Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Việc điều trị dị dạng tĩnh mạch - một thể của dị dạng mạch máu thường được thực hiện dưới nhiều cách khác nhau. Tiêm xơ trực tiếp là một phương pháp đang được áp dụng nhiều hiện nay.
1. Dị dạng tĩnh mạch và các dấu hiệu lâm sàng của dị dạng tĩnh mạch
Dị dạng tĩnh mạch thuộc vào loại hay gặp nhất, chiếm tới 50% các loại dị dạng mạch máu. Theo đó, các dấu hiệu lâm sàng của dị dạng tĩnh mạch thường xuất hiện một khối màu xanh của da hoặc niêm mạc. Dị dạng tĩnh mạch ít nhiều gồ lên hoặc như một mạng lưới nông các tĩnh mạch. Khi tổn thương mềm, có thể bị ấn xẹp dễ dàng và phồng trở lại khi thả ép, tăng thể tích ở tư thế dốc người xuống và khi cố sức. Đôi khi bệnh nhân có thể sờ thấy các nốt vôi hóa (được gọi là sỏi tĩnh mạch).
Dị dạng tĩnh mạch luôn xuất hiện vào lúc sinh, nhưng có thể không được nhận thấy và bắt đầu có triệu chứng trong thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên. Các tổn thương có thể chỉ nhỏ, khu trú và không gây hậu quả gì trong một thời gian dài. Tuy nhiên khi nó phát triển vào trong các cơ, các tạng và xâm chiếm nhiều cấu trúc giải phẫu sẽ dẫn đến ảnh hưởng chức năng hoặc biến dạng thẫm mỹ trầm trọng.
2. Điều trị dị dạng tĩnh mạch bằng phương pháp tiêm xơ trực tiếp dưới chụp mạch số hóa xóa nền
2.1. Phương pháp điều trị như thế nào?
Phương pháp này chụp mạch và gây tắc mạch trực tiếp qua da. Nghĩa là thực hiện bằng cách chọc kim vào ổ dị dạng tĩnh mạch, sau đó chụp mạch bằng thuốc đối quang để đánh giá tình trạng huyết động của tổn thương và cuối cùng là bơm thuốc gây tắc mạch.
Đây là phương pháp can thiệp điều trị các bệnh lý dị dạng mạch máu ở ngoại biên, có thể áp dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với các kỹ thuật gây tắc mạch truyền thống.
Phương pháp chống chỉ định đối với những bệnh nhân có các vấn đề sau đây:
- Viêm, nhiễm trùng, hoại tử da và phần mềm vùng dự kiến chọc trực tiếp
- Dị ứng thuốc đối quang I-ốt
- Rối loạn đông máu nặng và mất kiểm soát (Prothrombin <60%, INR > 1.5, số lượng tiểu cầu < 50 G/l)
Còn lại thì các bệnh nhân có lưu lượng dòng chảy thấp hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp này để điều trị dị dạng tĩnh mạch.
2.2. Cách tiến hành điều trị dị dạng tĩnh mạch bằng phương pháp tiêm xơ trực tiếp dưới chụp mạch số hóa xóa nền
- Mở đường vào lòng mạch
Bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, sau đó dùng kim chọc có kích thước phù hợp chọc vào tổn thương. Quá trình này có thể diễn ra dưới hướng dẫn siêu âm và/hoặc ảnh chụp DSA. Tiếp theo - chụp mạch đánh giá tổn thương rồi kết nối kim chọc với dây nối.
Tiến hành chụp hệ thống mạch đánh giá tình trạng huyết động của tổn thương và mạch lân cận.
- Can thiệp điều trị
Bác sĩ sẽ theo dõi và tùy theo đặc điểm hình thái cũng như tính chất huyết động của tổn thương để quyết định lựa chọn vật liệu gây tắc mạch: vòng xoắn kim loại (Coil), keo sinh học (nBCA, Onyx), chất gây xơ (Thromboject) hay Ethanol. Sau khi xem xét, bác sĩ đưa vật liệu tắc mạch vào trong tổn thương để nút mạch.
Trong trường hợp vật liệu tắc mạch là dung dịch lỏng (keo sinh học) mà tổn thương có lưu lượng dòng chảy lớn, có tĩnh mạch dẫn lưu thì cần kết hợp Garo tĩnh mạch phía trên tổn thương (gốc chi).
- Đánh giá sau can thiệp
Bác sĩ sẽ chụp mạch đánh giá sự lưu thông sau khi tái thôn rồi đóng đường vào lòng mạch, kết thúc thủ thuật.
2.3. Khi nào thì phương pháp điều trị này được gọi là thành công?
Kết quả của phương pháp này được đánh giá là thành công khi toàn bộ các ổ dị dạng bị loại bỏ ra ngoài vòng tuần hoàn, không còn tín hiệu dòng chảy. Đồng thời, các nhánh động mạch cấp máu vùng hạ lưu và tĩnh mạch dẫn lưu còn lưu thông bình thường.
3. Những lưu ý cần biết khi sử dụng phương pháp để điều trị dị dạng tĩnh mạch
Tùy theo vật liệu tắc mạch được lựa chọn mà phương pháp này có thể có những biến chứng khác nhau.
- Tắc mạch ngọn chi: biến chứng này thường gặp do vật liệu tắc mạch là vòng xoắn kim loại, lưu lượng dòng chảy lớn và đẩy trôi vật liệu tắc mạch xuống ngọn chi. Tùy theo mức độ tắc mạch mà có chiến lược xử trí. Thông thường, chỉ cần điều trị nội khoa.
- Viêm da hoại tử do thiếu máu tại chỗ: thường gặp đối với vật liệu tắc mạch là Ethanol, keo sinh học do tắc mạch tại chỗ. Khi gặp trường hợp này, bệnh nhân cần được điều trị nội khoa, chăm sóc tại chỗ.
Cần hội chẩn chuyên khoa (da liễu, ngoại khoa) trong trường hợp viêm da hoại tử lan tỏa, áp xe.
- Tụ máu tại vị trí mở đường vào lòng mạch: Bác sĩ sẽ băng ép cầm máu.
- Bị dị ứng thuốc đối quang: thể theo phác đồ chống dị ứng/sốc để xử trí.
Dị dạng mạch máu nói chung và dị dạng tĩnh mạch nói riêng là một bệnh lý cần được chữa trị triệt để. Phương pháp tiêm xơ trực tiếp hứa hẹn sẽ trở thành một phương pháp tiên phong nhờ vào mức độ điều trị thành công cao tuyệt vời cũng như nó có thể giúp bệnh nhân sớm hồi phục và khỏe mạnh hơn.