Chuột rút cơ bụng là tình trạng thường xảy ra trong quá trình luyện tập thể thao. Chuột rút bụng gây ra nhiều đau đớn, khiến bệnh nhân không thể cử động được, cần có thời gian hồi phục, ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện.
1. Nguyên nhân gây chuột rút cơ bụng khi tập luyện
Chứng chuột rút ở bụng thường gặp khi cơ thể vận động quá sức, nhất là với những người tập luyện nặng với cường độ cao. Các vận động viên thể thao, người leo núi, người hay leo cầu thang nhiều tầng, phụ nữ mang thai hay người bị mất nước, mất muối... đều là những đối tượng dễ bị chuột rút.
Chuột rút bụng thường xảy ra vào những khoảng thời gian bao gồm: lúc ngủ vào ban đêm, cơ bắp vận động liên tục trong thời gian dài, khi cơ thể mệt mỏi, đói, khát nước, người thường chơi thể thao trên nền cứng, trước khi tập luyện chưa khởi động kỹ. Chuột rút khi đang vận động hay gặp ở những bắp thịt lớn như bụng, cẳng chân và đùi, là những cơ hoạt động nhiều và chịu sức nặng chính của toàn bộ cơ thể. Những yếu tố nguy cơ gây ra chuột bụng cơ bụng là cơ bắp mỏi mệt, vận động quá lâu, tập luyện quá nặng, vận động trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, cơ thể bị mất điện giải trầm trọng.
Bên cạnh đó, vận động nặng liên tục còn gây lắng đọng acid lactic trong các cơ bắp, dẫn đến tình trạng rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ bắp. Vì vậy, dù bộ não muốn các cơ thư giãn sau khi tập luyện nhưng tình trạng co rút cơ vẫn diễn ra, gây ra đau. Thời tiết quá nóng bức mà vận động cơ thể sẽ dễ ra nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nước và điện giải, cũng là nguyên nhân gây ra chuột rút cơ bụng khi vận động mạnh và kéo dài.
2. Cách xử trí khi bị chuột rút ở bụng
Đang vận động bất ngờ bị chuột rút cơ bụng sẽ gây đau dữ dội, bệnh nhân phải dừng lại ngay, không nên cử động tiếp tục. Muốn hết đau nhanh chóng, cần thực hiện một vài thao tác bao gồm dừng vận động và cố gắng thư giãn vùng cơ bụng đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng giảm đau thì thoa dầu lên vùng bụng bị chuột rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Sau khi cơn đau đã dịu đi, bệnh nhân vẫn cần được nghỉ ngơi, không nên tập luyện tiếp tục. Bổ sung điện giải bằng cách uống trà đường nóng, dung dịch oresol, nước cam, nước chanh. Tắm nước nóng sẽ giúp thư giãn bắp thịt và giảm đau do chuột rút.
Một số loại thuốc có thể dùng điều trị chuột rút bao gồm vitamin E, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau... Thông thường, chuột rút bụng không kéo dài và không gây nguy hiểm đáng kể. Tuy nhiên, nếu chuột rút xảy ra trong những tình huống nguy hiểm như khi đang bơi dưới nước, đang nhảy cao thì có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Tình trạng chuột rút nếu thỉnh thoảng mới xảy ra thì nói chung sẽ không đáng ngại. Mặt khác, nếu thường xuyên bị chuột rút hoặc cơn đau do chuột rút quá nghiêm trọng và kéo dài thì bệnh nhân cần đi khám bệnh và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp.
3. Phương pháp phòng ngừa chuột rút bụng
Người tập luyện thể thao hoàn toàn có thể phòng tránh chuột rút bụng bằng cách: khởi động kỹ trước khi luyện tập, uống đầy đủ nước trước và trong buổi tập, tốt nhất là các loại nước giàu khoáng chất và điện giải, như dung dịch oresol, nước trái cây, nước dừa. Sau khi tập, cần thực hiện thư giãn cơ bắp.
Trong tư thế ngồi, khởi động các cơ bằng cách co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để giúp máu dễ dàng lưu thông ở vùng bắp thịt cẳng chân.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng và nên phù hợp với vận động viên, có đầy đủ các chất: đạm, đường, béo, những vitamin và khoáng chất thiết yếu. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Chuẩn bị sẵn thuốc men và dụng cụ cứu hộ cần thiết để xử lý kịp thời mỗi khi bị chuột rút cơ bụng.
XEM THÊM: