Thuốc Panthenol spray có thành phần chính là Dexpanthenol nên được bác sĩ chỉ định hỗ trợ điều trị các vết thương ở da, niêm mạc. Để biết cụ thể hơn về Panthenol có tác dụng gì, bạn có thể tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Panthenol là gì?
Panthenol là gì? Thuốc Panthenol có thành phần chính là Dexpanthenol, được điều chế theo các dạng Panthenol spray - thuốc Panthenol xịt hoặc kem bôi da Panthenol. Theo đó, Panthenol xịt hay kem bôi da Panthenol có tác dụng gì là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Thuốc Panthenol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp điều trị hỗ trợ các vết thương ở da và niêm mạc hoặc các thương tổn ngoài da như da bị trầy xước, vết thương do bỏng, vết thương vô khuẩn do phẫu thuật, các mảnh da ghép chậm lành, da bị cháy nắng, da trở nên kém đàn hồi, xuất hiện nhiều vết rạn và nứt nẻ, các bệnh lý da có nang và bọng nước, các khiếm khuyết biểu mô, nhiễm Herpes labialis Solaris.
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Panthenol
2.1. Liều dùng
- Về tần suất điều trị: Sử dụng Panthenol đều đặn lên vùng da hoặc niêm mạc bị tổn thương ngày một hoặc một vài lần;
- Thời gian điều trị: Thuốc không có giới hạn cụ thể về khoảng thời gian điều trị với Panthenol. Thời gian điều trị phụ thuộc vào loại bệnh và diễn biến bệnh của bệnh nhân.
Chú ý: Liều dùng nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể phụ thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của từng bệnh nhân. Để có liều dùng phù hợp, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
2.2. Cách dùng
Thuốc Panthenol chỉ dùng ngoài da. Nếu sử dụng Panthenol cho vùng da mặt thì cần chú ý không sử dụng thuốc trực tiếp lên mặt. Thay vào đó, sử dụng bằng cách cho thuốc lên tay và trải đều lên vùng da mặt tương ứng.
Thuốc Panthenol không được tiếp xúc vào mắt hoặc miệng hoặc mũi.
Đối với Panthenol dạng xịt: Bạn cần giữ bình xịt thằng đứng, đầu van quay lên phía trên. Lắc mạnh bình thuốc trước mỗi lần xịt để thu được bọt thuốc chất lượng tốt, nhất là khi lâu không điều trị. Khi mở thuốc ra sử dụng lần đầu, có thể chỉ có khí đẩy phun ra trước khi bọt thuốc trong bình xuất hiện.
2.3. Xử trí khi quá liều
Nếu bệnh nhân dùng thuốc quá liều, trong trường hợp này không cần dùng đến biện pháp nào.
Trong trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, khẩn cấp thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu.
2.4. Xử trí khi quên liều
Nếu bệnh nhân quên dùng một liều thuốc thì cần bổ sung càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Trường hợp khi phát hiện quên liều gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Tránh không dùng gấp đôi liều đã quy định.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Panthenol
3.1. Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Panthenol trực tiếp vào mắt, mũi, miệng hoặc những người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
3.2. Tác dụng phụ
Trong quá trình sử dụng thuốc Panthenol, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:
- Thuốc chứa thành phần cồn cetostearyl nên có thể gây phản ứng tại chỗ, ví dụ như viêm da tiếp xúc.
- Đã ghi nhận một số phản ứng không dung nạp thuốc theo kiểu dị ứng tiếp xúc xảy ra, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm gặp.
- Trong thời gian sử dụng thuốc Panthenol, nếu bệnh nhân có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe thì cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về những dấu hiệu đó. Điều này giúp bác sĩ hoặc dược sĩ nắm được thông tin và đưa ra cách xử trí phù hợp.
3.3. Thận trọng
Thận trọng sử dụng thuốc Panthenol trong những trường hợp sau đây:
- Sử dụng thuốc đối với trẻ em chỉ cần có sự theo dõi của người lớn;
- Bệnh nhân hen hoặc mắc các bệnh phế quản - phổi: Bệnh nhân hen hoặc mắc các bệnh phế quản - phổi khi sử dụng Panthenol không nên hít khí đẩy, vì điều này có thể gây tình trạng kích ứng lớp màng nhầy, thậm chí có thể làm khởi phát cơn hen;
- Khi sử dụng Panthenol dạng bình xịt: Không được để chai thuốc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và tránh nhiệt độ cao hơn 50°C. Tránh dùng lực quá mạnh để mở bình hoặc đốt nóng bình ngay cả khi đã sử dụng hết. Bình khí dung chỉ được bỏ đi khi được xả hết hoàn toàn. Không xịt vào ngọn lửa hoặc vào các vật phát nóng đỏ;
- Thuốc cần để xa các nguồn dễ bắt cháy;
- Thuốc không làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc;
- Do chưa có đầy đủ thông tin về lượng dexpanthenol có thể được hấp thu qua da và đi vào tuần hoàn. Vì vậy không nên sử dụng Panthenol spray trên một diện tích da rộng trong thời kỳ đang mang thai, trừ khi theo đánh giá của bác sĩ là lợi ích mang lại lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra;
- Do chưa có đầy đủ thông tin về lượng dexpanthenol có thể được hấp thu qua da và đi vào tuần hoàn, vì vậy không nên sử dụng Panthenol spray trên một diện tích da rộng trong thời kỳ đang cho con bú, trừ khi theo đánh giá của bác sĩ là lợi ích mang lại lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra.
3.4. Tương tác thuốc
- Panthenol spray khi được dùng đúng theo chỉ định thì gần như không có tương tác thuốc xảy ra.
- Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bệnh nhân đang dùng thuốc khác kèm theo, hoặc mới dùng thuốc trước đó, ngay cả khi không phải là thuốc được kê đơn.
- Khi dùng Panthenol dạng xịt cho vùng hậu môn và sinh dục cùng lúc với việc sử dụng bao cao su thì độ bền của bao cao su có thể giảm do thuốc có chứa paraffin. Do đó ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ của bao cao su.
Thuốc Panthenol có thành phần chính là Dexpanthenol nên được bác sĩ chỉ định hỗ trợ điều trị các vết thương ở da, niêm mạc. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến sử dụng của các bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.