Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra thiền hàng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe từ việc ngăn ngừa sự suy giảm cấu trúc não do tuổi tác, tăng khả năng ghi nhớ và điều chỉnh tâm trạng của bạn để làm chậm quá trình lão hóa, giảm viêm mãn tính và tăng cường miễn dịch tự thân. Bạn có thể thực hiện 7 cách đơn giản dưới đây để bắt đầu và duy trì thực hành thiền lành mạnh và thành thói quen hàng ngày.
1. Cách bắt đầu thực hành thiền hàng ngày
Có rất ít lý do để bỏ qua những tác động mạnh mẽ của thiền định. Bất cứ ai quan tâm đến sức khỏe có lẽ đều biết rằng thiền định có thể mang lại những lợi ích to lớn. Hàng chục nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thiền định thường xuyên làm tăng khả năng phục hồi, giảm căng thẳng, giảm lo âu và trầm cảm, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể. Và thiền khiến chúng ta trở thành những người ít cáu gắt hơn, trở thành những người có tâm hồn đẹp hơn.
Vậy làm thế nào để có thể bắt đầu thiền định hàng ngày. Dưới đây là một vài lời khuyên bạn cần để bắt đầu - và duy trì - một thực hành thay đổi cuộc sống.
1.1. Thoải mái
Một chỗ ngồi thoải mái là điểm khởi đầu cho tất cả các bài thực hành thiền định. Đệm thiền là rất tốt, nhưng chăn gấp, băng ghế thiền, gối cứng hoặc gối tựa cũng không phải những lựa chọn quá tệ. Nếu bạn đang ngồi trên sàn, hãy đảm bảo hông cao hơn đầu gối ít nhất 6 cm. Điều này sẽ giúp cột sống của bạn luôn thẳng và giảm bớt cảm giác khó chịu ở đầu gối. Nếu bạn cần hỗ trợ vùng lưng, hãy ngồi dựa vào tường hoặc sử dụng một chiếc ghế, không bắt chéo chân và đặt cả hai chân xuống sàn.
1.2. Lựa chọn thời gian và địa điểm phù hợp
Như chúng ta đã biết quá trình phát triển của con người từ khi còn là em bé rất chú trọng đến việc hình thành thói quen. Vì vậy, tốt hơn là chúng ta nên thực hành thiền vào cùng một thời điểm và địa điểm mỗi ngày.
Đầu tiên hãy thực hành thiền vào buổi sáng nếu bạn có thể, vì tất cả các vùng phân tích trong não của chúng ta chưa hoạt động vào thời điểm này. Không kiểm tra điện thoại hoặc bật bất kỳ thiết bị điện tử nào trước khi ngồi thiền, để bạn có thể duy trì không gian tĩnh lặng về tinh thần mà bạn có được trong đêm.
1.3. Ngồi cao
Hãy tưởng tượng mình đang ngồi trên một ngai vàng. Kéo dài cột sống sao cho có cảm giác từ phần xương cụt đến đỉnh đầu xa nhau hết mức có thể. Điều này giúp duy trì sự tỉnh táo và tăng cường dòng chảy năng lượng. Khi chúng ta ngồi thẳng, hệ hô hấp sẽ hoạt động tốt hơn, tim mở ra và cột sống thẳng hàng tốt.
1.4. Khởi đầu chậm rãi
Khởi đầu chậm rãi là điều cần thiết. Mười phút thiền mỗi ngày là một khởi đầu tuyệt vời. Nếu khoảng thời gian đó quá nhiều, dành ra năm phút thiền mỗi ngày cũng là lựa chọn tốt. Đó chắc chắn không phải là khoảng thời gian quá dài để ảnh hưởng lớn đến công việc của chúng ta.
1.5. Hãy thực sự quan tâm đến bản thân mình
Hầu hết chúng ta đang chiến đấu với những suy nghĩ trái chiều bên trong trí não. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh nội tâm này không có đúng hay sai - đó chỉ là bản chất của tâm trí. Để làm dịu những điều này, chúng ta cần hướng đến việc tạo ra sự trung lập ngày càng nhiều hơn khi thiền. Một nơi tuyệt vời để thực hành một thái độ trung lập hơn là đối với chính bản thân mình. Khi bắt đầu tự trách mình vì đã không thiền “đúng”, chỉ cần thở, thư giãn và mỉm cười.
1.6. Tìm một người bạn thiền
Nếu có thể, hãy tìm một nhóm người có chung sở thích thiền để chia sẻ kinh nghiệm trước khi tiến hành các bài tập thiền. Có rất nhiều hội nhóm trên các trang mạng xã hội dành cho những người thiền cùng các thử thách thiền trực tuyến và các nhóm theo đuổi phương pháp thiền định tại các địa phương, nơi bạn có thể tìm thấy sự hỗ trợ trên hành trình của mình. Những cộng đồng này mang đến cho chúng ta cơ hội để nói về những thách thức của mình và chia sẻ những cách giúp bắt đầu việc thiền định dễ dàng hơn.
1.7. Viết nhật ký thiền
Các chuyên gia trong lĩnh vực thiền định khuyên chúng ta nên viết nhật ký để theo dõi trải nghiệm của chính mình. Ghi lại một hoặc hai từ về buổi thiền của bạn. Không cần phải phân tích hoặc giải thích bất cứ điều gì; chỉ cần lưu ý ghi lại những cảm nhận của mình sau khi thiền. Bản ghi này sẽ cho thấy quá trình thiền cũng như tâm trí của bạn - thực sự thay đổi như thế nào theo thời gian. Ngay cả khi bạn vẫn cảm thấy khó chịu, lo lắng và phiền muộn, cuốn sổ của bạn sẽ chứng minh rằng bạn biết cách ngồi xuống và thư giãn để quên đi tất cả những điều đó.
1.8. Tập trung vào nhịp thở
Hãy hít thở sâu một vài lần ngay lúc ngồi thiền. Hít thở bằng ngực trước. Sau đó dần đưa hơi thở xuống bụng. Đây là nơi các chuyên gia khuyến cáo người tập sử dụng để thở. Việc chuyển đổi hơi thở một cách có ý thức này là điều chúng ta có thể làm mọi lúc, mọi nơi, để chuyển sang trạng thái thiền định hơn.
2. 7 cách để biến thiền thành thói quen
Bạn đã bao giờ cố gắng chọn một thói quen mới hoặc tập cho mình một kỹ năng mới? Bạn có thể sớm nhận ra rằng luyện tập hàng ngày là chìa khóa thành công. Và điều đó cũng đúng với thiền định. Sadie Bingham, một nhân viên xã hội lâm sàng chuyên về chứng lo âu ở Gig Harbour, Washington, giải thích: “Điều quan trọng là phải thiền hàng ngày vì bạn đang cần phải cố gắng để hình thành một thói quen”. Bản thân Sadie cũng là người hành thiền lâu năm. “Hầu hết mọi người sẽ không nhận thấy được những tác động tích cực ngay tức khắc mà bạn cần luyện tập hàng ngày để bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi” cô nói thêm. Bạn vẫn còn nghi ngờ liệu bạn có thể biến thiền thành một phần thói quen trong cuộc sống của mình? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và bảy mẹo sau đây có thể giúp ích cho bạn.
2.1. Khởi đầu nhẹ nhàng
Mặc dù thiền hàng ngày là một mục tiêu tuyệt vời, nhưng chúng ta không cần phải thực hiện ngày 30 phút (hoặc lâu hơn) mỗi ngày. Bingham khuyên người mới bắt đầu nên bắt đầu với năm phút thiền có hướng dẫn, ba lần một tuần và từ từ tăng số phút khi thiền trở thành một phần nhất quán trong thói quen của bạn. Lúc đầu, bạn có thể cảm thấy không được tỉnh táo và bình tĩnh cho lắm. Bạn có thể không cảm thấy thư giãn chút nào. Nhưng không sao đâu. Chỉ cần đặt mục tiêu là dành ra năm phút để ngồi suy nghĩ. Hãy tò mò về chúng, nhưng đừng ép buộc bản thân thực hiện.
2.2. Tìm đúng thời điểm
Bạn sẽ thấy rằng các nguồn thông tin khác nhau đề xuất những thời điểm “lý tưởng” khác nhau để thiền. Nhưng trên thực tế, thời gian lý tưởng của chúng ta là bất cứ khi nào bản thân có thể làm cho việc thiền định đạt hiệu quả. Nếu cố gắng bắt mình thiền vào thời điểm không phù hợp với lịch trình và trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ chỉ làm cho bản thân cảm thấy thất vọng và sẽ không có động lực để tiếp tục.
2.3. Hãy thoải mái
Có thể nhiều người trong chúng ta đã từng nhìn thấy những bức ảnh chụp một người đang thiền trong tư thế cổ điển. Nhưng tư thế đó không thoải mái cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người mắc phải các vấn đề về thể chất. May mắn thay, chúng ta không cần phải vào một vị trí nhất định để thiền thành công. Thay vào đó, chỉ cần vào vị trí bản thân cảm thấy dễ chịu và tự nhiên nhất. Ngồi trên ghế, nằm xuống giường - cả hai đều hoàn toàn ổn. Bingham nhấn mạnh: “Sự thoải mái quan trọng hơn nhiều so với việc“ trông giống như bạn đang thiền ”.
Nếu gặp khó khăn khi ngồi yên, hãy thử thiền trong khi đi bộ hoặc đứng. Một số người thấy rằng tập trung vào từng bước sẽ giúp quá trình thiền định tiến xa hơn, giống như tập trung vào hơi thở. Ngoài ra, hãy cân nhắc việc tạo ra một không gian thiền thoải mái, nhẹ nhàng hoặc thậm chí bố trí những nghi lễ xung quanh quá trình này. Kết hợp nến, âm nhạc yên bình hoặc ảnh và vật lưu niệm của những người thân yêu đều có thể giúp tăng cường thiền định.
2.4. Hãy kiên nhẫn
Cần có thời gian để hình thành một thói quen mới, vì vậy đừng lo lắng nếu lúc đầu thiền dường như không có tác dụng với mình. Thay vì tìm kiếm lý do khiến chúng ta không thể tiếp tục, hãy nhìn nhận những khó khăn mà mình đang gặp phải bằng sự tò mò và tâm hồn cởi mở. Những thách thức chúng ta phải đối mặt trong quá trình thiền định có thể hướng dẫn chúng ta đến một cách thực hành thành công hơn.
Bingham giải thích, học cách thực hành sự chấp nhận và tò mò trong thiền định có thể giúp người tập chuyển những cảm xúc này sang cuộc sống hàng ngày của họ. Điều này có thể giúp chúng ta có thời gian dễ dàng hơn trong việc trau dồi nhận thức về một thói quen thiền định.
2.5. Biết khi nào việc thiền định không có hiệu quả
Chúng ta có thể không nhận thấy lợi ích của thiền ngay lập tức. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Và bất kể bạn đã luyện tập bao lâu, tâm trí của bạn vẫn có thể mất tập trung theo thời gian. Đó cũng là điều bình thường. Cả hai điều này đều không có nghĩa là bạn không thể thành công với thiền định. Nhận ra thời điểm tâm trí của chúng ta xao nhãng thực sự là một điều tốt — điều đó có nghĩa là bạn đang phát triển nhận thức. Khi điều này xảy ra, hãy nhẹ nhàng tái tập trung vào bản thân. Với một thực hành thiền định đều đặn, bạn thường sẽ bắt đầu nhận thấy những lợi ích kịp thời. Điều đó cho thấy rằng, điều quan trọng là phải nhận ra khi thiền định gây hại nhiều hơn lợi.
Mặc dù thiền định giúp giảm các triệu chứng sức khỏe tâm thần cho nhiều người, nhưng không phải ai cũng thấy hữu ích, ngay cả khi thực hành thường xuyên. Mặc dù không quá phổ biến nhưng cũng đã có những ý kiến cho rằng thiền định thường xuyên làm tăng cảm giác trầm cảm, lo lắng hoặc hoảng sợ. Nếu thiền liên tục khiến bạn cảm thấy khó chịu, bạn có thể cần sự hướng dẫn từ bác sĩ trị liệu trước khi tiếp tục.
2.6. Sử dụng một ứng dụng thiền trên điện thoại thông minh
Khi nghi ngờ về khả năng thiền của mình, hãy nhớ đến chiếc điện thoại thông minh. Ngày nay, có sẵn những ứng dụng cho hầu hết mọi thứ và thiền cũng không ngoại lệ. Các ứng dụng, nhiều ứng dụng miễn phí, có thể giúp chúng ta bắt đầu bằng các bài thiền có hướng dẫn, Bingham đề xuất cho người mới bắt đầu. Cô giải thích: “Một bài thiền có chỉ dẫn sẽ có thể giúp cho trí óc của bạn hoạt động trở lại thời điểm hiện tại”. Một số ứng dụng hướng dẫn thiền phổ biến bao gồm Calm, Headspace và Ten Percent Happier.
2.7. Bắt đầu thiền
Dưới đây là một bài thiền đơn giản để giúp chúng ta bắt đầu:
- Tìm một nơi thoải mái để có thể thư giãn.
- Đặt hẹn giờ từ ba đến năm phút.
- Bắt đầu bằng cách tập trung vào hơi thở của chính mình. Cần chú ý cảm giác của mỗi lần hít vào và thở ra. Hít thở chậm và sâu theo cách cảm thấy tự nhiên.
- Ngay khi suy nghĩ của chúng ta trở nên mất tập trung, hãy ghi nhận những suy nghĩ xuất hiện, để chúng qua đi và trở lại tập trung vào nhịp thở. Đừng lo lắng nếu điều này vẫn tiếp tục xảy ra.
- Khi hết thời gian, hãy mở mắt ra. Chú ý đến môi trường xung quanh, cơ thể, cảm xúc của bạn. Bạn có thể cảm thấy khác biệt, có thể không. Nhưng theo thời gian, có thể bạn sẽ nhận thấy bản thân trở nên lưu tâm hơn đến trải nghiệm của bản thân cũng như môi trường xung quanh. Những cảm giác này sẽ kéo dài sau khi bạn hoàn thành việc thiền định.
Không có cách thiền đúng hay sai. Chúng ta sẽ đạt được những thành công nhất khi thực hành theo cách phù hợp với mình, vì vậy đừng ngần ngại thử các phương pháp khác nhau cho đến khi tìm được phương pháp phù hợp nhất với bạn. Khi bạn bắt đầu nhận thấy lòng trắc ẩn, hòa bình, niềm vui và sự chấp nhận lớn hơn trong cuộc sống của mình, bạn sẽ hiểu, thiền định đã đạt được hiệu quả. Chỉ cần có sự kiên nhẫn, vì những lợi ích này có thể sẽ không xuất hiện trong một sớm một chiều. Hãy nhớ thể hiện bản thân bằng sự tò mò và tâm hồn cởi mở, chúng ta sẽ luôn đi đúng hướng đến thành công.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: experiencelife.com, healthline.com, chopra.com