Tìm hiểu bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống

Viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống khá đặc trưng bởi các triệu chứng tổn thương nội tạng kèm theo sốt cao điển hình, cùng các tổn thương lan rộng ngoài khớp như trên da, mạch máu, tim, phổi, gan, lách, hạch…, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. 

1. Viêm khớp thiếu niên là gì?

Viêm khớp thiếu niên hệ thống là bệnh lý viêm khớp mạn tính, thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ, bệnh thường kéo dài ít nhất 6 tuần và đã loại trừ được các nguyên nhân gây viêm khớp khác.

Bệnh được xác định khi có các dấu hiệu sau:

  • Sưng khớp hoặc tràn dịch màng trong khớp.
  • Người bệnh gặp ít nhất một trong hai triệu chứng sau: đau khớp thường xuyên hoặc đau khi vận động, hạn chế vận động khớp, cảm giác tăng nóng tại khớp.

Mặc dù viêm khớp thiếu niên hệ thống thường hết sau một thời gian ngắn, nhưng các biến chứng ngoài khớp do bệnh gây ra có thế kéo dài, nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của trẻ.

Quá trình chẩn đoán bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý có biểu hiện toàn thân khác như viêm da cơ, nhiễm trùng huyết, viêm đa cơ, bệnh Kawasaki, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behcet, và bạch huyết cấp… 

Viêm khớp thiếu niên hệ thống là một bệnh viêm khớp mạn tính
Viêm khớp thiếu niên hệ thống là một bệnh viêm khớp mạn tính

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm khớp tự miễn ở thanh thiếu niên vẫn chưa được xác định rõ. Đây là một loại bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh do các tác nhân như vi khuẩn và virus.

Ở thể liên quan viêm ruột của bệnh viêm khớp thiếu niên, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng đường tiêu hóa. Những đợt viêm nhiễm này phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn có lợi và có hại. Đây cũng là tiền đề dẫn đến bệnh viêm ruột và viêm khớp thiếu niên thể liên quan đến viêm ruột.

Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, những yếu tố bên ngoài cũng có khả năng gây ra bệnh viêm khớp ở thanh thiếu niên bao gồm:

  • Nhiễm trùng.
  • Tiêm chủng vaccine.
  • Sử dụng quá nhiều kháng sinh.
  • Stress và suy giảm sức khỏe tinh thần.
  • Thiếu vitamin D trong cơ thể.
  • Biến chứng sau chấn thương đột ngột.
  • Ngoài ra, các nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp ở thanh thiếu niên bao gồm:
  • Môi trường ô nhiễm, nhiều vi khuẩn tích tụ.
  • Thai phụ hút thuốc lá, cả chủ động và thụ động.
  • Yếu tố di truyền, người có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm khớp tự miễn dịch, viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh liên quan đến cơ xương khớp. 
Tiêm chủng vaccine cũng có khả năng gây ra bệnh viêm khớp ở thiếu niên
Tiêm chủng vaccine cũng có khả năng gây ra bệnh viêm khớp ở thiếu niên

3. Triệu chứng bệnh viêm khớp thiếu niên

3.1. Triệu chứng lâm sàng

3.1.1. Triệu chứng tại khớp

  • Đau khớp là triệu chứng ban đầu và thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.
  • Viêm đa khớp thường gặp ở các khớp cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân. Một số trường hợp người bệnh có thể bị viêm đa khớp ở các khớp bàn tay, khớp háng, cột sống cổ và khớp thái dương hàm dưới.

3.1.2. Triệu chứng ngoài khớp

Với tình trạng viêm khớp thiếu niên, sốt thường xuất hiện trong giai đoạn khởi phát, nhưng cũng có thể xảy ra sau khi đợt viêm khớp đã qua. Đặc điểm của sốt là có khả năng xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng thường xuất hiện vào buổi chiều hoặc tối.  

Sốt thường tăng cao và sau đó hạ nhanh xuống dưới mức nhiệt độ bình thường vào sáng sớm, kèm theo các triệu chứng như ớn lạnh, đau cơ, chán ăn và mệt mỏi.

Ngoài sốt cao, các triệu chứng khác cụ thể bao gồm:

  • Phát ban: Các vết ban có đặc điểm là hình tròn, màu hồng, viền nhạt, thường xuất hiện riêng lẻ với đường kính khoảng 2-10mm. Vết ban dễ biến mất và thường nổi rõ nhất khi trẻ sốt, sau đó mờ dần khi nhiệt độ trở lại bình thường và xuất hiện lại khi có cơn sốt mới. Ban thường xuất hiện ở thân người, gốc chi hoặc toàn thân.
  • Viêm màng thanh dịch và tổn thương tim: Tràn dịch màng ngoài tim thường được phát hiện ở hầu hết các trường hợp bệnh viêm khớp thiếu niên hệ thống trong giai đoạn tiến triển, nhưng lượng dịch ít và không có triệu chứng rõ ràng.
  • Tràn dịch màng phổi thường gặp trong các đợt cấp của bệnh, có khả năng kèm theo viêm phổi mô kẽ lan tỏa nhưng khá hiếm.
  • Đau bụng do viêm màng bụng hoặc căng bao gan do gan to nhanh gây ra triệu chứng giống như cơn đau bụng cấp tính.
  • Tổn thương hệ liên võng nội mô: Vị trí tổn thương thường gặp ở cổ và hạch mạc treo; hạch thường không đau, mềm và di động. Gan to thường xuất hiện ở trường hợp viêm khớp thiếu niên thể hệ thống hoạt động và kèm theo tăng chỉ số men gan. Lách to xuất hiện ở khoảng 30-50% trường hợp. Trong hội chứng Felty, trẻ có biểu hiện lách to và có dấu hiệu cường lách (giảm cả ba dòng ở ngoại vi).
  • Các dấu hiệu khác bao gồm các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương như kích thích, giảm tri giác, co giật và dấu hiệu viêm màng não. Viêm màng bồ đào ít phổ biến hơn trong bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống.
  • Các tổn thương thường xảy ra ở khớp cổ tay, khớp háng và khớp vai. Tổn thương ở cột sống cổ và khớp háng xảy ra vào giai đoạn muộn. Viêm dính cột sống và khối xương cổ tay cũng xảy ra trong các trường hợp bệnh nặng và kháng trị. 
Nên đi khám khi có các biểu hiện của viêm khớp hệ thống
Nên đi khám khi có các biểu hiện của viêm khớp hệ thống

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Số lượng bạch cầu trong máu có thể tăng cao đến mức 30.000 - 50.000/mm3, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Số lượng tiểu cầu có thể tăng cao đến 1 triệu/mm3, trong khi nồng độ hemoglobin (Hb) trong trường hợp thiếu máu có thể dao động từ 7 đến 10 g/dL.
  • Tốc độ máu lắng tăng cao, cùng với quá trình tăng Fibrinogen, Ferritin và D-dimer ở mức vừa. Nếu có dấu hiệu giảm sút đột ngột của tốc độ máu lắng và Fibrinogen, người bệnh cần lưu ý đến những biểu hiện của hội chứng hoạt hóa đại thực bào (MAS).
  • Các globulin miễn dịch đa dòng thường tăng cao, nhưng các tự kháng thể như RF và ANA âm tính.
  • Xét nghiệm dịch khớp thường có số lượng bạch cầu từ 10.000 đến 40.000/mm3. Trong một số ít trường hợp, số lượng bạch cầu có thể lên đến 100.000/mm3 đòi hỏi phải chẩn đoán để phân biệt với viêm khớp nhiễm trùng.  
  • X-quang thường phát hiện các thay đổi ở xương và mô mềm, đặc biệt là ở trẻ em mắc bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống.

Bệnh nhân có số lượng tiểu cầu tăng và triệu chứng viêm toàn thân dai dẳng trên 6 tháng có khả năng xuất hiện những thay đổi sớm trên ảnh chụp X-quang.

4. Chẩn đoán bệnh

4.1. Chẩn đoán viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống (ILAR)

  • Xuất hiện cơn đau ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, kèm theo sốt cao đặc trưng mỗi ngày kéo dài trên 2 tuần.
  • Phát ban mau phai mờ.
  • Hạch toàn thân.
  • Gan to hoặc lách to.
  • Viêm màng thanh dịch.

4.2. Chẩn đoán phân biệt

Để loại trừ bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể hệ thống, bác sĩ cần xem xét những dấu hiệu sau:

  • Người bệnh mắc bệnh vẩy nến hoặc có tiền sử bệnh vẩy nến ở người thân trong gia đình (đời thứ nhất).
  • Viêm khớp xuất hiện ở nam giới HLA-B27, bệnh bắt đầu sau 6 tuổi.
  • Người bệnh có các dấu hiệu như viêm cột sống dính khớp ở thiếu niên, viêm điểm bám gân, viêm khớp cùng chậu đồng thời với viêm ruột mạn, hội chứng Reiter, viêm màng bồ đào trước hoặc họ hàng đời thứ nhất có tiền sử mắc phải các bệnh lý này.
  • Xuất hiện yếu tố viêm khớp dạng thấp trong 2 lần kiểm tra cách nhau ít nhất 3 tháng.

Để tối ưu hiệu quả của việc điều trị và hạn chế tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần phân loại bệnh khi thăm khám sức khỏe để có phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh viêm khớp.  

Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa về cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề về sức khỏe xương khớp. Kết hợp cùng hệ thống máy móc hiện đại và chế độ chăm sóc khách hàng ưu việt, Vinmec chính là sự lựa chọn hợp lý nhất cho quý khách hàng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của bản thân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe