Thuốc imdur – Thành phần, công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Quang Ánh Nguyệt - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Thuốc Imdur có tác dụng làm giãn động mạch vành, giảm áp lực trong thành cơ tim, cải thiện lưu lượng máu dưới nội tâm mạc.

1. Thành phần, công dụng, chỉ định của thuốc Imdur

1.1 Thành phần

Mỗi viên nén phóng thích kéo dài chứa 30mg hay 60mg Isosorbide 5-mononitrate.

1.2 Công dụng

Làm giãn cơ trơn mạch máu, dẫn đến giãn tĩnh mạch và động mạch, những tác động làm giãn tĩnh mạch trội hơn. Việc giãn mạch dẫn đến tăng chứa máu ở ngoại vi, giảm hồi lưu máu tĩnh mạch và giảm áp lực cuối kỳ tâm trương tâm thất trái (tiền tải). Nồng độ thuốc cao trong huyết tương cũng làm giãn động mạch, do đó làm giảm sức cản mạch máu và huyết áp dẫn đến giảm hậu tải.

Do đó, tác dụng tổng hợp của isosorbide-5-mononitrate là giảm tải cho tim và cải thiện cân bằng cung/cầu oxy cho cơ tim.

1.3 Chỉ định

Điều trị dự phòng đau thắt ngực


Thuốc Imdur giúp cải thiện lưu lượng máu dưới nội tâm mạc
Thuốc Imdur giúp cải thiện lưu lượng máu dưới nội tâm mạc

2. Liều dùng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Imdur

2.1 Liều dùng

60 mg/lần/ngày vào buổi sáng. Có thể tăng lên 120 mg/ngày dùng 1 lần vào buổi sáng. Để giảm thiểu khả năng bị nhức đầu, liều khởi đầu có thể giảm còn 30 mg/ngày trong 2-4 ngày đầu tiên.

2.2 Cách dùng, lưu ý khi sử dụng

Có thể dùng hoặc không dùng chung thuốc với thức ăn.

Viên 30mg và 60mg có rãnh và có thể bẻ đôi. Toàn bộ viên hoặc nửa viên không được nhai hoặc nghiền và nên uống cùng với nửa ly nước.
Imdur không được chỉ định để giảm cơn đau thắt ngực cấp tính, trong trường hợp này nên dùng viên nitroglycerin ngậm dưới lưỡi hoặc trong miệng hoặc các dạng thuốc xịt.

3. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng Imdur

Hầu hết các phản ứng ngoại ý có liên quan về dược lực học và phụ thuộc liều sử dụng. Nhức đầu có thể xảy ra khi bắt đầu điều trị. Hạ huyết áp, với các triệu chứng như chóng mặt và buồn nôn kèm với ngất thỉnh thoảng được ghi nhận. Các triệu chứng này thường biến mất khi tiếp tục điều trị.


Sử dụng thuốc Imdur có thể gây ra các tác dụng phụ nhức đầu, chóng mặt
Sử dụng thuốc Imdur có thể gây ra các tác dụng phụ nhức đầu, chóng mặt


Thường gặp (≥ 1/100 đến < 1/10)

  • Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh.
  • Nhức đầu, choáng váng.
  • Buồn nôn

Ít gặp (≥ 1/1000 đến < 1/100)

Nôn, tiêu chảy.

Hiếm gặp (≥ 1/10.000 đến < 1/100)

Nổi ban, ngứa.

Rất hiếm gặp (< 1/10.000)

Đau cơ.

4. Thuốc Imdur có được sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Tính an toàn và hiệu quả của Imdur trong thời kỳ thai nghén và cho con bú chưa được xác định. Không nên dùng Imdur cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.


Không nên dùng thuốc Imdur cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú
Không nên dùng thuốc Imdur cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú

5. Một số lưu ý khác

5.1 Quá liều và xử trí

Triệu chứng

Nhức đầu kiểu mạch đập. Những triệu chứng nặng hơn là kích thích, đỏ bừng mặt, toát mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, ngất, nhịp tim nhanh và tụt huyết áp.

Xử trí

Gây nôn, sử dụng than hoạt tính bằng đường uống.
Trường hợp hạ huyết áp nặng, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, kê cao chân. Truyền dịch đường tĩnh mạch, nếu cần.

5.2 Chống chỉ định

Mẫn cảm với hoạt chất hoặc bất cứ tá dược nào.

Sốc, hạ huyết áp, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn và viêm màng ngoài tim, hẹp van động mạch chủ, thiếu máu nặng, nhồi máu cơ tim tâm thất phải.
Đang dùng Imdur thì không được dùng thuốc ức chế men phosphodiesterase type 5 (như sildenafil, được biết dưới tên biệt dược là Viagra).

5.3 Thận trọng

Cần thận trọng theo dõi những bệnh nhân xơ vữa động mạch não nặng và hạ huyết áp.
Bệnh nhân có thể bị chóng mặt khi sử dụng Imdur lần đầu. Bệnh nhân nên xác định trước ảnh hưởng của Imdur đối với bản thân trước khi lái xe hoặc vận hành máy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe