Trào ngược dạ dày có mấy cấp độ?

Trào ngược dạ dày có mấy cấp độ là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân khi mắc phải bệnh này. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh phổ biến và có thể tái phát nhiều lần, có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn, các bác sĩ đã phân loại bệnh này thành nhiều cấp độ khác nhau.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Những dấu hiệu thường thấy của bệnh này bao gồm ợ hơi, ợ chua, đau rát vùng thượng vị, khó nuốt, cảm giác khó chịu ở ngực, cổ nóng rát, co thắt dạ dày và cảm nhận được vị đắng của dịch dạ dày trào ngược lên miệng. Nếu dịch này trào ngược vào đường hô hấp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như khàn tiếng, mất tiếng, ho hoặc thậm chí là khó thở.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: Ăn những loại thực phẩm nhất định khiến cơ thực quản dưới giãn ra gây trào ngược hoặc do biến chứng từ các tình trạng viêm loét dạ dày cả cấp tính lẫn mạn tính.

Trào ngược dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm thực quản mạn tính cũng như u thực quản, mất giọng hay thậm chí nguy hiểm nhất là ung thư thực quản. Vì thế, việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực là rất quan trọng để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra.  

Việc tìm hiểu bệnh trào ngược dạ dày có mấy cấp độ là rất quan trọng, giúp mọi người hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của từng cấp độ cũng như có định hướng điều trị phù hợp. Vậy bệnh trào ngược dạ dày có mấy cấp độ? 

Trào ngược dạ dày được phân làm nhiều cấp độ khác nhau.
Trào ngược dạ dày được phân làm nhiều cấp độ khác nhau.

2. Trào ngược dạ dày có mấy cấp độ?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản được phân loại thành nhiều cấp độ khác nhau, giúp cho các bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng bệnh của người bệnh và từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp. Cụ thể, bệnh trào ngược dạ dày được chia thành 5 cấp độ như sau:

  • Trào ngược dạ dày độ 0.
  • Trào ngược dạ dày độ A.
  • Trào ngược dạ dày độ B.
  • Trào ngược dạ dày độ C.
  • Trào ngược dạ dày độ D.
Trào ngược dạ dày có mấy cấp độ là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân khi mắc phải căn bệnh này.
Trào ngược dạ dày có mấy cấp độ là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân khi mắc phải căn bệnh này.

3. Đặc điểm của từng cấp độ trào ngược dạ dày

3.1 Cấp độ 0

Ở cấp độ này, axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản với tần suất thấp và chưa gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thực quản, không gây viêm loét thực quản. Người bệnh có thể có các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng nhưng không thường xuyên và các triệu chứng này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các hiện tượng sinh lý bình thường.

3.2 Viêm thực quản trào ngược độ A

Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh, khi mà niêm mạc thực quản bắt đầu có dấu hiệu tổn thương nhưng mức độ còn nhẹ. Trào ngược dạ dày ở cấp độ A là cấp độ phổ biến nhất mà người bệnh thường nhận biết được sự bất thường. Khoảng 90% bệnh nhân phát hiện mình mắc bệnh ở giai đoạn này.

Những triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản độ A bao gồm cảm giác nóng rát sau xương ức, cảm giác nghẹn ở vùng sau xương ức và ợ chua. Mặc dù có cảm giác nghẹn nhưng việc nuốt thức ăn hoặc uống nước vẫn diễn ra bình thường.

Nếu bệnh được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị đúng cách, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu bỏ qua không điều trị, người bệnh có thể cảm thấy chua miệng thường xuyên hơn, nóng rát vùng hầu họng và có các triệu chứng như ho, khó thở và thậm chí là phù nề phế quản do hít phải nhiều dịch vị trào ngược.

3.3 Viêm thực quản trào ngược độ B

Ở cấp độ này, tình trạng trào ngược dạ dày đã gây ra viêm nhiễm, những vết trợt trên niêm mạc có chiều dài trên 5mm, chúng có thể xuất hiện gần nhau hoặc rải rác trong niêm mạc của dạ dày và thực quản.  

Người bệnh ở giai đoạn này thường cảm thấy đau khi nuốt. Do axit trào ngược cùng niêm mạc thực quản cao tiếp xúc với tần số lớn và thường xuyên, các vết trợt có thể chuyển thành loét, gây ra cảm giác đau, khó nuốt, cảm giác vướng và nghẹn khi ăn. 

Ở viêm thực quản trào ngược độ B, người bệnh có thể cảm thấy khó nuốt khi ăn.
Ở viêm thực quản trào ngược độ B, người bệnh có thể cảm thấy khó nuốt khi ăn.

Niêm mạc thực quản bị phù nề sẽ gây khó nuốt. Sau khi lành lại, tình trạng này sẽ để lại sẹo làm hẹp thực quản, làm tăng cảm giác khó nuốt, thậm chí với thức ăn mềm và gây đau rát ở cổ. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bụng trên và cơn đau có thể xuất hiện cả khi đói lẫn no.

3.4 Cấp độ C

Ở cấp độ này, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra Barrett thực quản. Đây là tình trạng thay đổi màu sắc và cấu trúc tế bào lót ở vùng thấp của thực quản do tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày.  

Các vết trợt trên niêm mạc dạ dày và thực quản tập trung thành các vết loét to hơn. Người bị Barrett thực quản thường có triệu chứng ợ nóng, khó nuốt, nóng rát bụng, buồn nôn, nôn ra máu, đau ngực và đi ngoài phân đen. Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi nhưng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nam giới thường có nguy cơ bị barrett thực quản cao hơn nữ giới.

3.5 Cấp độ D

Đây là cấp độ nặng và nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong giai đoạn này, Barrett thực quản chuyển sản thành một tập hợp các vết sẹo, vết loét sâu với tổn thương rộng.  

Bệnh nhân có thể liên tục cảm thấy ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và thường xuyên mệt mỏi, uể oải. Giai đoạn này có nguy cơ cao chuyển sang ung thư và việc thực hiện các xét nghiệm mô tế bào là cần thiết để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.

4. Lưu ý khi điều trị trào ngược dạ dày

Việc lựa chọn phương án điều trị trào ngược dạ dày phụ thuộc vào thể trạng của từng người bệnh và cấp độ phát triển của bệnh. Đối với giai đoạn 0, bệnh thường khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, do đó việc điều trị sớm thường không được thực hiện.  

Giai đoạn A là thời điểm thuận lợi nhất để bắt đầu điều trị, vì ở giai đoạn này tổn thương do bệnh gây ra còn nhẹ và việc điều trị triệt để là khả thi. Điều quan trọng là người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương án điều trị phù hợp.

Những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị: Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị do bác sĩ đề ra, uống thuốc theo đơn. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng cũng như thời gian sử dụng mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Người bệnh nên có chế độ ăn uống khoa học, chọn lựa thực phẩm lành mạnh, tốt với dạ dày và tránh xa các thực phẩm có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
  • Lối sống lành mạnh: Tập thể dục đều đặn và duy trì một lối sống lành mạnh có tác động tích cực đến quá trình điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Việc tránh sử dụng rượu bia và không hút thuốc lá là cần thiết để giảm bớt các yếu tố có hại cho sức khỏe.

Hi vọng qua bài viết này người bệnh đã hiểu rõ hơn bệnh trào ngược dạ dày có mấy cấp độ cũng như mức độ nghiêm trọng và lưu ý trong quá trình điều trị bệnh. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể được điều trị triệt để nếu như được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.  

Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo của bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm. Việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp bác sĩ đề ra phương án điều trị phù hợp và hiệu quả, nhằm kiểm soát bệnh lý và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe