Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Test da là một kỹ thuật cơ bản giúp xác định mức độ phản ứng của cơ thể với các dị nguyên nhằm phát hiện phản ứng dị ứng. Hiện nay có một số test da thường được áp dụng để đánh giá dị ứng như test lẩy da, test nội bì và test áp.
1. Test lẩy da
- Nhỏ một giọt dung dịch thuốc hoặc dị nguyên với nồng độ phù hợp lên mặt da, thường ở mặt trước trong cẳng tay có thể vùng da ở lưng.
- Nhỏ một giọt dung dịch NaCl 0,9% cách đó 3 - 4 cm để làm chứng âm.
- Nhỏ dung dịch histamin làm chứng dương (nồng độ 0,1 mg/mL với histamin base, 0,275 mg/mL nếu là histamin phosphate hoặc 1mg/mL nếu là histamin dihydrochloride).
- Dùng kim lẩy châm qua các giọt dị nguyên, chứng âm và chứng dương (mỗi giọt dùng kim riêng). Sau 15- 20 phút đọc và đánh giá kết quả.
- Dương tính khi đường kính sẩn ≥ 3 mm so với chứng âm.
- Trước khi thực hiện test lẩy da phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cấp cứu sốc phản vệ
2. Test nội bì
Test nội bì được chỉ định khi test lẩy da âm tính. Cách thực hiện test nội bì như sau:
- Thuốc hoặc dị nguyên được pha loãng đến nồng độ 1/10 hoặc 1/100 so với nồng độ test lẩy da, chú ý nếu có tiền sử sốc phản vệ nồng độ có thể pha loãng hơn.
- Dùng bơm kim tiêm 26, 30 lấy khoảng 0,02-0,05 mL dung dịch dị nguyên rồi tiêm tạo sẩn với kích thước từ 2-3 mm trên da mặt trước cẳng tay.
- Dùng histamin làm chứng dương, NaCl 0,9% làm chứng âm.
- Đọc kết quả sau 15- 20 phút. Test dương tính khi đường kính sẩn 5mm so với chứng âm
- Lưu ý khi thực hiện test nội bì: Test nội bì có nguy cơ gây sốc phản vệ cao hơn test lẩy da nên phải được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa và có điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.
3. Test áp
Cách thực hiện test áp như sau:
- Lau sạch vùng da định thử bằng este để khô.
- Đặt các tấm gạc kích thước 1×1cm có tẩm dung dịch cần thử, che miếng gạc bằng các tấm nilon có kích thước 3×3cm rồi băng kín lại.
- Sau 24 - 48 và 72 giờ, đọc kết quả. Đánh giá kết quả như sau
- Phản ứng dương tính nhẹ: Ban đỏ và ngứa tại chỗ thử.
- Phản ứng dương tính vừa: Ban đỏ, mụn nước và phù nề.
- Phản ứng dương tính mạnh: Bọng nước và trợt loét tại vị trí thử.
4. Một số lưu ý khi thực hiện test da
- Không nên thực hiện test da khi bệnh nhân đang bị bệnh lý dị ứng cấp tính (viêm mũi, mày đay, chàm nặng, phù Quincke, ban đỏ, hồng ban đa dạng...), phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, hen không kiểm soát, bệnh nhân đang bị tổn thương ở vùng da dự định thực hiện test, đang sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc corticoid,...
- Một số thuốc làm ảnh hưởng đến độ chính xác của test lẩy da gồm các thuốc kháng histamin, corticoid toàn thân, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Do đó, các thuốc kháng histamin nên dừng 48 - 72 giờ trước khi thử test, ngưng corticoid toàn thân 3-5 ngày trước khi làm test và phải ngưng các thuốc chống trầm cảm ba vòng từ 3 đến 10 ngày.
- Tuổi của bệnh nhân, vị trí thực hiện test, kỹ thuật thực hiện có thể ảnh hưởng tới kết quả test da.
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trang bị đầy đủ các dụng cụ và phương tiện cấp cứu phù hợp, đạt tiêu chuẩn thực hiện test lẩy da phát hiện dị ứng. Test lẩy da được thực hiện cho tất cả các bệnh nhân trước khi tiêm truyền kháng sinh Penicillin và Streptomycin lần đầu tiên (trừ trường hợp có chống chỉ định), bệnh nhân dùng Lidocain và có tiền sử dị ứng, sốc với thuốc gây tê nhóm amid hoặc trong bệnh viêm phế quản, viêm da cơ địa để xác định dị nguyên gây bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.