệu chứng thường liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân thường xuất hiện vào buổi sáng và buổi tối đặc trưng bởi các triệu chứng ợ nóng đặc trưng của bệnh. Một số biểu hiện khác như khó nuốt thức ăn, đau ngực, nôn ra máu, thở hụt hơi, thở khò khè, ho khan, khàn tiếng, viêm thanh quản tái đi tái lại nhiều lần, đi ngoài ra phân đen, phân nát.
Tuy nhiên, ở một số ít người khi gặp phải chứng bệnh này không xảy ra triệu chứng gì trước đó.
3. Nguy cơ mắc phải bệnh Barrett thực quản
Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đó là những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD)- các triệu chứng mãn tính mà axit trào ngược từ dạ dày lên phần cuối thực quản kéo dài dẫn đến mắc phải bệnh Barrett thực quản.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Barrett thực quản
- Giới tính: Nam giới thường có xu hướng mắc bệnh cao hơn nữ giới
- Người da trắng: Bệnh Barrett thực quản thường gặp ở người da trắng nhiều hơn những chủng tộc khác
- Tình trạng béo phì: Đa số những người bị béo phì ở bụng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Hút thuốc: Hút thuốc không chỉ gây hại cho phổi và hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng đến thực quản và khả năng tiêu hóa của cơ thể.
4. Phương pháp điều trị barrett thực quản
Bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ barrett thực quản bằng nội soi hoặc cắt bỏ bằng sóng âm. Các lựa chọn khác để điều trị barrett thực quản bao gồm:
- Liệu pháp áp lạnh: Sử dụng máy nội soi để áp dụng chất lỏng hoặc khí lạnh cho các tế bào bất thường trong thực quản. Các tế bào được cho phép ấm lên và sau đó được đông lạnh một lần nữa. Mục đích của phương pháp này là sẽ tiêu diệt các tế bào bất thường.
- Liệu pháp quang động: Phá hủy các tế bào bất thường bằng cách lợi dụng vào sự nhạy cảm của chúng với ánh sáng.
- Phẫu thuật: Trong đó phần bị tổn thương của thực quản được loại bỏ, và phần còn lại được gắn vào dạ dày.
Để có được hiệu quả cao nhất, người bệnh cần ngăn ngừa tốt chứng axit trào ngược dạ dày thực quản. Điều này nhằm bảo vệ những tế bào lót thực quản và có thể ngăn ngừa được sự phát triển của bệnh.
Ngoài ra, barrett thực quản là căn bệnh rất dễ tái phát vì vậy người bệnh cần:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.
- Cách duy nhất để chẩn đoán bệnh là nội soi thực quản sau đó tiến hành sinh thiết mô. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ tiến hành việc này.
5. Phòng bệnh barrett thực quản
Thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày, có thể là nguyên nhân của Barrett thực quản. Các biện pháp sau có thể phòng được bệnh Barrett thực quản:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Cần kiểm soát được cân nặng, vì cân nặng chính là một trong những yếu tố gây nên chứng Barrett thực quản;
- Ngừng hút thuốc.
- Cần chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày thành nhiều bữa để hạn chế tình trạng ợ nóng, ợ hơi.
- Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào, cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Sau khi ăn không nên nằm ngay, ít nhất 3 tiếng sau mới được ngủ, ngủ kê cao gối cũng là một cách hạn chế chứng trào ngược dạ dày.
- Tập luyện thể thao hàng ngày.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Bác sĩ Lê Thanh Tuấn đã có kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng (cả mổ mở, mổ nội soi). Đặc biệt Bác sĩ có thế mạnh trong phẫu thuật ngoại nhi điều trị các bệnh lý như: lồng ruột, ruột thừa viêm, thoát vị bẹn, các dị tật sau sinh (viêm phúc mạc bào thai, megacolon, không hậu môn),..
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.