Tầm soát ung thư phổi: Phát hiện sớm - Nâng cao hiệu quả điều trị

Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư, khi ung thư còn ở giai đoạn đầu, chưa di căn và có nhiều khả năng điều trị thành công. Ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm ung thư phổi có thể mang lại hiệu quả điều trị đáng kể, nâng cao tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Lê Thị Nhã Hiền - Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Tầm soát ung thư phổi là gì?

Tầm soát ung thư phổi là quá trình sử dụng các kỹ thuật để phát hiện ung thư phổi ngay khi bệnh chưa có những dấu hiệu rõ ràng. Tầm soát ung thư phổi ở giai đoạn sớm có khả năng mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn so với việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Thông thường, khi xuất hiện các triệu chứng của ung thư phổi, bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng, làm cho quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc tầm soát, phát hiện và điều trị sớm ung thư phổi có thể cải thiện đáng kể khả năng chữa trị căn bệnh này.

Khi một người đáp ứng đủ các tiêu chí tầm soát ung thư phổi, bác sĩ thường sẽ áp dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT) để tìm kiếm các dấu ấn của ung thư phổi. LDCT kết hợp cả kỹ thuật X-quang và máy tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh bên trong cơ thể, giúp phát hiện các biến đổi nhỏ nhất trong cơ thể. Thực tế, LDCT có thể giảm đến 90% việc sử dụng bức xạ ion hóa so với kỹ thuật CT thông thường.

Phương pháp tầm soát bệnh ung thư phổi bằng LDCT thường được khuyến nghị đối với những người lớn tuổi, người thường xuyên hút thuốc lá và đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi.

2. Những phương pháp tầm soát ung thư phổi

Phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm là chìa khóa để nâng cao tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân. Nhờ những tiến bộ trong y học, hiện nay có nhiều phương pháp tầm soát bệnh ung thư phổi hiệu quả, giúp phát hiện ung thư khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, chưa di căn, từ đó có thể điều trị triệt để.

2.1. Chụp X-quang phổi

  • Đây là phương pháp tầm soát bệnh ung thư phổi phổ biến và ít tốn kém nhất.
  • Chụp X-quang ngực có thể giúp phát hiện các khối u phổi dưới dạng khối màu xám trắng.
  • Tuy nhiên, X-quang phổi không thể phân biệt chính xác giữa ung thư và các bệnh lý khác như áp xe phổi. 
Chụp X-quang là một trong những phương pháp tầm soát ung thư phổi phổ biến.
Chụp X-quang là một trong những phương pháp tầm soát ung thư phổi phổ biến.

2.2. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT)

  • Kỹ thuật tầm soát ung thư phổi được xem hiệu quả nhất hiện nay là chụp LDCT.
  • Quá trình chụp LDCT chỉ mất vài phút, không gây đau đớn.

2.3. Nội soi phế quản

  • Nội soi phế quản là thủ thuật sử dụng ống nội soi có camera nhỏ để quan sát bên trong phổi.
  • Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn thấy trực tiếp các bất thường bên trong đường thở và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán ung thư.
  • Nội soi phế quản thường được thực hiện khi LDCT phát hiện thấy các nốt nghi ngờ ung thư.

2.4 Xét nghiệm tế bào đờm  

Xét nghiệm tế bào đờm là một phương pháp chẩn đoán y tế bằng cách sử dụng mẫu đờm (dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh bị ho) của bệnh nhân để phân tích dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm và kiểm tra tế bào ung thư.

2.5 Sinh thiết phổi

Để đánh giá xem có sự tồn tại của bệnh phổi hoặc ung thư hay không, mẫu mô phổi sẽ được thu thập thông qua các quy trình sinh thiết đặc biệt, có thể thông qua kim hoặc trong quá trình phẫu thuật.  

Sinh thiết phổi có thể được thực hiện theo hai phương pháp là kín hoặc mở. Trong phương pháp kín, mẫu mô được thu thập thông qua da hoặc khí quản. Còn đối với phương pháp mở sẽ được thực hiện trong phòng mổ bằng việc gây mê toàn thân.

3. Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư phổi

Tầm soát bệnh ung thư phổi là một phương pháp quan trọng để phát hiện sớm ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người hút thuốc lá trong thời gian dài mà không có triệu chứng rõ ràng của bệnh.  

Mục tiêu của tầm soát này là phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm, khi bệnh có thể được điều trị hiệu quả nhất. Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn thường làm tăng khả năng phức tạp của việc điều trị và giảm tiên lượng sống.

Theo các nghiên cứu, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi không còn khả năng phẫu thuật hoặc phản ứng kém với các phương pháp điều trị. Do đó, việc tầm soát ung thư phổi và phát hiện sớm bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả điều trị và tiên lượng sống. 

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tầm soát bệnh ung thư phổi sớm có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tầm soát bệnh ung thư phổi sớm có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này.

4. Đối tượng nên tầm soát ung thư phổi

Các đối tượng sau đây được bác sĩ khuyến khích nên thực hiện:

  • Người lớn tuổi đang hoặc từng hút thuốc lá: Tầm soát bệnh ung thư phổi thường được khuyến nghị cho những người trên 50 tuổi, đặc biệt là những người đã từng hoặc đang hút thuốc lá.
  • Những người đã hút thuốc nặng trong nhiều năm: Các cá nhân có thói quen hút thuốc nặng trong thời gian dài, như hút một gói mỗi ngày trong ít nhất 20 năm, hoặc hút hai gói mỗi ngày trong ít nhất 10 năm, hoặc nửa gói mỗi ngày trong ít nhất 40 năm, cũng nên xem xét tầm soát ung thư phổi.
  • Những người từng hút thuốc nhiều nhưng đã bỏ: Người đã từng hút thuốc nặng trong một thời gian dài và đã ngừng hút trong ít nhất 15 năm cũng cần tầm soát bệnh ung thư phổi. 
Những người đã từng hút thuốc nặng trong suốt nhiều năm nên thực hiện tầm soát bệnh ung thư phổi
Những người đã từng hút thuốc nặng trong suốt nhiều năm nên thực hiện tầm soát bệnh ung thư phổi
  • Những người có yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh ung thư phổi: Nam giới trên 55 tuổi, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi và những người đã tiếp xúc lâu dài do môi trường làm việc có các các chất độc hại như amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín.

Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe