Các vị trí "ưa thích" của chuột rút - Làm thế nào cho nhanh khỏi?

Chuột rút là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi ngày càng cao và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi. Thông thường chuột rút không kéo dài và không gây nguy hiểm, nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước... thì có thể sẽ gây ra tai nạn hoặc chết đuối.

1. Tìm hiểu chung về bệnh chuột rút?

Chuột rút là cơn co mạnh, đau và thắt chặt các cơ, thường đến đột ngột và kéo dài từ vài giây cho đến vài phút làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa. Người bệnh thường hay bị chuột rút tay, đùi, bàn chân, lưng, mông và chuột rút cơ liên sườn, cơ bụng. Chuột rút sẽ rất nguy hiểm nếu đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa hoặc khi đang lái xe. Bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở chân vào ban đêm.


Chuột rút là cơn co mạnh, đau và thắt chặt các cơ
Chuột rút là cơn co mạnh, đau và thắt chặt các cơ

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi ngày càng cao và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi. Theo thống kê, có khoảng 1/3 người trên 60 tuổi và 1/2 tổng số người từ 80 tuổi trở lên thường bị chuột rút, nhất là vào ban đêm.

Ở người trẻ, đôi khi cũng gặp chuột rút. Người bị chuột rút 3 lần/tuần chiếm tỷ lệ 4/10, thậm chí một số người ngày nào cũng bị chuột rút. Nếu chuột rút tái phát nhiều lần hoặc đi kèm các triệu chứng khác như uống nhiều tiểu nhiều, mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao, nhợt nhạt, đau chân khi đi bộ đoạn ngắn... là dấu hiệu của một bệnh nào đó cần đi khám.

Thông thường, mỗi khi chuột rút xảy ra thường kéo dài từ vài giây đến vài phút nhưng có cũng trường hợp kéo dài trên 10 phút.

2. Xử trí khi bị chuột rút

Khi bạn đang vận động và bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến phải dừng lại ngay không cử động được nữa. Muốn khỏi đau nhanh chóng cần thực hiện các thao tác sau đây:

  • Khi bị chuột rút ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, thì điều đầu tiên bạn cần làm là phải dừng vận động ngay lập tức.
  • Khi bị chuột rút tay (rất ít khi xảy ra nhưng có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với các động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài), cố gắng thả chùng chi bị chuột rút để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng kéo các ngón bị chuột rút, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng.
  • Nếu chuột rút chân, bạn nên nhẹ nhàng duỗi thẳng chân ra và gập bàn chân về phía đầu gối, ép mạnh một tay vào gót chân. Lúc mới áp dụng có thể thấy đau tăng lên nhưng ngay sau đó cơn đau sẽ giảm xuống do các cơ hết co thắt, máu lại được lưu thông trở lại. Khi đã hết hiện tượng chuột rút nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại tránh xảy ra chuột rút tái diễn.

Nếu chuột rút chân, bạn nên nhẹ nhàng duỗi thẳng chân ra và gập bàn chân về phía đầu gối, ép mạnh một tay vào gót chân
Nếu chuột rút chân, bạn nên nhẹ nhàng duỗi thẳng chân ra và gập bàn chân về phía đầu gối, ép mạnh một tay vào gót chân

  • Khi bị chuột rút bắp đùi, bạn nên nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống.
  • Trường hợp chuột rút cơ liên sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực và hãy uống một chút nước trà đường nóng, nước oresol, nước cam hoặc nước chanh...
  • Khi bạn bị chuột rút ở lưng hoặc bạn bị chuột rút ở mông thì hãy điều chỉnh tư thế ngồi có thể giảm đau đáng kể. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là phải có thời gian ngắn để nghỉ ngơi và di chuyển để giảm bớt sự căng cơ quá mức.
  • Tắm nước ấm để thư giãn cơ. Đặt một miếng đệm nóng trên cơ cũng có thể giúp thư giãn cơ hoặc sử dụng túi chườm đá. Luôn luôn để một miếng vải ngăn cách giữa da và túi chườm;
  • Thuốc thường chỉ cần thiết trong trường hợp chuột rút dai dẳng mà không thuyên giảm sau khi tập thể dục. Nếu bạn bị chuột rút thứ cấp ở chân thì việc điều trị các nguyên nhân cơ bản có thể giúp giảm các triệu chứng.

Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút một lần thì thường sẽ không đáng ngại. Nhưng nếu khi bạn bị chuột rút xảy ra thường xuyên, có cảm giác khó chịu, sưng chân, đỏ tấy hoặc màu da thay đổi, yếu cơ và tình trạng này thường không cải thiện bằng các phương pháp tự chăm sóc.thì cần đi gặp bác sĩ chuyên khoa để xét nghiệm và được chẩn đoán, điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút.

3. Phương pháp phòng bệnh chuột rút

Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh chuột rút bằng cách:

  • Uống nước đầy đủ, khoảng trên 1,5 - 2 lít, tốt nhất là các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa... trước, trong và sau khi luyện tập thể thao, lao động, đi bộ hay leo núi.
  • Khởi động trước khi tập luyện để làm ấm và kéo căng cơ bắp. Cần phải khởi động tối thiểu 10 phút. Sau khi tập cũng nên làm các bài tập kéo căng để thả lỏng cơ bắp.
  • Có thể dùng một số loại thuốc thuốc điều trị chuột rút như vitamin E, thuốc thư giãn cơ... Trị liệu và mát xa các cơ.
  • Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như chuối, mơ, chà là, nho, cam, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê.

Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính và khởi động trước khi tập luyện để làm ấm và kéo căng cơ bắp
Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính và khởi động trước khi tập luyện để làm ấm và kéo căng cơ bắp

  • Khi ngồi, bạn hãy co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, làm như vậy để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế uống nhiều rượu bia và cà phê vì có tác dụng lợi niệu làm cơ thể mất nhiều nước.
  • Không nên tắm nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh. Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung dung dịch oresol).
  • Trước khi đi ngủ, bạn hãy kéo dãn và mát xa nhẹ phần chân, không được vận động quá mạnh. Bình thường hãy cố gắng đừng để chân ở một tư thế cố định hoặc duy trì tư thế không tốt quá lâu.
  • Tránh stress, tâm trạng căng thẳng quá độ, vì nó có thể dẫn đến chuột rút, nó có thể khiến cho hormone trong cơ thể mất cân bằng, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng gói khám sức khỏe tổng quát giúp kiểm tra định kỳ đồng thời phát hiện những nguy cơ gây bệnh để kịp tầm soát, duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe