Tại sao khớp của bạn cứng như vậy?

Cùng với tuổi tác, tình trạng cứng khớp thường xảy ra đối với những người vận động nhiều. Cứng, đau và không duỗi được khớp thường xuất hiện ngay sau khi thức dậy và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đâu?

1. Tại sao cứng khớp lại xảy ra?

Sự lão hóa do tuổi tác có thể dẫn tới tình trạng cứng khớp ở nhiều người. Sau nhiều năm vận động có thể ảnh hưởng tới các khớp, cơ và xương. Nhiều người bị cứng khớp ngay sau khi thức dậy, nguyên nhân là do khi nằm xuống ngủ trong thời gian vài giờ có thể làm giảm lượng chất lỏng. Điều đó khiến cho việc cử động các khớp trở nên khó khăn hơn vào buổi sáng.

Cứng khớp ở thể nhẹ chỉ ảnh hưởng tới chức năng và khả năng vận động trong một khoảng thời gian ngắn. Tình trạng cứng khớp cũng có thể nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới chức năng của khớp.

Trong một số trường hợp, cứng khớp có thể kèm theo những triệu chứng như đau khớp hoặc viêm, điều này sẽ khiến cho bạn bị đau khớp khi đi bộ hoặc đứng hay dồn sức nặng lên các khớp.

Một số nguyên nhân gây nên tình trạng cứng khớp bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân phổ biến gây đau khớp và cứng khớp. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây biến dạng khớp và bào mòn xương. Bệnh không có cách chữa trị, vì vậy các triệu chứng của nó không thể được loại bỏ hoàn toàn thông qua thuốc và các phương pháp điều trị khác.
  • Viêm khớp thoái hóa: Viêm khớp thoái hóa là một dạng viêm khớp phổ biến, thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Viêm khớp thoái hóa là kết quả của sự hao mòn ở các khớp. Sụn, mô mỏng có chức năng bảo vệ xương trong khớp của bạn nhưng có thể bị mòn đi khi sử dụng. Theo thời gian, sụn không còn đảm bảo chức năng bảo vệ xương.
  • Lupus: Lupus là một bệnh tự miễn dịch giống như viêm khớp dạng thấp. Cơ thể của bạn sẽ tự tấn công chính các cơ quan và mô trong cơ thể. Lupus tấn công các khớp có thể gây ra cứng khớp, đau và sưng. Lupus rất khó chẩn đoán bởi vì những triệu chứng của bệnh thường giống với nhiều bệnh lý khác. Giống như viêm khớp dạng thấp, lupus là bệnh lý mãn tính. Một khi đã mắc bệnh thì người bệnh có thể sẽ gặp phải các triệu chứng của tình trạng này trong suốt phần đời còn lại. Bệnh lupus không có phương pháp điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu làm giảm và kiểm soát các triệu chứng.
  • Viêm bao hoạt dịch: Khi bị viêm bao hoạt dịch có thể gây ra cứng và đau ở khớp bị ảnh hưởng. Viêm bao hoạt dịch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, nhưng nó phổ biến nhất ở các khớp lớn như khuỷu tay, vai hoặc hông.
  • Gout: Bệnh gout xuất hiện đột ngột. Cứng khớp có thể xuất hiện khi đang ngủ và khiến cho các khớp đau khi thức dậy. Những cơn đau dữ dội, đột ngột và đau ở các khớp là đặc điểm của bệnh gút. Bệnh gout có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào nhưng khớp ngón chân cái thường xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
  • Ung thư xương: Ung thư xương hiếm khi là nguyên nhân gây đau và cứng khớp, nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra. Triệu chứng đầu tiên của ung thư xương có thể là đau khớp hoặc đau xương. Người bệnh cũng có thể bị sưng hoặc nhạy cảm gần xương. Không phải trường hợp nào cũng bị đau, đó là lý do tại sao ung thư xương có thể tiến triển và bắt đầu gây ra các triệu chứng khác trước khi được phát hiện.

Viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân phổ biến gây đau khớp và cứng khớp
Viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân phổ biến gây đau khớp và cứng khớp

2. Cách điều trị cứng khớp?

Cách tốt nhất để giảm bớt độ cứng khớp phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu tình trạng cứng khớp kéo dài hơn 30 phút sau khi bạn thức dậy hoặc các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn thì phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh. Chẩn đoán vấn đề cơ bản sẽ giúp bạn và bác sĩ xác định cách tốt nhất để giảm bớt tình trạng cứng khớp và ngăn chặn các triệu chứng liên quan khác.

Việc điều trị cứng khớp thường bao gồm các phương pháp sau:

  • Chườm nóng hoặc lạnh điều trị cứng khớp

Chườm nóng và chườm lạnh đều giúp giảm triệu chứng cứng khớp. Chườm lạnh hoặc túi đá lên các khớp cứng trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút, có thể thực hiện nhiều lần mỗi ngày. Điều này có thể giúp giảm viêm hoặc sưng và giúp cho khớp dễ vận động.

Nhiệt độ nóng cũng có tác dụng điều trị các khớp và cơ. Sử dụng miếng đệm nóng, chai nước nóng hoặc nước ấm từ vòi hoa sen, bồn tắm để thư giãn các cơ, tăng cường tuần hoàn.

  • Thuốc không kê đơn (OTC) điều trị cứng khớp

Nhiều triệu chứng đau khớp nhẹ có thể thuyên giảm bằng cách sử dụng thuốc không kê đơn. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh lý viêm khớp. Một số loại thuốc chống viêm không steroid bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen.

  • Sử dụng thuốc Steroid điều trị cứng khớp

Nếu tình trạng viêm, sưng và khớp không duỗi được thì thuốc steroid có thể là một lựa chọn điều trị. Sưng và viêm là triệu chứng thường gặp khi bị viêm khớp. Corticosteroid có tác dụng làm giảm viêm. Khi tình trạng viêm giảm, đau khớp và cứng khớp cũng giảm theo.

Steroid có thể không có tác dụng cho những người bị viêm khớp tiến triển. Trong một số trường hợp, giảm đau có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và việc tiêm steroid trong những lần điều trị sau có thể không hiệu quả.

  • Vật lý trị liệu

Tập thể dục và vật lý trị liệu có thể giúp tăng khả năng vận động, cải thiện tình trạng khớp không duỗi được. Đây cũng là một cách tuyệt vời để bạn kết hợp với giảm cân hoặc duy trì cân nặng hợp lý. Những người thừa cân béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý gây đau và cứng khớp.

Nếu bạn không chắc chắn về cách bắt đầu tập thể dục hoặc gặp khó khăn trong việc vận động, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu được đào tạo. Tập thể dục là một trong những biện pháp dễ dàng để giảm đau và cứng khớp, nhưng bạn có thể làm trầm trọng thêm một số tình trạng nếu không tập đúng cách và có biện pháp phòng ngừa trước khi bắt đầu kế hoạch tập thể dục.


Sử dụng thuốc Steroid điều trị cứng khớp
Sử dụng thuốc Steroid điều trị cứng khớp

3. Làm thế nào để phòng ngừa cứng khớp?

Những phương pháp có thể giúp phòng ngừa cứng khớp bao gồm:

3.1. Bổ sung dầu cá để phòng ngừa cứng khớp

Những người sử dụng dầu cá được báo cáo ít bị đau và cứng khớp vào buổi sáng hơn. Thêm các món cá vào trong thực đơn hàng tuần của bạn cũng có thể hữu ích, bởi vì chúng chứa axit béo omega-3.

Liều lượng bổ sung dầu cá là 300 miligam (mg) mỗi ngày. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để xác định có bao nhiêu miligam omega-3 trong mỗi loại thực phẩm bổ sung. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung dầu cá để đảm bảo an toàn.

3.2. Hạt lanh giúp giảm viêm

Hạt lanh chứa một loại axit béo omega-3 khác đó là axit alpha-linolenic (ALA). Cũng giống như EPA và DHA, axit alpha-linolenic có thể giúp giảm viêm và các triệu chứng cứng khớp. Hạt lanh xay có một số ALA, nhưng dầu hạt lanh có nhiều hơn. Dầu hạt lanh có sẵn trong những thực phẩm viên nang hoặc trong chai.

Khuyến nghị trung bình hàng ngày lượng hạt lanh được sử dụng là 500 mg. Số lượng đó thường có trong một viên dầu hạt lanh.

3.3. Glucosamine sulfate

Glucosamine sulfate xuất hiện tự nhiên trong chất lỏng xung quanh khớp của bạn và có vai trò tạo sụn. Nếu bạn bị thiếu glucosamine sulfate, cơ thể không thể sản xuất hoặc bảo vệ sụn.

Một số nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng chất bổ sung này để giảm đau và cứng khớp. Phương pháp điều trị này có thể hữu ích nhất cho những người bị viêm và sưng khớp gối. Liều lượng glucosamine sulfate được khuyến cáo cho cơn đau do viêm khớp dao động từ 300 đến 2000 mg mỗi ngày. Trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những tương tác thuốc có thể xảy ra.

Tóm lại, cứng khớp là tình trạng có thể xảy ra đối với những người sau nhiều năm vận động. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng cứng khớp như lão hóa, lối sống hoặc do các bệnh về khớp. Vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến khớp, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe