Đối với dân chơi thể thao, đặc biệt là các môn cần phải đưa tay qua đầu thường xuyên như tennis, cầu lông, bóng rổ... tình trạng đau vai là triệu chứng thường gặp phải trong quá trình tập luyện, thi đấu. Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau khớp vai, trong đó tổn thương sụn viền là một trong những nguyên nhân rất dễ bị bỏ sót khi thăm khám, kể cả khi thực hiện chụp cộng hưởng từ.
1. Sụn viền khớp vai nằm ở đâu?
Mô sụn được cấu tạo từ các sụn sợi và gắn vào viền ổ chảo xương vai, do đó được gọi là sụn viền khớp vai. Đây là sụn đảm nhiệm vai trò làm sâu rộng thêm khớp ổ chảo cánh tay, giúp giữ cho chỏm xương cánh tay luôn tiếp xúc với ổ chảo trong mọi vận động hàng ngày của khớp vai. Sụn viền khớp vai có hình dạng tương tự như chữ C, bên cạnh vai trò làm rộng thêm diện khớp, sụn viền khớp vai còn là điểm bám của đầu dài gân cơ nhị đầu.
Tổn thương sụn viền khớp vai hay gặp bao gồm:
- Bong sụn viền khớp vai: Sụn có thể bong ra khỏi vị trí giải phẫu do những nguyên nhân khác nhau như chấn thương gây trật hoặc bán trật khớp vai;
- Rách sụn viền: Tình trạng này xảy ra do nhiều cơ chế, có thể do ngã đập vai khi cánh tay đang duỗi hoặc giơ tay lên cao quá mức và lặp đi lặp lại nhiều lần. Rách sụn viền khớp vai phổ biến nhất là rách phía trước (tổn thương Bankart trong trật mất vững khớp vai phía trước); kế đến là rách sụn viền phía trên theo hướng từ trước ra sau (tổn thương SLAP).
Xem ngay: Tại sao chụp MRI được ưu tiên sử dụng khi chẩn đoán rách sụn viền khớp vai?
2. Triệu chứng của tổn thương sụn viền
Tương tự các bệnh lý cơ xương khớp khác, tổn thương sụn viền có biểu hiện chính là đau nhức. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương sụn viền mà người bệnh có thể đau vai khi thực hiện một số động tác hoặc đau âm ỉ kéo dài trong trường hợp có viêm gân cơ kèm theo. Triệu chứng đau nhức vai có thể lan xuống cánh tay hoặc cẳng tay. Một số trường hợp cảm giác đau của người bệnh tương đối mơ hồ, không rõ ràng.
Bên cạnh đau vai, đa số người bệnh đều xuất hiện tình trạng hạn chế vận động. Một phần do đau và một phần do tổn thương sụn viền ảnh hưởng đến hoạt động khớp vai, người bệnh không thể thực hiện các động tác hoặc nếu cố gắng thì vẫn không đủ lực để thực hiện.
Riêng với những vận động viên thể thao, đặc biệt là những môn phải sử dụng tay qua đầu khi thi đấu như cầu lông, quần vợt, bóng ném, bóng rổ, tình trạng đau nhức bả vai có thể sẽ xuất hiện thường xuyên, cả trong quá trình tập luyện lẫn thi đấu. Đau vai ở nhóm bệnh nhân này đa số kéo dài dai dẳng, đau tăng lên khi đưa tay qua đầu và từ đó suy giảm khả năng vận động của tay bị chấn thương.
Đôi khi, dấu hiệu đau vai trong tổn thương sụn viền giống với đau do các nguyên nhân khác như viêm gân cơ, viêm quanh khớp vai... Điều này đòi hỏi bác sĩ phải thăm khám kỹ lưỡng mới có thể phân biệt được.
Một tổn thương sụn viền hay gặp là rách sụn viền có một số dấu hiệu, triệu chứng sau:
- Cảm giác đau nhức sâu bên trong khớp vai;
- Khớp vai có thể mất vững;
- Giới hạn tầm vận động khớp vai;
- Cứng khớp vai;
- Cảm giác vận động của vai không được mềm mại;
- Cảm giác kẹt khớp.
Tổn thương SLAP và Bankart trong rách sụn viền khớp vai đa số gây khó khăn cho bệnh nhân trong các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là khi cần đưa tay lên cao. Tổn thương sụn viền phía trước thường gây cảm giác bán trật khớp khi chỏm xương cánh tay muốn trật ra khỏi ổ chảo.
Tổn thương sụn viền thường là hậu quả của trật khớp vai, do đó khi thăm khám đa số phải làm các nghiệm pháp để xem khớp vai có mất vững hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp chẩn đoán hình ảnh cần thiết như chụp X Quang và cộng hưởng từ MRI để xác định chẩn đoán. Rách sụn viền kiểu Bankart có thể phát hiện thông qua chụp MRI không tiêm thuốc cản từ, còn tổn thương SLAP đòi hỏi phải tiêm thuốc cản từ trước khi chụp MRI để quan sát rõ các tổn thương.
Xem ngay: Chỉ định khâu sụn viền vai
3. Điều trị tổn thương sụn viền khớp vai như thế nào?
Việc lựa chọn phác đồ điều trị tổn thương sụn viền khớp vai sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Những trường hợp rách sụn viền mức độ nặng đòi hỏi phải điều trị phẫu thuật với mục tiêu đầu tiên là giảm đau nhức cho người bệnh rồi sau đó mới cố gắng cải thiện tối đa khả năng, mức độ vận động khớp. Trong đó, mục tiêu cải thiện triệu chứng đau thường mang lại hiệu quả tương đối tốt. Ngược lại, việc cải thiện mức độ vận động thường không thể hồi phục hoàn toàn như trước chấn thương.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi đang phát triển rất mạnh mẽ, đem lại khả năng phục hồi tốt cho các tổn thương sụn viền khớp vai, đồng thời ít ảnh hưởng đến các cấu trúc giải phẫu xung quanh.
Sau phẫu thuật khoảng 2 tháng, người bệnh hoàn toàn có thể quay lại với các hoạt động sinh hoạt thường ngày, tuy nhiên cố gắng hạn chế tối đa những động tác vai đòi hỏi nhanh mạnh hoặc xách đổ quá nặng. Trong 2 tháng đầu sau mổ, người bệnh cần có những bài tập vận động để duy trì biên độ vận động khớp và tránh tình trạng teo các cơ vùng vai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.