Cây ô đầu là một loại dược liệu quý hiếm có nhiều ứng dụng trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Tuy nhiên, đây cũng là loại thảo dược cực độc nếu không sử dụng đúng cách, gây nguy hiểm đến tính mạng. Hãy cùng tìm hiểu xem cây dược liệu ô đầu là gì và tác dụng chữa bệnh như thế nào.
1. Đặc điểm của cây ô đầu
Cây ô đầu thuộc thân thảo với chiều cao trung bình từ 60 - 100cm. Thân cây đứng thẳng, rễ mọc thành chuỗi hình củ nón. Lá cây non sẽ có hình tim tròn cùng với mép răng cưa to. Khi lá già xẻ thành 3 thùy không đều với mặt lông ngắn.
Hoa cây ô đầu mọc thành chùm, dày ở ngọn thân. Hinh dáng của hoa cây ô đầu không đều, có màu xanh lam. Cây ô đầu thích hợp phát triển ở vùng thời tiết ôn đới Bắc bán cầu như ở Trung Quốc, Ấn Độ,... Ở Việt Nam cây ô đầu cũng phân bố rải rác, mọc hoang ở những vùng như Lào Cai, Hà Giang. Những khu vực như SaPa, Lai Châu hiện nay có trồng khá nhiều cây ô đầu.
Khoảng tháng 9 tháng 10 hàng năm là thời gian thích hợp để thu hoạch cây ô đầu và cây sẽ mọc lại vào tầm tháng 1 - 2. Thông thường sẽ sử dụng phần rễ và củ ô đầu trong việc điều trị các bệnh.
2. Các cách điều chế thảo dược từ cây ô đầu
Tùy vào tác dụng chữa bệnh mà bộ phận sử dụng cũng như cách điều chế dược liệu ô đầu cũng sẽ khác nhau như sau:
- Diêm phụ: Còn có tên gọi khác là phụ tử muối hay sinh phụ tử. Khi điều chế sẽ lựa chọn củ ô đầu to nhất, cắt bỏ rễ, rửa sạch và cho vào lọ, thêm magie clorua, muối và nước. Theo công thức 100 kg ô đầu thì dùng 40 kg clorua magie, 30 kg muối và 60 lít nước. Ngâm 10 ngày, vớt ra phơi khô lại cho nước, muối và magie clorua vào bình để ngâm củ. Sau đó hàng ngày đem ra phơi và ngâm lại vào ban đêm. Thỉnh thoảng thêm muối và magie clorua để duy trì nồng độ trong suốt. Cuối cùng cho muối thấm vào giữa củ, nhìn thấy muối kết tinh bên ngoài là được. Khi sử dụng, có thể chỉ cần rửa sạch muối, thái thành từng lát mỏng, trộn với các vị thuốc khác, nhất là cam thảo và gừng chắt lấy nước uống. Tuy nhiên, nhiều người thường chỉ dám sử dụng sau khi nấu lại với đậu đen nhiều lần.
- Hắc phụ: Chọn củ ô đầu có kích cỡ vừa phải, rửa sạch đất cát, ngâm trong bình chứa đầy dung dịch magie clorua trong vài ngày. Theo tỷ lệ cứ 100kg ô đầu thì bổ sung 40kg magie clorua và 20kg nước. Sau đó, chỉ cần nấu trong 2-3 phút, vớt ra, rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng lát dày khoảng 5mm, ngâm trong nước magie clorua, sau cùng cho đường nâu và dầu hạt cải vào. Làm cho nó có màu nâu đậm, và cuối cùng rửa bằng nước cho đến khi chất cay biến mất, sau đó phơi hoặc sấy khô.
- Bạch phụ: Chọn củ nhỏ, rửa sạch, ngâm vào nồi nước muối loãng vài ngày rồi nấu chín, bỏ vỏ đen, cắt thành từng lát dày khoảng 3 mm rồi rửa sạch nhớt. Hấp, sấy khô, hấp lưu huỳnh và cuối cùng là sấy khô.
3. Công dụng của cây ô đầu
Theo Y Học Cổ Truyền, công dụng của cây ô đầu rất phong phú, nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì sẽ gây ra độc tính cực mạnh. Chính vì vậy cần phải có sự kê đơn của bác sĩ mới được sử dụng cây ô đầu cũng như chỉ dùng dạng đã điều chế an toàn.
Một số công dụng của cây ô đầu được biết đến nhiều chính là:
- Điều trị các chứng sưng đau;
- Chữa mỏi nhức chân tay, đau khớp;
- Trị mụn nhọt;
- Phong thấp;
- Hạ thân nhiệt giúp giảm sốt;
- Trị chứng mồ hôi ra nhiều, chân tay co quắp;
- Làm hạ huyết áp;
- Chống viêm;
- Kích thích hệ thần kinh;
- Giảm đau nhờ chất Aconitin trong cây ô đầu.
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc từ cây ô đầu
Do độc tính có trong cây nên khi sử dụng ô đầu, người bệnh có thể gặp một số phản ứng phụ như sau nếu không sử dụng đúng cách:
- Chân tay suy yếu;
- Bồn chồn;
- Đổ mồ hôi;
- Chóng mặt, mờ mắt;
- Hôn mê;
- Hạ huyết áp;
- Tim đập chậm;
- Chán ăn, nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Hạ kali trong máu;
- Nhịp tim nhanh, rối loạn;
- Dị cảm;
- Co thắt họng;
Do đó, khi sử dụng dược liệu cây ô đầu bạn cần lưu ý như sau:
- Không được chạm vào cây ô đầu tươi chưa qua điều chế bởi độc tính có thể thấm qua da;
- Phụ nữ có thai và đang trong thời gian cho con bú tuyệt đối không được sử dụng cây ô đầu;
- Cây ô đầu chỉ nên sử dụng làm thuốc bôi ngoài da, không nên uống trực tiếp;
- Phải có sự cho phép của bác sĩ mới sử dụng cây ô đầu;
- Ô đầu sau điều chế cần được bảo quản trong hộp riêng. Đặt ở nơi khô ráo thoáng mát và sấy khô thường xuyên tránh ẩm mốc mối mọt;
- Nếu muốn uống cây ô đầu cần nấu với đậu đen nhiều lần để giảm bớt độc tính nguy hiểm;
- Khi muốn giảm đau có thể ngâm ô đầu đã tán nhỏ với rượu từ 5 đến 7 ngày rồi dùng thành rượu xoa bóp.
Tóm lại, ô đầu là dược liệu quý hiếm thường được sử dụng để chữa chứng đau nhức xương khớp, các bệnh do trúng phong hàn... Tuy nhiên vì có độc tính cao nên cây dược liệu ô đầu chỉ được dùng khi có chỉ định từ thầy thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.