Thuốc Panthenol là loại thuốc được dùng trong da liễu, thuốc Panthenol được chỉ định sử dụng cho trẻ em để ngăn ngừa hăm tã, ngăn ngừa rạn da ở phụ nữ mang thai hay điều trị các tổn thương trên da ở mức độ nhẹ. Vậy để tìm hiểu cụ thể xem thuốc Panthenol là thuốc gì? Cách sử dụng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về công dụng thuốc Panthenol qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Panthenol có tác dụng gì?
1.1. Thuốc panthenol là thuốc gì?
Panthenol là một dạng tiền vitamin B5, có rất nhiều dạng thuốc với hoạt chất chính là Panthenol như:
Pantothenic acid:
+ Dạng viên nén hàm lượng 50 mg; 100 mg; 200 mg; 250 mg; 500 mg.
+ Dạng viên nén giải phóng chậm hàm lượng 500 mg, 1000 mg.
Calci pantothenat:
+ Dạng viên nén hàm lượng: 10 mg; 25 mg; 50 mg; 100 mg; 218 mg; 500 mg; 545 mg.
Dexpanthenol (dẫn chất alcol của D-pantothenic acid):
+ Dạng viên nén hàm lượng 100 mg.
+ Dạng ống tiêm 250 mg/ml (mỗi ống 2 ml).
+ Dạng kem bôi tại chỗ 2%.
+ Dạng thuốc phun bọt.
+ Dạng gel nhỏ mắt 5%.
+ Dạng dịch truyền tĩnh mạch: Phối hợp với các vitamin khác, chất điện giải.
+ Dạng kem bôi da D-panthenol 5%.
1.2. Thuốc Panthenol có tác dụng gì?
Thuốc Panthenol được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp tùy theo dạng thuốc:
* Dạng uống:
Thiếu hụt acid pantothenic.
Một số trường hợp viêm dây thần kinh ngoại biên, chuột rút cơ chân ở người mang thai và nghiện rượu, hội chứng nóng rát ở chân, viêm lưỡi không khỏi khi điều trị bằng những vitamin khác.
* Dạng gel:
Tổn thương giác mạc không viêm tái diễn ở người mang kính áp tròng.
Phụ trị tổn thương giác mạc do nhiễm vi khuẩn, nấm hay virus.
* Dạng kem bôi:
Tổn thương da: bỏng da, phỏng nắng, trầy xước da, mảng ghép da chậm lành.
Phòng và điều trị da khô rát, nứt nẻ hoặc bị xây xát
Da khô
Chăm sóc vú ở phụ nữ cho con bú và do đau rát núm vú, rạn da do mang thai
Chăm sóc và bảo vệ da trẻ em khỏi bị tổn thương do độ ẩm của tã, phòng và điều trị da khi bị xây xát, nổi mẩn đỏ.
* Dạng tiêm:
Dùng dự phòng ngay sau khi phẫu thuật lớn vùng bụng để giảm thiểu khả năng liệt ruột. Mất trương lực ruột gây chướng bụng; hậu phẫu hoặc sau sinh vẫn giữ được tình trạng đầy hơi, hoặc sự chậm trễ sau phẫu thuật trong việc phục hồi nhu động ruột; liệt ruột.
* Dạng bình xịt:
Chỉ định trong điều trị hỗ trợ các vết thương ở da và niêm mạc, các thương tổn ngoài da như: da bị trầy xước, các vết bỏng, các vết thương vô khuẩn do phẫu thuật, các mảnh da ghép chậm lành, da bị cháy nắng, da trở nên kém đàn hồi, xuất hiện nhiều vết rạn và nứt nẻ, các bệnh lý da có nang và bọng nước, các khiếm khuyết biểu mô, nhiễm Herpes labialis Solaris.
Dexpanthenol, dạng hoạt động của panthenol, được dùng để điều trị các bệnh da liễu để giảm ngứa hoặc thúc đẩy quá trình chữa lành da. Tác dụng ngoài da của việc sử dụng dexpanthenol tại chỗ bao gồm tăng sinh nguyên bào sợi và tăng tốc độ tái biểu mô hóa trong quá trình lành vết thương. Hơn nữa, nó hoạt động như một chất bảo vệ tại chỗ, dưỡng ẩm và đã được chứng minh là đặc tính chống viêm.
Thuốc Panthenol hỗ trợ làm lành đa dạng các tổn thương da khác nhau và thường được sử dụng như một phần trong các liệu pháp điều trị kết hợp, phục hồi da tổn thương, làm lành vết thương, chống viêm và kích ứng. Hiệu quả này có thể là nhờ nào khả năng đã được chứng minh của D-panthenol trong việc kích thích sự tăng trưởng của các tế bào da quan trọng và tái kết cấu ma trận bên trong da.
D-panthenol cũng cải thiện các tổn thương trên bề mặt da (gặp ở các làn da khô ráp, xây xát) bằng việc hỗ trợ tái tạo, củng cố biểu bì và lớp sừng từ đó cải thiện hàng rào bảo vệ tự nhiên của làn da. D-panthenol còn được chứng minh có khả năng giảm kích ứng, viêm cũng như cải thiện tình trạng ngứa, ban đỏ trên da và các triệu chứng khác.
2. Cách sử dụng của thuốc Panthenol
2.1 Cách dùng của thuốc Panthenol
Đường uống:
Acid pantothenic và calci pantothenat được dùng đường uống.
Tiêm hoặc tiêm truyền:
Dexpanthenol thường được tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch chậm và cũng được dùng tại chỗ dưới dạng kem bôi, dạng phun bọt.
Khi truyền tĩnh mạch chậm, dexpanthenol được pha với một lượng lớn dung dịch tiêm truyền dextrose 5% hoặc dung dịch ringer lactat.
Dùng nhỏ mắt:
Dạng gel nhỏ mắt được dùng nhỏ mắt.
Dạng kem:
Thoa thuốc 1 - 2 lần mỗi ngày và xoa nhẹ để thuốc ngấm.
Dạng bình xịt:
Giữ bình xịt thẳng đứng, đầu van quay lên phía trên. Lắc mạnh bình thuốc trước mỗi lần xịt để thu được bọt thuốc chất lượng tốt, nhất là khi lâu không điều trị.
2.2 Liều dùng của thuốc Panthenol
* Người lớn
10 mg calci pantothenat tương đương với 9,2 mg acid pantothenic.
Đường uống:
5 - 10 mg acid pantothenic/ngày bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh có hấp thu đường tiêu hóa bình thường.
Tiêm hoặc tiêm truyền:
Điều trị tăng kích thích nhu động ruột: Tiêm bắp, liều bắt đầu 250 mg - 500 mg dexpanthenol, nhắc lại sau 2 giờ, sau đó cứ 4 - 12 giờ dùng một liều khi cần.
Truyền tĩnh mạch chậm:
500 mg dexpanthenol. Nếu không thấy đỡ chướng bụng hoặc liệt ruột nhanh, phải chuyển sang các phương pháp điều trị khác.
Dùng bôi tại chỗ:
Khi sử dụng Panthenol tại chỗ để chữa ngứa và bệnh về da, bôi kem có chứa 2% dexpanthenol vào vùng da bị tổn thương, ngày 1 đến 2 lần, hoặc nhiều hơn nếu cần thiết.
+ Vết bỏng trên da nhẹ: sau khi đã sát trùng sạch vùng bị tổn thương, thoa một lớp thuốc dày lên bề mặt.
+ Ngừa và trị phỏng do ánh nắng: thoa một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị tổn thương.
+ Điều trị thiếu hụt dịch nhày của cổ tử cung: Bôi một hoặc nhiều lần trong ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Dùng nhỏ mắt:
Nhỏ một giọt gel vào túi kết mạc một ngày 4 lần và trước khi đi ngủ.
* Trẻ em:
Điều trị nhu động ruột tăng kích thích (theo chỉ định của bác sĩ): 11 mg - 12,5 mg dexpanthenol/kg cân nặng dùng tiêm bắp, tiêm nhắc lại sau 2 giờ, sau đó cứ 4 đến 12 giờ dùng một liều khi cần thiết.
Với trẻ sơ sinh: Thoa một lớp mỏng thuốc Panthenol lên vùng mông bị hăm đỏ sau khi đã vệ sinh hằng ngày và sau mỗi lần thay tã cho trẻ.
* Đối tượng khác:
Bà mẹ đang cho con bú cần phải dùng thuốc Panthenol bôi: Sau khi cho trẻ bú xong, thoa một lớp mỏng thuốc lên núm vú bị tổn thương và xoa nhẹ cho thuốc thấm đều. Nhớ lau sạch vùng bôi thuốc trước khi cho trẻ bú trở lại.
* Quá liều
- Quá liều panthenol gây ra các tình trạng như khó thở hoặc ngất.
- Cần gọi ngay cho trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu.
3. Chống chỉ định của thuốc Panthenol
- Bệnh nhân bị dị ứng hay có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần hay tá dược nào của thuốc Panthenol
- Dạng bình xịt không xịt vào mắt, mũi, họng
4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Panthenol
- Không được tiêm panthenol để điều trị tắc ruột cơ học. Đối với liệt ruột, cần chú ý đến cung cấp nước và điện giải, chống thiếu máu, giảm protein huyết, chống nhiễm khuẩn, tránh dùng thuốc làm giảm nhu động ruột.
- Bệnh nhân hen hoặc mắc các bệnh phế quản-phổi: Khi dùng Panthenol, bệnh nhân hen hoặc mắc các bệnh phế quản - phổi không nên hít khí đẩy, vì điều này có thể gây tình trạng kích ứng lớp màng nhầy, thậm chí có thể làm khởi phát cơn hen.
- Panthenol kéo dài thời gian chảy máu nên phải sử dụng thận trọng ở những người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu.
- Đối với những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng (như mặt và da) hoặc vùng da có lông, nên dùng Bepanthen Cream có công thức nhẹ hơn và thấm nhanh chóng hơn.
- Khi dùng Panthenol spray cho vùng hậu môn và sinh dục cùng lúc với việc sử dụng bao cao su, độ bền của bao cao su có thể giảm do thuốc có chứa paraffin, do đó ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ của bao cao su.
- Trẻ em phải dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh tiếp xúc các dạng thuốc không phải gel nhỏ mắt với mắt.
5. Tác dụng phụ của thuốc Panthenol
Thường gặp: Châm chích, mẫn đỏ, kích ứng.
Hiếm gặp:
+ Nổi ban hoặc mẩn đỏ, phù Quincke.
+ Thay đổi bất thường trên da, phản ứng dị ứng: phát ban, ngứa, sưng, chóng mặt, khó thở.
6. Cách bảo quản thuốc Panthenol
Với các dạng thông thường: bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp
Bình xịt: không được để dưới ánh nắng mặt trời và tránh nhiệt độ cao hơn 50°C. Không được cố dùng lực để mở bình hoặc đốt nóng bình ngay cả khi đã sử dụng hết. Bình khí dung chỉ được bỏ đi khi được xả hết hoàn toàn. Không xịt vào ngọn lửa hoặc vào các vật phát nóng đỏ.
Để xa các nguồn dễ bắt cháy. Không hút thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.