Chuột rút khi ngủ là một hiện tượng rất thường gặp ở những người cao tuổi. Tuy tình trạng chuột rút ban đêm không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào nhưng lại rất phiền phức. Bị chuột rút trong thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến người bệnh khó chịu, bất tiện và mất ngủ về đêm. Vậy, chúng ta cần phải giải quyết tình trạng này ra sao?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ai dễ bị chuột rút khi ngủ nhất?
Người cao tuổi thường là những người dễ bị chuột rút ban đêm nhất. Có khoảng ⅓ người trên 60 tuổi và gần 50% bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên bị chuột rút khi ngủ.
Trong số đó, có tới 40% số bệnh nhân bị chuột rút ban đêm với tần suất 3 lần/tuần. Thậm chí, có những trường hợp bị chuột rút hàng ngày.
Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.
Biểu hiện của tình trạng này là co thắt cơ đột ngột không tự chủ và đa số các trường hợp xảy ra ở cơ bắp chân. Thỉnh thoảng, chuột rút còn xảy ra ở cơ đùi và cơ bàn chân. Dù chuột rút có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường có xu hướng gia tăng dần theo độ tuổi của người bệnh.
Đối với người khoẻ mạnh, tình trạng chuột rút đôi lúc có thể xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, nếu chuột rút khi ngủ xuất hiện nhiều lần, người bệnh cần đi khám. Việc khám bác sĩ sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân chính xác hơn vì đôi lúc chuột rút là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nào đó.
2. Nguyên nhân gây ra chuột rút ban đêm
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng chuột rút ban đêm bao gồm:
2.1. Lạnh chân
Người bị chuột rút ban đêm có thể do gió từ ngoài trời thổi vào hoặc từ quạt. Thông thường, vào mùa hè, luồng gió từ quạt hoặc máy lạnh sẽ thổi trực tiếp vào chân. Khi đến mùa đông, trời trở lạnh, luồn vào phòng gây lạnh chân cho người bệnh.
2.2. Vận động quá mức
Khi người bệnh vận động quá sức vào ban ngày sẽ khiến cơ bắp mệt mỏi hoặc chấn thương. Quá trình vận động này đồng thời sẽ làm tiêu hao lượng đường có trong gan. Nếu bị tiêu hao quá mức mà cơ thể không kịp bổ sung calo, người bệnh sẽ dễ bị chuột rút khi ngủ.
2.3. Mất cân bằng điện giải và thiếu nước
Kkhông bổ sung đủ lượng nước cần thiết trong ngày sẽ dẫn đến thiếu nước trong cơ thể, từ đó dễ gây ra tình trạng chuột rút ban đêm.
Ngoài ra, việc vận động quá mức ngoài trời hay phơi nắng lâu cũng khiến cơ thể bị mất nước và các chất điện giải. Nếu không được bổ sung đầy đủ, người bệnh sẽ rất dễ bị chuột rút khi ngủ.
Bên cạnh đó, các thói quen uống trà lợi tiểu, uống cà phê cũng khiến cơ thể dễ bị mất nước và mất cân bằng điện giải.
2.4. Tuần hoàn máu không tốt
Ngồi hoặc đứng lâu sẽ tạo áp lực lên các cơ bắp và mạch máu, từ đó khiến tuần hoàn máu kém, đặc biệt là ở chân. Ngoài ra, nhiều người bệnh khi ngủ thường xuyên cong chân hoặc co gập chân, khiến các cơ bắp ở chân bị co lại trong thời gian dài mà không được duỗi ra.
Nếu duy trì tư thế này trong cả đêm, khi cử động nhẹ trở lại có thể gây ra chuột rút. Ngoài ra, phụ nữ khi mang giày cao gót cả ngày sẽ khiến mũi giày nhọn ép lên các ngón chân, khiến máu lưu thông khó khăn. Đây cũng là lý do khiến cho các ngón chân bị chuột rút.
2.5. Thiếu hụt dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không lành mạnh và mất cân đối có thể khiến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như Kali, Magie hay Canxi. Việc thiếu đi các khoáng chất thiết yếu sẽ khiến mất cân bằng điện giải trong cơ thể và dẫn đến chuột rút ban đêm.
2.6. Phụ nữ đang mang thai
Các thai phụ là đối tượng có nguy cơ bị chuột rút khá cao do cơ thể tăng tích trữ nước, gây mất cân bằng điện giải. Kèm theo đó, thai nhi cũng tạo ra sức nặng khiến tuần hoàn máu ở chân kém đi.
Không chỉ thế, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây hạ canxi máu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thai phụ bị chuột rút khi ngủ.
2.7. Người mắc các bệnh lý về thận
Các bệnh nhân bị suy thận và phải thường xuyên chạy thận sẽ không thể chuyển hoá các chất dư thừa trong cơ thể một cách hiệu quả. Với người bình thường, quá trình chuyển hoá thường diễn ra trong vòng 24 giờ nhưng với bệnh nhân chạy thận sẽ phải mất từ 2 đến 3 ngày.
Từ đó, các chất điện giải trong cơ thể bệnh nhân bị thay đổi liên tục trong quá trình lọc thận và gây ra tình trạng chuột rút.
Tình trạng rối loạn hệ nội tiết, rối loạn tuyến giáp ở các bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận cũng làm mất cân bằng trong việc chuyển hoá các chất điện giải. Các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp hay tiểu đường là những bệnh nhân dễ mắc rối loạn tuần hoàn máu gây ra chuột rút khi ngủ.
Bên cạnh đó, các bệnh lý về thần kinh như đau thần kinh cột sống, đau thần kinh toạ cũng xuất hiện nguy cơ mắc chuột rút ban đêm.
2.8. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng
Những bệnh nhân hay bị áp lực, căng thẳng quá độ sẽ dễ bị chuột rút khi ngủ. Tình trạng căng thẳng hoặc lo lắng có thể khiến các hormone trong cơ thể bị mất cân bằng, gây tăng nhịp tim hoặc cao huyết áp.
Nhìn chung, chuột rút ban đêm trong khi ngủ thường xảy ra ở vùng chân. Các khu vực thường gặp nhất là cơ bắp chân, bàn chân, mắt cá chân và ngón chân. Khi bị chuột rút, cơn đau có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút và co cứng cơ.
3. Cách khắc phục tình trạng
Để nhanh chóng cắt đứt các cơn chuột rút khi ngủ, người bệnh có thể tham khảo các cách sau:
- Kéo căng cơ chân: Hãy cố gắng kéo gập bàn chân về phía đầu gối gần nhất có thể.
- Massage: Đây là cách đơn giản và hiệu quả để khắc phục tình trạng chuột rút ban đêm.
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước sẽ hạn chế được tình trạng chuột rút.
- Bổ sung các khoáng chất cần thiết: Có thể kể đến như Canxi, Kali hay Magie. Các chất này có thể được tìm thấy ở các loại rau củ quả trong bữa ăn hàng ngày.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm có thể làm giảm đi các triệu chứng chuột rút hiệu quả.
Tuy nhiên, đây chỉ là các phương pháp áp dụng cho những cơn chuột rút đột ngột. Đối với bệnh nhân mắc chuột rút khi ngủ do bệnh lý, các cách này gần như không có tác dụng.
4. Cách phòng tránh chuột rút vào ban đêm
Để hạn chế tình trạng chuột rút ban đêm, người bệnh nên thực hiện các cách sau:
- Tích cực vận động và tập thể dục đều đặn để cải thiện khả năng tuần hoàn máu.
- Nên vận động cơ bắp nhẹ nhàng hoặc căng cơ vài phút trước khi đi ngủ.
- Vào ban ngày, bệnh nhân có thể chạy bộ, bơi lội, đi bộ, đạp xe để vận động cho đôi chân.
- Không nên tắm nước quá lạnh, nhất là tắm bể bơi hoặc tắm nước biển.
- Cần chú ý bổ sung nước có pha muối để cân bằng điện giải sau khi làm việc nặng hoặc ra mồ hôi nhiều để tránh mất nước, tốt nhất là Oresol.
- Uống đủ lượng nước cần thiết cho một ngày.
- Nên ăn nhiều rau trong các bữa chính và bổ sung thêm trái cây sau bữa ăn. Các loại trái cây được khuyến khích bao gồm chuối, nho, đậu, cam, mơ, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê.
Nếu người bệnh đang mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, loãng xương, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh về thần kinh hoặc rối loạn chuyển hoá nên tiến hành điều trị và giải quyết các triệu chứng của bệnh.
Nếu tình trạng chuột rút ban đêm không cải thiện và lặp lại nhiều lần, hãy thăm khám sớm vì chuột rút khi ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì thế, thăm khám sớm sẽ giúp xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.