Điều trị hẹp tắc đại tràng dưới hướng dẫn chụp mạch số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ung thư đại tràng là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta, thường gặp ở nam giới trưởng thành. Đây cũng là nguyên nhân gây hẹp tắc đại tràng. Bệnh cần được phát hiện sớm để can thiệp phẫu thuật.

1. Tổng quan

1.1. Hẹp tắc đại tràng

Ung thư đại trực tràng là một bệnh rất thường gặp hiện nay, không chỉ riêng ở các nước phát triển mà cả những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung ung thư đại tràng có 3 loại, bao gồm loại gây hẹp tắc đại tràng, loại sùi và loại phát triển trong thành đại tràng. Loại ung thư gây hẹp tắc đại tràng hay gặp thấy ở tại chỗ tiếp nối giữa đại tràng xích ma với trực tràng. Tổn thương là một khối u nhỏ, khiến cho lòng đại tràng bị chít hẹp lại. Khối u ung thư ở đại tràng phải ít khi làm hẹp tắc ruột, ngược lại khối u ở đại tràng trái dù nhỏ nhưng lại có xu hướng làm hẹp lòng đại tràng.

1.2. Điều trị hẹp tắc đại tràng

Mục đích của đặt stent đại tràng trước phẫu thuật là để làm sạch phần này trước khi cắt bỏ khối u và nối đại tràng, giảm bớt cho người bệnh phải phẫu thuật 2 lần.

Từ lâu, kỹ thuật nội soi ống mềm đã đóng vai trò quan trọng khi muốn can thiệp đại tràng trước và sau phẫu thuật. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp nội soi ống mềm thất bại vì không thể qua được vị trí hẹp tắc.

Trong khi đó, phương pháp điện quang can thiệp có tính xâm nhập tối thiểu và sử dụng các dụng cụ có kích thước nhỏ hơn so với ống nội soi mềm. Vì thế kỹ thuật này có thể vượt qua được những vị trí hẹp mà nội soi ống mềm không làm được. Đây được xem là một lựa chọn bổ sung trong thực hành lâm sàng.

Chụp mạch máu số hóa xóa nền là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, kết hợp giữa chụp X-quang và xử lý số. Hình ảnh thu được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh được xử lý xóa nền, hiển thị đầy đủ và rõ ràng.


Chụp mạch máu số hóa xóa nền kết hợp với chụp X quang giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh
Chụp mạch máu số hóa xóa nền kết hợp với chụp X quang giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh

2. Chỉ định và chống chỉ định

Điều trị hẹp tắc đại tràng dưới hướng dẫn chụp mạch số hóa xóa nền được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Chuẩn bị cho phẫu thuật ung thư đại tràng 1 thì;
  • Hẹp miệng nối đại tràng sau mổ;
  • Ung thư đại tràng nguyên phát hoặc thứ phát nhưng không còn chỉ định phẫu thuật triệt để;
  • Xơ chít hẹp đại tràng hiếm gặp: Do bệnh lao, viêm túi thừa đại tràng, viêm đại tràng sau chiếu xạ hoặc sau dò đại tràng.

Ngược lại, chống chỉ định đối với người bị thủng tạng rỗng hoặc có nhiễm khuẩn toàn thân.

3. Các bước chuẩn bị

3.1. Người thực hiện

Ekip chịu trách nhiệm tiến hành chụp mạch số hóa xóa nền để điều trị hẹp tắc đại tràng bao gồm:

  • Bác sĩ chuyên khoa và cán bộ y tế hỗ trợ;
  • Kỹ thuật viên điện quang;
  • Các điều dưỡng viên;
  • Đội ngũ gây mê nếu bệnh nhân không thể hợp tác.

3.2. Phương tiện

  • Máy chụp mạch số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography - DSA);
  • Phim, máy in và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
  • Bộ áo chì và tạp dề để che chắn tia X.

3.3. Thuốc

  • Thuốc gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân nếu có chỉ định;
  • Thuốc cản quang I-ốt tan trong nước;
  • Thuốc hạn chế co thắt ống tiêu hóa;
  • Dung dịch sát khuẩn niêm mạc và da.

3.4. Vật tư y tế thông thường

  • Bơm tiêm các cỡ 5, 10, và 20ml;
  • Nước cất / nước muối sinh lý;
  • Bộ đồ bảo hộ phẫu thuật đầy đủ;
  • Dụng cụ can thiệp vô trùng: Dao, kéo, kẹp, bát kim loại, khay quả đậu và đựng dụng cụ;
  • Bông gòn, gạc và băng dính dùng trong phẫu thuật;
  • Hộp thuốc và phương tiện cấp cứu nếu gặp tai biến thuốc đối quang.

3.5. Vật tư y tế đặc biệt

  • Kim Chiba chọc hút mô mềm;
  • Bộ ống dẫn vào lòng mạch;
  • Dây dẫn tiêu chuẩn 0.035 inch;
  • Dây dẫn cứng 0.035 inch, dài 260 - 300cm;
  • Ống thông chụp mạch Cobra 4-5F;
  • Bóng nong;
  • Bơm áp lực;
  • Giá đỡ (còn gọi là stent).

3.6. Người bệnh

  • Được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp tốt với bác sĩ;
  • Nhịn ăn uống trước 6 giờ (Nếu khác có thể uống dưới 50ml nước);
  • Tại phòng can thiệp: Người bệnh nằm ngửa, lắp máy theo dõi huyết áp, nhịp thở, điện tâm đồ, SpO2 và mạch;
  • Phủ khăn vô khuẩn có lỗ;
  • Nếu người bệnh không nằm yên, quá kích thích thì cần cho thuốc an thần...

3.7. Phiếu xét nghiệm

  • Hồ sơ bệnh án điều trị nội trú;
  • Phiếu chỉ định làm thủ thuật đã được thông qua;
  • Phim ảnh chụp X quang, CT scan, MRI (nếu có).

Trước khi tiến hành thủ thuật, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh án
Trước khi tiến hành thủ thuật, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh án

4. Quy trình tiến hành

4.1. Đánh giá vị trí hẹp

  • Luồn ống thông và dây dẫn qua đường hậu môn vào đại tràng để đến vị trí hẹp;
  • Rút dây dẫn, sau đó bơm thuốc cản quang tan trong nước giúp đánh giá mức độ và vị trí hẹp.

4.2. Tiếp cận vị trí hẹp

  • Tiếp tục luồn dây dẫn qua vị trí hẹp dưới hướng dẫn của màn X-quang tăng sáng;
  • Đưa ống thông qua chỗ hẹp theo dây dẫn;
  • Bơm thuốc cản quang qua ống thông để xác định mức độ, vị trí và chiều dài đoạn hẹp.

4.3. Nong và đặt giá đỡ

  • Đưa dây dẫn cứng vào ống thông qua chỗ hẹp;
  • Sử dụng bóng nong chỗ hẹp qua dây dẫn cứng;
  • Đặt và bung giá đỡ stent qua dây dẫn cứng.

4.4. Kết thúc thủ thuật

  • Dùng thuốc đối quang để kiểm tra lưu thông từ dạ dày xuống tá tràng và hỗng tràng;
  • Rút toàn bộ các dây dẫn và ống thông.

5. Nhận định kết quả

  • Về vị trí: Đặt Stent nằm đúng vị trí hẹp tắc, đầu trên và đầu dưới stent bao phủ 2 đầu đoạn hẹp tắc tối thiểu 1cm;
  • Về chức năng: Thuốc bơm từ thượng lưu có lưu thông xuống hạ lưu. Lòng ống tiêu hóa còn hẹp không nhiều hơn 30%;
  • Không thoát thuốc cản quang ra ngoài đường tiêu hóa vào ổ bụng hay khoang sau phúc mạc.

6. Tai biến và xử trí

  • Trượt stent: Nguyên nhân là lựa chọn kích thước stent không phù hợp với độ hẹp;
  • Tắc ruột: Stent trượt xuống hạ lưu hoặc thức ăn xơ, chưa nấu kỹ mắc vào stent;
  • Thủng tạng rỗng: Cần phẫu thuật cấp cứu ngay;
  • Xuất huyết tiêu hóa: Tiếp tục theo dõi và điều trị nội khoa. Có thể điều trị nút mạch nếu máu không tự cầm được.

Nhờ hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, nhiều bệnh lý đã được chẩn đoán rõ ràng và can thiệp kịp thời, trong đó có điều trị hẹp tắc đại tràng. Đối với ung thư đại tràng, để can thiệp bằng phẫu thuật có hiệu quả thì chỉ nên phẫu thuật 1 lần. Nếu bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn sẽ có nguy cơ không cắt bỏ được khối u ung thư, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe