Tổng quan về bệnh cốt tủy viêm nhiễm khuẩn

1. Viêm xương tủy nhiễm khuẩn là gì?

Viêm xương tủy nhiễm khuẩn là một bệnh lý nổi bật với tình trạng nhiễm trùng tại xương do tác nhân là vi trùng.

Xương là một bộ phận của cơ thể. Mặc dù có cấu tạo chủ yếu là các thành phần vô cơ và có cấu trúc rất cứng rắn, xương vẫn có thể bị nhiễm trùng theo nhiều cách khác nhau như nhiễm trùng ở một bộ phận của cơ thể có thể lây lan qua máu vào xương hoặc gãy xương hở hoặc phẫu thuật tác động vào xương cũng có thể khiến cho xương bị nhiễm trùng.

Trong hầu hết các trường hợp, tác nhân gây viêm tủy xương thường do Staphylococcus aureus, một loại vi khuẩn tụ cầu khuẩn. Một số tình trạng mãn tính như bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tủy xương với nhiều tác nhân bội nhiễm khác nhau.

Dù là tác nhân nào thì nhìn chung, viêm xương tủy là một bệnh nhiễm trùng khó chữa, tỷ lệ tái phát cao mặc dù đã điều trị đầy đủ. Để điều trị, cách tiếp cận với viêm tủy xương sẽ phụ thuộc vào con đường mà vi khuẩn tiếp cận với xương, độc lực của vi khuẩn, các yếu tố miễn dịch của vật chủ và toàn thân và tuổi của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, viêm xương tủy nhiễm khuẩn cũng có thể được phân loại thành cấp tính, bán cấp hoặc mãn tính theo thời gian mắc bệnh. Trong đó, viêm xương tủy cấp tính thường có đáp ứng tốt với kháng sinh và, nếu cần thiết, nên chỉ định phẫu thuật. Ngược lại, viêm tủy xương mãn tính lại là một đại diện cho các bệnh lý nhiễm trùng mang tính thách thức lớn, trong đó kháng sinh chỉ đóng vai trò thứ yếu mà phẫu thuật mới là điều trị quyết định để có được kết quả tốt nhất.

2. Ai có nguy cơ cao bị viêm tủy xương nhiễm khuẩn?


Hầu hết các trường hợp viêm tủy xương có bệnh nền là tiểu đường
Hầu hết các trường hợp viêm tủy xương có bệnh nền là tiểu đường

Vì xương là một cơ quan nằm sâu trong các bộ phận cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng tại xương tương đối ít gặp hơn so với các cơ quan khác. Tuy nhiên, nếu một người có các điều kiện và yếu tố làm suy yếu hệ thống miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ viêm xương tủy xương, bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường (hầu hết các trường hợp viêm tủy xương có bệnh nền là tiểu đường)
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV hoặc AIDS
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch
  • Nghiện rượu
  • Sử dụng lâu dài steroid
  • Chạy thận nhân tạo
  • Có tình trạng cung cấp máu kém
  • Có chấn thương gần đây

Phẫu thuật can thiệp tại xương, bao gồm thay khớp háng và thay khớp gối

3. Biểu hiện của xương tủy nhiễm khuẩn như thế nào?

Viêm xương tủy nếu trong giai đoạn cấp tính sẽ có tốc độ phát triển nhanh chóng trong khoảng thời gian từ bảy đến 10 ngày. Tuy nhiên, ngoài thời gian mắc bệnh, các triệu chứng của viêm tủy xương cơ bản dù là cấp tính hay mãn tính là rất giống nhau và bao gồm:

  • Sốt cao hay âm ỉ
  • Cảm giác khó chịu, mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Đau, đỏ và ấm nóng ở vùng bị nhiễm trùng
  • Đau lưng dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm đối với viêm tủy xương ở đốt sống
  • Sưng quanh xương vùng bị ảnh hưởng
  • Mất biên độ cử động, vận động

Người bị viêm xương tủythường cảm giác khó chịu, mệt mỏi
Người bị viêm xương tủythường cảm giác khó chịu, mệt mỏi

Khi so sánh các biểu hiện của viêm tủy xương ở trẻ em và người lớn thì sẽ nhận thấy nhiều điểm khác biệt hơn:

  • Ở trẻ em, viêm tủy xương nhiễm khuẩn thường là cấp tính. Bệnh cảnh xuất hiện nhanh chóng, dễ điều trị hơn và đáp ứng tổng thể hóa tốt hơn so với viêm tủy xương mãn tính. Vị trí thường mắc phải viêm tủy xương ở trẻ em là ở xương cánh tay hoặc chân.
  • Ở người lớn, viêm tủy xương có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Những người mắc bệnh tiểu đường, HIV hoặc bệnh mạch máu ngoại biên dễ bị viêm tủy xương mãn tính, vẫn tồn tại dai dẳng hoặc tái phát mặc dù đã điều trị đầy đủ bao gồm cả phẫu thuật. Dù mãn tính hay cấp tính, viêm tủy xương ở người lớn có vị trí thường bị ảnh hưởng là xương chậu hoặc đốt sống. Ngoài ra, bệnh cảnh viêm xương bàn chân trên các cơ địa đái tháo đường cũng là một vấn nạn đối với các nhà lâm sàng.

4. Cách chẩn đoán và điều trị viêm xương tủy nhiễm khuẩn như thế nào?

Nhiễm trùng xương là một tình trạng không đặc hiệu và thường không phải là chẩn đoán ban đầu nếu không nhìn thấy ngõ vào. Mặc dù người bệnh có thể đi khám ban đầu vì các cơn nóng sốt, mệt mỏi nhưng chẩn đoán chỉ được nghĩ tới nếu bác sĩ quan sát thấy có những vị trí bị viêm, sưng trên chân tay, thân mình một cách bất thường. Mặt khác, sự hiện diện của các ổ mủ cần dẫn lưu, lỗ rò hoặc áp xe trên các đối tượng có nguy cơ kể trên, nhất là sau các can thiệp ngoại khoa trên xương, sẽ giúp cho việc đưa ra chẩn đoán này thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của bệnh cảnh viêm nhiễm do tác nhân là vi trùng gây ra cũng đòi hỏi các bất thường ghi nhận trong các xét nghiệm máu là tăng tốc độ máu lắng, tăng protein phản ứng C (CRP). Mặc dù không đặc hiệu, những cận lâm sàng này cũng rất hữu ích trong việc theo dõi tình trạng nhiễm trùng xương có đáp ứng tốt với điều trị hay không.

Ngoài ra, các phương tiện hình ảnh học cũng rất cần thiết. Hình ảnh X quang viêm xương có thể cho thấy một khu vực nghi ngờ viêm nhiễm trên xương với phản ứng dày màng đáy. Tuy nhiên, các công cụ khác như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp số hóa xóa nền mới là bằng chứng cần thiết để chứng minh có tình trạng xương đang bị hoại tử. Động thời, quét đồng vị, như xạ hình xương với Technetium99, Gallium67 hoặc Indium111, cũng có thể giúp phân biệt nhiễm trùng xương với các nhiễm trùng mô mềm cạnh xương hoặc viêm xương không do nhiễm trùng. Cuối cùng, một trong những công cụ tốt nhất để chẩn đoán viêm tủy xương là PET-CT nhưng lại gặp hạn chế là không có sẵn ở nhiều bệnh viện.


Hình ảnh X quang viêm xương có thể cho thấy một khu vực nghi ngờ viêm nhiễm trên xương với phản ứng dày màng đáy
Hình ảnh X quang viêm xương có thể cho thấy một khu vực nghi ngờ viêm nhiễm trên xương với phản ứng dày màng đáy

Trong khi các nghiên cứu hình ảnh và xét nghiệm máu chỉ giúp xác định chẩn đoán, việc nuôi cấy xương, đặc biệt là từ mảnh sinh thiết sau phẫu thuật, sẽ là rất cần thiết để vừa chẩn đoán và định hướng điều trị. Staphylococcus aureus là tác nhân được tìm thấy thường xuyên nhất mặc dù đôi khi cũng có thể có nhiều hơn một mầm bệnh được phân lập sau khi nuôi cấy, nhất là trên các cơ địa suy giảm miễn dịch.

Điều trị viêm tủy xương nhiễm khuẩn bao gồm phẫu thuật và điều trị bằng kháng sinh. Trong đó, phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng đặc biệt là trong viêm tủy xương mãn tính trong khi các bệnh cảnh cấp tính có thể đáp ứng tốt chỉ với một liệu trình kháng sinh đầy đủ. Để được như vậy, việc lựa chọn kháng sinh ban đầu cần thận trọng, đảm bảo tính nhạy cảm với vi khuẩn được nuôi cấy, thậm chí có thể phải cần đến sự kết hợp của nhiều hơn một loại kháng sinh nhằm tránh sự kháng thuốc nếu người bệnh đã được điều trị bằng kháng sinh kéo dài trước đó. Một số bằng chứng đã cho thấy rằng điều trị bằng kháng sinh kéo dài mà không cần phẫu thuật vẫn có thể được chữa khỏi trong viêm xương tủy xương đốt sống, đặc biệt là ở trẻ em, chỉ một số ít trường hợp còn lại mới đòi hỏi phẫu thuật.

Trong trường hợp cần phải can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật viên cần phải đảm bảo lấy sạch các mảnh vỡ xương do chấn thương hay lần phẫu thuật trước đó đồng thời với việc dọn dẹp ổ hoại tử, apxe và đặt dẫn lưu nếu cần. Cuối cùng, khả năng hồi phục của người bệnh sau can thiệp còn phụ thuộc vào kỹ thuật ổn định xương và cung cấp độ che phủ mô mềm phù hợp, kết hợp với đảm bảo lưu lượng máu nuôi nhằm tăng nồng độ kháng sinh diệt khuẩn tại chỗ.

Tóm lại, viêm xương tủy nhiễm khuẩn có nhiều nguyên nhân khác nhau làm phức tạp hóa các liệu pháp chữa trị. Hơn nữa, các yếu tố rủi ro hoặc vi sinh vật gây bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như tiên lượng về lâu dài. Tuy nhiên, phẫu thuật khi có chỉ định và liệu pháp kháng khuẩn đầy đủ là thành phần bắt buộc để chữa trị cũng như là yếu tố tiên quyết đối với tiên lượng người bệnh về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe