Dexpanthenol là thuốc điều trị giúp phục hồi làn da bị tổn thương, làm lành vết thương, chống viêm và chống kích ứng. Thuốc Dexpanthenol có nhiều dạng bào chế khác nhau và có hướng dẫn sử dụng riêng cho từng bệnh lý khác nhau.
1. Dexpanthenol là thuốc gì? Các tác dụng thuốc Dexpanthenol
Dexpanthenol thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu, có tên khác là Panthenol. Thuốc được bào chế thành các dạng: Viên nén, thuốc tiêm, kem bôi tại chỗ, thuốc phun bọt, dung dịch tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, dịch truyền tĩnh mạch, gel nhỏ mắt,... Tác dụng thuốc Dexpanthenol là giúp phục hồi làn da bị tổn thương, chống viêm, kích ứng và làm lành vết thương.
Dexpanthenol hỗ trợ làm lành các tổn thương da khác nhau, thường được sử dụng như một phần của các liệu pháp điều trị kết hợp. Thuốc giúp gia tăng tốc độ làm lành về thương, các vết bỏng, hỗ trợ trong việc cấy ghép da, điều trị sẹo. Làn da được làm dịu với Dexpanthenol sẽ mềm mịn và đàn hồi hơn. Đó là nhờ thuốc có khả năng kích thích sự tăng trưởng của các tế bào da.
Ngoài ra, Dexpanthenol còn cải thiện các tổn thương trên bề mặt da (gặp ở những người sở hữu làn da khô ráp, xây xát) bằng việc hỗ trợ tái tạo da, củng cố biểu bì và lớp sừng, cải thiện hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Bên cạnh đó, thuốc còn được chứng minh là có khả năng giảm kích ứng, giảm viêm, cải thiện tình trạng ngứa, ban đỏ trên da,...
Chỉ định sử dụng thuốc Dexpanthenol:
- Tổn thương da do bỏng nhẹ, trầy xước, phỏng nắng, mảng ghép da chậm lành.
- Nứt đầu vú, nứt da chân, hăm đỏ vùng mông ở trẻ sơ sinh, rạn da bụng do mang thai.
- Ngăn ngừa tổn thương da do ánh sáng hoặc bức xạ.
- Hói tóc từng vùng hoặc lan tỏa, rối loạn dinh dưỡng móng tay và móng chân, phỏng, bệnh trên da đầu,...
Chống chỉ định của thuốc Dexpanthenol: Người mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Dexpanthenol
Cách sử dụng thuốc Dexpanthenol dạng kem:
Thoa thuốc 1 - 2 lần/ngày, nên xoa nhẹ trên da để thuốc dễ ngấm. Cách dùng cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh: Thoa 1 lớp thuốc mỏng lên vùng mông bị hăm tã sau khi đi vệ sinh hằng ngày và sau mỗi lần thay tã cho trẻ.
- Mẹ đang cho con bú: Sau khi cho bú xong, mẹ thoa 1 lớp thuốc mỏng lên núm vú, xoa nhẹ rồi lau sạch vùng bôi thuốc trước khi cho bé bú trở lại.
- Vết bỏng nhẹ: Sát trùng sạch vùng bị tổn thương rồi thoa 1 lớp thuốc dày lên đó.
- Phòng ngừa và điều trị phỏng nắng: Thoa 1 lớp thuốc mỏng lên vùng da bị phỏng nắng.
Cách sử dụng thuốc Dexpanthenol dạng tiêm/viên nén:
Người lớn: Tuần đầu tiên tiêm 3 lần x 1 - 2 ống tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Sử dụng 1 đợt 6 tuần rồi chuyển sang dùng thuốc uống ngày 3 viên, dùng 2 tháng.
Trẻ em: Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý:
- Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng thuốc.
- Không thoa thuốc lên những vùng da nhạy cảm như mắt, mũi, miệng, âm đạo, bẹn,... trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Đối với những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng hoặc vùng da có lông, nên dùng kem bôi Dexpanthenol có công thức nhẹ hơn, thấm nhanh hơn.
- Để điều trị vùng da có nhiễm khuẩn, nên sử dụng kem bôi sát khuẩn Dexpanthenol.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Dù là loại thuốc được đánh giá là có độ an toàn cao, dùng được cho trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và cho con bú nhưng thuốc Dexpanthenol vẫn có tác dụng phụ. Do vậy, khi sử dụng thuốc, nếu gặp phản ứng dị ứng da, người dùng cần ngừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn, hướng dẫn. Đặc biệt, bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào trong thời gian dùng thuốc như: Phát ban, khó thở, co thắt ngực, sưng miệng, lưỡi, môi, mặt,...
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc
Với thuốc Dexpanthenol dạng tiêm:
- Không tiêm Dexpanthenol để điều trị tình trạng tắc ruột cơ học.
- Với bệnh nhân liệt ruột, cần chú ý bồi phụ nước và điện giải, chống thiếu máu, giảm protein máu, chống nhiễm khuẩn và tránh dùng thuốc làm giảm nhu động ruột. Nếu bụng người bệnh bị căng hơi nhiều thì cần đặt ống dẫn hơi.
- Dexpanthenol có thể kéo dài thời gian chảy máu nên cần sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có nguy cơ chảy máu hoặc mắc bệnh ưa chảy máu.
- Có thể xảy ra phản ứng nếu sử dụng đồng thời Dexpanthenol dạng tiêm với các thuốc kháng sinh, thuốc mê, barbiturat,...
- Không sử dụng Dexpanthenol tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch
- Không dùng Dexpanthenol tiêm trong vòng 1 giờ sau khi sử dụng succinylcholine.
Với thuốc Dexpanthenol dạng kem bôi dùng tại chỗ:
- Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt.
- Trẻ em dùng thuốc Dexpanthenol cần có sự giám sát của người lớn.
- Phụ nữ cho con bú khi sử dụng thuốc bôi trên đầu vú cần làm sạch da trước khi cho trẻ bú.
Trước khi dùng thuốc Dexpanthenol, người bệnh nên:
- Báo cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng Dexpanthenol, các thành phần khác của thuốc hoặc các dạng dị ứng khác.
- Thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc bạn đang sử dụng hoặc có ý định dùng.
- Báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, đang cho con bú hoặc dự định có thai.
- Trước khi dùng thuốc, bà bầu hoặc phụ nữ đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Nếu nghi ngờ sử dụng thuốc quá liều, nên gọi cấp cứu ngay hoặc đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế gần nhất. Nếu quên liều thuốc uống hoặc bôi tại chỗ, nên dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, dùng thuốc theo lịch trình bình thường. Không nên dùng 2 liều cùng lúc hoặc tự ý thêm liều. Trường hợp quên liều tiêm, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết.
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể thay đổi hiệu quả của thuốc hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ. Bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng, không được ngưng, thay đổi liều lượng các loại thuốc khác nếu chưa được bác sĩ cho phép.
Một số tương tác thuốc của Dexpanthenol gồm:
- Không sử dụng Dexpanthenol cùng với Neostigmin hoặc trong vòng 12 giờ sau khi dùng Neostigmin hoặc các thuốc có cùng tác dụng.
- Không sử dụng Dexpanthenol trong vòng 1 giờ sau khi dùng succinylcholine bởi Dexpanthenol có thể làm kéo dài tác dụng gây giãn cơ của succinylcholine.
- Một số trường hợp dị ứng đã xảy ra khi sử dụng đồng thời thuốc tiêm Dexpanthenol với thuốc kháng sinh, thuốc barbiturat hoặc thuốc opiat.
- Dexpanthenol tương kỵ với acid mạnh và các chất kiềm.
Thuốc Dexpanthenol với các dạng bào chế khác nhau có nhiều tác dụng như chống viêm, giảm kích ứng, làm lành vết thương,... Việc sử dụng thuốc cần thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng,... để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh cao nhất, giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: hellobacsi.com, nhathuoclongchau.com, thuocbietduoc.com.vn, nhathuocankhang.com, suckhoedoisong.vn