Thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối là điều cần được đặc biệt quan tâm. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp không chỉ cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng mà còn giúp giảm nhẹ các triệu chứng và nâng cao chất lượng sống. Bài viết này sẽ đề cập đến một số thực phẩm cần có trong bữa ăn hàng ngày dành cho người bệnh.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối
Người mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối cần có chế độ ăn uống đặc biệt để hỗ trợ quá trình điều trị và cải thiện sức khỏe tổng thể. Theo một nghiên cứu gần đây, chế độ dinh dưỡng cho người ung thư phổi sẽ bao gồm thực phẩm giàu protein, leucine, dầu cá và oligosaccharide hoặc các sản phẩm (isocaloric/ isonitro).
Những chất này mang đến kết quả khả quan ở những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị hóa trị và xạ trị. Không chỉ tăng cường mức độ EPA và DHA trong phospholipid của bạch cầu mà còn giảm nồng độ PGE2 - một chất trung gian gây viêm trong huyết thanh. Những thay đổi này có thể hiệu quả rõ rệt sau một tuần thực hiện chế độ ăn uống này.
2. Nhóm chất mà người ung thư phổi cần bổ sung
Trong quá trình điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể trải qua sự thay đổi về vị giác và cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe tổng thể. Vì vậy, việc lựa chọn và duy trì thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối phù hợp là cực kỳ quan trọng để hỗ trợ cơ thể trong quá trình điều trị, giúp bảo toàn trọng lượng cơ thể và nâng cao chất lượng sống.
2.1 Protein từ thực vật
Bệnh nhân ung thư phổi nên tăng cường ăn các loại protein thực vật như đậu, quả hạch và các loại hạt. Những thực phẩm này không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
2.2 Protein từ thịt trắng
Trong nhóm thực phẩm có nguồn gốc động vật, thịt trắng như gà hoặc cá thường được khuyến nghị là lựa chọn tốt hơn so với thịt đỏ. Thịt trắng chứa ít chất béo bão hòa và không có hormon tăng trưởng, giúp giảm nguy cơ tích tụ chất độc hại trong cơ thể.
2.3 Chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa là lựa chọn tốt cho sức khỏe tim mạch và có tác dụng kháng viêm. Một số loại thực phẩm như dầu oliu, dầu hạt dẻ và dầu quả óc chó là những nguồn giàu axit béo omega-3.
2.4 Carbohydrate lành mạnh
Ưu tiên các loại carb từ ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì nguyên cám và yến mạch vì những loại này giàu chất xơ hòa tan, giúp duy trì cảm giác no lâu và hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
2.5 Chất xơ hòa tan
Hỗ trợ quá trình sản xuất axit béo chuỗi ngắn (SCFAs), từ đó hỗ trợ quá trình trao đổi chất và sửa chữa tế bào.
2.6 Vitamin và khoáng chất
Các loại vitamin và khoáng chất quan trọng cần được bổ sung để tối ưu hóa hoạt động của các enzyme và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, đồng thời giảm viêm.
2.7 Vitamin D
Đây nhóm chất thường hay thiếu hụt trong quá trình điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối bằng phương pháp hóa trị và xạ trị. Người bệnh cần được bổ sung qua chế độ ăn uống bao gồm sữa, bơ, nước cam, sữa chua và một số loại ngũ cốc.
2.8 Thực phẩm kháng viêm tự nhiên
Uống nước trà xanh và ăn các loại trái cây như dứa, dâu tây, việt quất, mâm xôi và dâu đen có tác dụng kháng viêm tự nhiên, nhờ chứa lượng lớn các chất chống oxy hóa có tên là anthocyanins.
3. Nhóm thực phẩm cho người ung thư phổi
3.1 Lê và táo
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn lê và táo mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư nhờ hợp chất phloretin có trong hai loại quả này. Phloretin không chỉ chống oxy hóa và viêm mà còn tăng hiệu quả của cisplatin - một loại thuốc hóa trị dùng để điều trị ung thư phổi.
Hơn nữa, phloretin còn có thể giảm xơ hóa phổi - một tác dụng phụ của xạ trị, giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư phổi. Việc bổ sung lê và táo vào chế độ ăn uống hàng ngày là một biện pháp hữu ích để hỗ trợ quá trình điều trị ung thư và bảo vệ sức khỏe tổng thể.
3.2 Cá hồi
Cá hồi được đánh giá là một trong những loại thực phẩm rất bổ dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi nhờ chứa nhiều axit béo omega-3 cùng với đa vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, cá hồi còn được biết đến là "thực phẩm vàng" trong việc chống lại ung thư nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao.
Gần đây, vitamin D cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu do vai trò của nó trong việc hỗ trợ điều trị ung thư phổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu vitamin D có thể mang lại lợi ích đáng kể, bao gồm việc ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư phổi, từ đó góp phần vào việc kiểm soát và chống lại căn bệnh này.
3.3 Cà rốt
Cà rốt là một nguồn giàu axit chlorogenic, một hợp chất có khả năng đặc biệt trong việc ức chế sự hình thành mạch máu mới. Điều này quan trọng vì để phát triển và xâm nhập vào các mô khác, các tế bào ung thư cần gửi tín hiệu hình thành mạch máu mới để cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho khối u.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit chlorogenic có thể ngăn chặn quá trình này, làm giảm khả năng xâm lấn của tế bào ung thư. Do đó, bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống hàng ngày của bệnh nhân ung thư phổi có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị, cản trở sự nuôi dưỡng cần thiết cho sự phát triển của các tế bào ung thư.
3.4 Hàu
Hàu là loại hải sản có hàm lượng kẽm cao và kẽm được biết đến với khả năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Theo các nghiên cứu gần đây, kẽm không chỉ có tác dụng chống ung thư mà còn có thể tăng cường hiệu quả của quá trình điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối bằng hóa trị, đặc biệt là với thuốc Taxotere (docetaxel).
Việc xây dựng và duy trì một thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối là điều mà bệnh nhân và người nhà cần quan tâm. Lựa chọn và bổ sung những thực phẩm phù hợp và đầy đủ dinh dưỡng sẽ hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị và kéo dài tuổi thọ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.