Biết rõ thực phẩm nên tránh sau khi cắt ruột là rất quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ và giúp bệnh nhân không gặp phải vấn đề tiêu hóa không mong muốn. Khi tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý và tránh xa các thực phẩm không phù hợp, cơ thể sẽ phục hồi nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về phẫu thuật cắt bỏ ruột
Cắt bỏ ruột (hay cắt bỏ đại tràng) là một phẫu thuật loại bỏ một phần ruột bị tắc nghẽn và chế độ ăn uống rất quan trọng cho quá trình hồi phục. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại sức khỏe mà còn ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
2. 10 thực phẩm nên tránh sau khi cắt ruột
Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân về những loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn vì một số thực phẩm có thể gây kích ứng cho ruột hoặc gây ra tác dụng phụ. Dưới đây là những thực phẩm nên tránh sau khi cắt ruột và cách điều chỉnh chế độ ăn uống của bệnh nhân.
2.1 Thực phẩm dai và giòn
Sau khi cắt bỏ ruột, bệnh nhân thường bắt đầu bằng việc uống nước và tiêu thụ thực phẩm lỏng. Sau vài ngày hồi phục, bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân dần dần chuyển sang ăn các loại thực phẩm mềm như rau luộc chín, chuối, bơ, khoai tây nghiền và thực phẩm giàu protein như thịt mềm. Việc chọn những thực phẩm này là do sau phẫu thuật, ruột có thể bị sưng, vì vậy các loại thực phẩm mềm sẽ dễ tiêu hóa cũng như dễ di chuyển hơn trong hệ tiêu hóa.
2.2 Chất xơ
Trong giai đoạn đầu hậu phẫu, bác sĩ thường khuyến nghị chế độ ăn ít chất xơ để hỗ trợ quá trình hồi phục của ruột. Điều này có nghĩa là bệnh nhân nên tránh các thực phẩm khó tiêu hóa như bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt.
Tuy nhiên, khi ruột đã bắt đầu hồi phục, bệnh nhân có thể từ từ bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau chín mềm và trái cây không có vỏ vào chế độ ăn uống của mình. Việc bổ sung chất xơ cần được thực hiện dần dần để giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về thời điểm và cách bổ sung chất xơ sau phẫu thuật.
2.3 Thức ăn thô
Sau khi cắt bỏ ruột, rau củ và trái cây tươi, đặc biệt là những loại có cấu trúc giòn hoặc dạng sợi là những thực phẩm nên tránh sau khi cắt ruột do khó tiêu hóa cũng như có thể gây kích ứng ruột già. Do đó, bệnh nhân nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này trong vài tuần đầu sau phẫu thuật để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi. Sau đó, khi ruột đã ổn định hơn, bệnh nhân có thể dần dần bổ sung các loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống của mình.
2.4 Chất béo và đồ ăn dầu mỡ
Tiêu chảy sau khi cắt bỏ ruột là một hiện tượng phổ biến, bởi ruột già của bệnh nhân bị rút ngắn đột ngột, làm cho cơ thể không thể tiêu hóa thức ăn hoặc thải ra phân cứng. Có một số yếu tố có thể làm tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn:
- Thịt mỡ.
- Bơ và kem.
- Thực phẩm chiên.
- Đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên.
Thông thường, tình trạng tiêu chảy sẽ giảm dần sau vài tuần. Sau đó, bệnh nhân có thể dần ăn lại những loại thực phẩm này mà không gặp phải tình trạng tiêu chảy.
2.5 Thức ăn cay nóng
Thức ăn cay đứng đầu trong danh sách thực phẩm nên tránh sau khi cắt ruột bởi có thể gây kích ứng đến hệ tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy hoặc đầy hơi, đặc biệt khi ruột của bệnh nhân đang trong quá trình phục hồi. Bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên ăn nhạt trong vài tuần đầu sau phẫu thuật.
Điều này không chỉ áp dụng cho các món "cay" mà còn đối với các loại gia vị và thảo mộc thô như hương thảo băm nhỏ, tiêu xay nhuyễn hoặc hạt caraway vì những loại này có thể gây ra các vấn đề tương tự.
2.6 Đậu và sữa
Trong đậu có một loại đường gây khó khăn khi tiêu hóa, dẫn đến bụng bị đầy hơi hoặc khó chịu sau khi tiêu thụ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp vấn đề với lactose - một loại đường tồn tại trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Quá trình tiêu hóa sẽ gây tích tụ khí nhưng trong giai đoạn phục hồi, tình trạng này có thể gây ra cảm giác không thoải mái hoặc đau đớn cho bệnh nhân.
2.7 Cà phê và nước ngọt có ga
Caffeine là một chất kích thích có trong cà phê và nước ngọt có ga, kích thích hoạt động của ruột. Đồ uống chứa đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể gây ra tiêu chảy. Bọt trong đồ uống có ga có thể làm bụng bị đầy hơi và không thoải mái. Điều quan trọng là bệnh nhân phải duy trì đủ lượng nước sau phẫu thuật.
2.8 Rượu
Rượu - một trong những thực phẩm nên tránh sau khi cắt ruột - gây kích thích đến ruột, làm bệnh nhân đi cầu thường xuyên hơn. Để tránh tình trạng này, hãy tạm ngừng sử dụng rượu cho đến khi hệ tiêu hóa trở lại bình thường. Ngoài ra, hầu hết các bác sĩ khuyên bệnh nhân không nên tiêu thụ rượu sau phẫu thuật vì điều này ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc giảm đau và làm chậm quá trình phục hồi.
2.9 Bữa ăn quá no
Khi bệnh nhân bắt đầu ăn thức ăn thô trở lại, có thể bệnh nhân sẽ cảm thấy no nhanh hơn so với trước đó. Hãy cố gắng phân chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì chỉ ăn ba bữa lớn.
Điều này sẽ giúp bệnh nhân tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, bụng ít bị đầy hơi hoặc khó chịu. Đồng thời, hãy ăn chậm và nhai kỹ từng miếng ăn trước khi nuốt xuống.
2.10 Trở lại chế độ bình thường
Khi hệ tiêu hóa phục hồi, bệnh nhân có thể bắt đầu quay lại với chế độ ăn bình thường của mình. Hãy thêm một loại thực phẩm mới vào khẩu phần hàng ngày với lượng nhỏ mỗi lần ăn để bệnh nhân có thể theo dõi cách cơ thể phản ứng với từng loại thức ăn.
Điều này cũng giúp ruột của bệnh nhân thích ứng dần với các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ và ngũ cốc. Đồng thời, đừng quên uống đủ nước để tránh táo bón.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.