Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính khá phổ biến trong cộng đồng. Cách điều trị chủ yếu là dùng thuốc đều đặn hằng ngày kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc. Theo đó, liều lượng của thuốc cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ qua các lần tái khám và theo dõi huyết áp, tránh tự ý sử dụng dẫn đến uống thuốc huyết áp quá liều, nguy hiểm đến sức khỏe.
1. Khi nào cần phải điều trị huyết áp?
Tất cả những người bị huyết áp cao được khuyên nên thay đổi lối sống lành mạnh. Việc dùng thuốc hay không còn tùy thuộc vào chỉ số huyết áp và nguy cơ phát triển các vấn đề như đau tim hoặc đột quỵ. Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu, đồng thời hỏi các câu hỏi về sức khỏe để xác định nguy cơ mắc các vấn đề khác.
Nếu huyết áp người bệnh luôn trên 140 / 90mmHg (hoặc 135 / 85 mmHg đo ở nhà) nhưng nguy cơ mắc các vấn đề khác thấp – người bệnh sẽ được khuyên nên thực hiện một số thay đổi đối với lối sống của mình
Nếu huyết áp người bệnh luôn trên 140 / 90mmHg (hoặc 135 / 85 mmHg đo ở nhà) và nguy cơ mắc các vấn đề khác cao – người bệnh cần phải được chỉ định thuốc để giảm huyết áp ngoài việc thay đổi lối sống
Nếu huyết áp người bệnh liên tục trên 160 / 100mmHg – người bệnh sẽ được chỉ định thuốc để giảm huyết áp ngoài việc thay đổi lối sống.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.2. Các thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để giúp kiểm soát huyết áp cao. Nhiều người cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc huyết áp khác nhau.
Nếu người bệnh dưới 55 tuổi, thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin-2 thường được chỉ định.
Nếu người bệnh từ 55 tuổi trở lên hoặc ở bất kỳ độ tuổi nào và có nguồn gốc từ Châu Phi hoặc Ca-ri-bê - thuốc chẹn kênh canxi sẽ có chỉ định.
Khi có chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh có thể phải dùng thuốc huyết áp trong suốt phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, bác sĩ có thể giảm hoặc ngừng điều trị nếu huyết áp vẫn được kiểm soát trong vài năm. Điều thực sự quan trọng là phải uống thuốc theo chỉ dẫn. Nếu bỏ lỡ liều, khả năng kiểm soát của thuốc sẽ gặp hạn chế.
Ngược lại, nếu tự ý tăng liều thuốc huyết áp do muốn hạ áp nhiều hơn chỉ dẫn của bác sĩ hay vô tình uống gấp đôi liều, tình trạng hạ áp quá mức hoặc tụt huyết áp cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
3. Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không?
Huyết áp thấp có vẻ đáng mơ ước, và đối với một số người, nó không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, đối với những người huyết áp cao, uống thuốc huyết áp quá liều gây huyết áp thấp bất thường (tụt huyết áp) có thể gây chóng mặt và ngất xỉu. Trong trường hợp nghiêm trọng, huyết áp thấp có thể đe dọa tính mạng.
Chỉ số huyết áp thấp hơn 90 mm thủy ngân (mmHg) đối với số trên cùng (tâm thu) hoặc 60 mmHg đối với số dưới (tâm trương) thường được coi là huyết áp thấp. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân vốn đã có huyết áp cao, khi chỉ số huyết áp vẫn trên 90 mmHg đã có các triệu chứng của hạ huyết áp nếu như uống thuốc huyết áp quá liều. Vì huyết áp giảm đột ngột có thể gây nguy hiểm, chỉ thay đổi 20 mm Hg - chẳng hạn như giảm từ 110 tâm thu xuống 90 mmHg tâm thu - có thể gây chóng mặt và ngất xỉu khi não không nhận đủ máu.
Các triệu chứng của tụt huyết áp khi uống thuốc huyết áp quá liều là chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí có thể ngất xỉu; nhìn mờ, buồn nôn, mệt mỏi và thiếu tập trung. Nếu tình trạng hạ huyết áp quá mức có thể dẫn đến tình trạng đe dọa tính mạng với các dấu hiệu nguy hiểm như sau, đòi hỏi cần có sự trợ giúp y tế khẩn cấp:
- Lú lẫn, đặc biệt ở người lớn tuổi
- Da lạnh, sần sùi, nhợt nhạt
- Thở nhanh, nông
- Mạch yếu và nhanh
Các thuốc hạ áp có thể gây huyết áp thấp thường gặp nhất là thuốc lợi tiểu (chẳng hạn như furosemide, hydrochlorothiazide), thuốc chẹn alpha (chẳng hạn như prazosin), thuốc chẹn beta (chẳng hạn như atenolol và propranolol), thuốc dãn mạch phổi (bao gồm sildenafil hoặc tadalafil) hay cả thuốc chống đau thắt ngực nitroglycerin.
Điều trị uống thuốc huyết áp quá liều chủ yếu là điều trị nâng đỡ, theo dõi sát huyết động của người bệnh, chờ qua thời gian bán hủy của thuốc và hệ tuần hoàn của cơ thể tự hồi phục. Tuy nhiên, nếu uống thuốc huyết áp quá liều dẫn đến hậu quả tụt huyết áp, đôi khi cần phải can thiệp y tế, nhất là khi người bệnh có các triệu chứng của thiếu máu tưới các cơ quan. Bù dịch tích cực qua đường tĩnh mạch nhằm giữ vững thể tích tuần hoàn hiệu quả là phương thức thực hiện đầu tiên. Một số trường hợp có thể cần phải dùng chất đối kháng hay lọc máu đào thải thuốc huyết áp đã uống, chủ yếu là trong các trường hợp cố ý uống thuốc huyết áp quá liều nhằm tự sát.
4. Các cách thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp
Có một số cách thay đổi có thể thực hiện đối với lối sống của mình để giảm huyết áp cao. Một số trong số này sẽ làm giảm huyết áp hiệu quả trong vài tuần, trong khi những cách khác có thể cần nhiều thời gian hơn để phát huy hiệu quả.
- Giảm muối: Cắt giảm lượng muối ăn vào xuống dưới 6g mỗi ngày, tức là khoảng một thìa cà phê.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Các thành phần dinh dưỡng cân bằng, ít chất béo - bao gồm nhiều trái cây tươi và rau quả.
- Tăng cường vận động, tập luyện thể thao
- Hạn chế rượu, bia cũng như uống ít caffeine hơn - có trong cà phê, trà và cola
- Giảm cân hay duy trì cân nặng lý tưởng
- Ngừng hút thuốc
Các biện pháp này có thể được thực hiện ngay hôm nay, bất kể một người có đang dùng thuốc huyết áp hay không. Trên thực tế, bằng cách thực hiện những thay đổi này sớm, một người có thể tránh phải dùng thuốc hạ áp hay việc kiểm soát huyết áp với thuốc trở nên ổn định hơn cũng như tránh nguy cơ uống thuốc huyết áp quá liều hoặc bị tác dụng phụ của thuốc.
Tóm lại, uống thuốc huyết áp an toàn là tuân thủ đúng về loại thuốc, liều lượng và tính đều đặn hằng ngày. Không có biện pháp nào giúp điều trị bệnh tăng huyết áp dứt điểm. Như vậy, thái độ tích cực thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ là các yếu tố tiên quyết giúp giữ huyết áp ổn định lâu dài.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng đăng ký khám trực tuyến trên Website để được phục vụ tốt nhất
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medlineplus.gov, medicalnewstoday.com, webmd.com