Tang bạch bì là một bộ phận trên cây dâu tằm. Vị thuốc này được sử dụng trong nền Y Học Cổ Truyền từ lâu đời với tác dụng chính là trị ho, suyễn và lợi niệu tiêu thũng.
1. Tang bạch bì là gì?
Tang bạch bì là phần vỏ rễ của cây dâu tằm sau khi được chế biến để loại bỏ lớp vỏ màu vàng bên ngoài và lõi gỗ bên trong, còn có tên gọi khác là Vỏ rễ dâu, Sinh tang bì, Tang căn bạch bì, Mã ngạch bì...
Tên khoa học của tang bạch bì là Cortex mori Albae Radicis Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae)
Một số đặc điểm thu hái và chế biến vị thuốc tang bạch bì:
- Thời điểm thu hoạch: Vị thuốc tang bạch bì được thu hoạch vào mùa xuân. Cuối thu tiến hành cắt bỏ những phần già của cây để sang mùa xuân mọc lên chồi mới. Đào lấy rễ của cây dâu tằm ở dưới đất, thu hoạch với những rễ to, có đường kính 5mm trở lên thì mới có tác dụng.
- Cách bào chế: Sau khi thu hoạch rễ của cây dâu tằm về, đem rửa sạch bằng nước để loại bỏ đất, cát, bụi bẩn và tạp chất. Dùng dụng cụ để cạo bỏ lớp vỏ màu vàng bên ngoài, giữ lại lớp màu trắng ngà và loại bỏ phần lõi. Cắt lớp vỏ thành từng đoạn nhỏ khoảng 5cm rồi đem phơi khô hoặc sấy khô. Sau khi phơi nắng, thử bẻ gãy thấy giòn là được. Sau khi bào chế để bảo quản có thể sử dụng luôn, hoặc một số thầy thuốc dùng tẩm mật để tăng tác dụng điều trị.
- Thành phần hóa học: Trong vỏ rễ dâu tìm thấy có những hợp chất flavon bao gồm mulberrin, mullberrochromen, xyclomulberrochromen. Ngoài ra, còn có các chất khác như axit hữu cơ, tanin, pectin và β amyrin và rất ít tinh dầu.
2. Tang bạch bì có tác dụng gì?
Vị thuốc tang bạch bì được các thầy thuốc đông y sử dụng từ rất lâu đời, ngày nay nhờ tiến bộ khoa học mà được nghiên cứu và chứng minh các tác dụng của nó.
Tác dụng của tang bạch bì dược liệu theo Đông Y:
- Tang bạch bì theo đông y có vị ngotj, tính hàn quy kinh phế, tỳ có công năng lợi tiểu, tả phế, thanh nhiệt, tiêu phù và bình suyễn.
- Chủ trị của vị tang bạch bì trong đông y là các chứng phù thũng do thực chứng, ho khó thở do phế nhiệt, sốt, sưng phù mặt.
Một số tác dụng tang bạch bì theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng điều trị ho: Giảm ho trong các chứng bệnh đường hô hấp.
- Tác dụng lợi tiểu: nghiên cứu trên thỏ thực nghiệm uống nước sắc tang bạch bì với liều 2g/ kg trọng lượng cơ thể thì thấy lượng nước tiểu tăng lên đáng kể trong vòng 6 giờ.
- Tác dụng hạ áp: Vỏ rễ cây dâu có tác dụng hạ huyết áp chậm.
- Nước sắc tang bạch bì còn cho thấy tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn.
- Hỗ trợ ức chế tế bào ung thư.
- Ngoài ra tang bạch bì còn có một số tác dụng như chống co giật nhẹ, hạ sốt, an thần và giảm đau.
3. Một số bài thuốc trị bệnh từ tang bạch bì
3.1 Bài thuốc chữa viêm phổi
- Bài thuốc số 1: Vỏ rễ cây dâu, tía tô, hoàng liên mỗi loại 8g; trúc diệp 12g, kim ngân hoa 16g, thạch cao 16g và sài đất 20g. Đem các nguyên liệu rửa qua và sắc lấy nước, chia làm 3 lần để sử dụng trong ngày.
- Bạch hổ thang gia giảm: Tang bạch bì 8g, cam thảo 4g, kim ngân hoa 16g, thạch cao 20g, liên kiều, hoàng liên, tri mẫu mỗi loại 6g. Đem sắc lấy nước uống chia 3 lần trong ngày.
3.2 Bài thuốc chữa hen phế quản, viêm phế quản, sốt nhẹ
- Bài thuốc số 1: tang bạch bì 12g và 12g tỳ bà diệp sắc lấy nước uống
- Bài thuốc số 2: Dùng 12g tang bạch bì, 12g địa cốt bì, 20g ngạnh mễ và 8g sinh cam thảo, đem sắc lấy nước uống chia 3 lần trong ngày.
3.2 Bài thuốc viêm cầu thận
- Bài thuốc 1: Dùng 20g tang bạch bì và 63g xích tiểu đậu, đem sắc lấy nước uống trong ngày.
- Bài thuốc số 2: Tang bạch bì, khương bì, vỏ quả câu mỗi loại 12g, phục linh và trần bì mỗi loại 8g để đem sắc lấy nước dùng và chia 3 lần sử dụng thuốc trong ngày.
3.3 Bài thuốc chữa viêm phế quản mãn tính
Tình trạng ho, khạc đờm kéo dài có thể dùng tang bạch bì cùng với tỳ bà diệp mỗi loại 10g, sắc lấy nước uống sử dụng trong ngày.
3.4 Bài thuốc trị ho do nhiệt đàm
Dùng tang bạch bì và đại cốt bì mỗi loại 12g cùng với 4g cam thảo, đem sắc lấy nước và chia 3 lần uống trong ngày
4. Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc tang bạch bì
Để sử dụng hiệu quả nhất vị thuốc tang bạch bì cần lưu ý một số điều sau:
- Liều lượng mỗi ngày khoảng 6 đến 12g khô, có thể dùng liều nhỏ hơn với trẻ em.
- Chú ý khi dùng vị thuốc này cùng với các vị thuốc như ma tử, tục đoạn, quế tâm. Vì có thể gây ra một số tác dụng phụ.
- Lưu ý khi dùng vị thuốc này cho người bị tiểu nhiều lần, phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Do vị thuốc có tính hàn dùng trị bệnh phế nhiệt. Nên kiêng kỵ không nên dùng cho các trường hợp phế bị cảm phải phong hàn với biểu hiện ho, đờm loãng, dễ khạc, người sợ lạnh...
Tang bạch bì là vị thuốc có nhiều tác dụng mà tác dụng chủ yếu được sử dụng đó là trị ho do phế nhiệt và lợi tiểu tiêu thũng. Do có tính hàn nên khi dùng cần chú ý tính hàn nhiệt của bệnh để tránh bệnh không thuyên giảm mà còn có thể tăng nặng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.