Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bệnh lao xương nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra biến chứng tàn phế, liệt. Vậy bệnh lao xương có chữa khỏi được không và có những phương pháp điều trị nào?
1. Bệnh lao xương là bệnh gì?
Bệnh lao xương là một bệnh toàn thân và có biểu hiện tổn thương lao khu trú ở xương. Lao xương là bệnh lao thứ phát, thường do trực khuẩn lao từ phổi hoặc hạch, đi vào máu tới xương. Lao xương thường xuất hiện ở các xương xốp như: thân đốt sống, xương tụ cốt bàn tay và bàn chân.
2. Nguyên nhân gây bệnh lao xương
- Bệnh lao xương thường xảy ra khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn lao và lan ra ngoài phổi;
- Bệnh lao xương cũng thường lây truyền từ người này sang người khác qua đường không khí. Sau khi bị nhiễm khuẩn lao, bệnh lây truyền qua đường máu và lan từ phổi, các hạch bạch huyết đến xương và cột sống. Lao xương thường khởi phát do nguồn cung máu đến giữa các xương dài và cột sống quá dồi dào.
Mặc dù, lao xương là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên bệnh lại rất khó phát hiện, chẩn đoán. Do đó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
3. Triệu chứng của bệnh lao xương
Cũng tương tự các bệnh lao khác, khi bị bệnh lao xương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Sốt dai dẳng từ mức độ nhẹ đến vừa, hay sốt về chiều, mệt mỏi;
- Biếng ăn, người xanh xao, hay bị đổ mồ hôi trộm;
- Sưng to tại các vị trí xương bị vi khuẩn lao tấn công, tuy nhiên, chỗ sưng không nóng và không đỏ;
- Bệnh lao xương tạo ra những ổ áp-xe, bên trong có mủ, bị hoại tử bã đậu, có mảnh xương chết trong thân xương, viêm tủy xương;
- Hoạt động cơ thể khó khăn hơn do các khớp xương đau nhẹ hoặc vừa. Ví dụ, người bị lao xương cột sống sẽ không thể cúi hoặc ngửa người, lao xương háng thì không thể co duỗi chân...
- Một số triệu chứng khác như teo các cơ vận động, gù cột sống - vẹo cột sống, gấp khúc cột sống, đi tập tễnh hoặc lệch người, tàn phế, liệt, rối loạn cơ tròn do ổ áp-xe gây chèn ép tủy sống,...
4. Biến chứng của bệnh lao xương
Hiện nay, bệnh lao xương đã có thuốc đặc trị giúp giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, điều trị bệnh vẫn tương đối phức tạp, nhất là tại vị trí lao phá hủy xương và gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của xương. Lao xương thường diễn tiến chậm và âm ỉ, do đó, người bệnh chủ quan, không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Ở giai đoạn muộn, bệnh lao xương có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Liệt tứ chi do vi khuẩn lao làm biến dạng cột sống, chèn ép tủy sống và rễ thần kinh;
- Lao xương nếu không điều trị có thể dẫn đến xẹp đốt sống, gây gù nhọn;
- Các biến chứng về thần kinh;
- Bệnh lao xương ở trẻ nhỏ có thể phải phẫu thuật cắt bỏ chân, tay;
- Dị tật về xương;
- Khi vi khuẩn lao tấn công và ảnh hưởng đến các cơ quan như phổi, màng não, khối áp-xe khi bị vỡ vào trung thất có thể chèn ép tim, suy hô hấp, trụy mạch, gây nguy kịch và dẫn đến tử vong.
5. Chẩn đoán bệnh lao xương
Do bệnh lao xương không thể hiện rõ triệu chứng trong thời gian dài nên việc chẩn đoán bệnh có thể khó và thường bị trì hoãn. Lao cũng là bệnh có thể không được xem xét trong chẩn đoán phân biệt ban đầu.
Phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh lao xương rất quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ dị tật và nâng cao hiệu quả điều trị. Các phương pháp chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI);
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan);
- Chụp X-quang (phổi, cột sống, vị trí xương bị tổn thương);
- Sinh thiết tại vị trí bị ảnh hưởng của hệ thống cơ xương.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao xương, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tối ưu và phù hợp nhất.
6. Điều trị bệnh lao xương
Mặc dù, bệnh lao xương có thể gây ra những cơn đau, tuy nhiên những tổn thương của bệnh vẫn có thể hồi phục được. Hiện nay, bệnh đã có thể được chữa khỏi hoàn toàn trong khoảng 9 – 12 tháng, tuy nhiên, người bệnh bắt buộc phải tuân theo phác đồ điều trị và uống thuốc nghiêm ngặt, tránh không cho vi khuẩn kháng thuốc.
Cách chữa bệnh lao xương hiện nay được biết là:
- Dùng thuốc chống lao toàn thân là ưu tiên hàng đầu để phòng ngừa bệnh lao xương, với kế hoạch điều trị bệnh thường kéo dài từ 6-18 tháng;
- Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân buộc phải phẫu thuật cột sống để cắt bỏ một phần cột sống;
- Với một số trường hợp như ổ áp-xe lớn, chèn ép tủy sống, đốt sống xẹp, áp-xe lạnh cần phải can thiệp ngoại khoa.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Các bác sĩ Nội Cơ xương khớp cùng các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình giàu chuyên môn và kinh nghiệm sẽ kết hợp hội chẩn, đồng thời thực hiện các phương pháp chẩn đoán tiên tiến nhất hiện nay để đánh giá tình trạng bệnh và chỉ định phác đồ điều trị cụ thể.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chính là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin tưởng trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý cơ xương khớp. Khi thăm khám tại Hệ thống y tế Vinmec, Quý khách hàng sẽ được:
- Đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân.
- Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp.
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
- Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa.
- Đảm bảo trọn vẹn sự an toàn và riêng tư cho khách hàng.
- Mô hình quản lý, chia sẻ và kết nối dữ liệu thông tin trực tuyến hiện đại, hiệu quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.