Sự nguy hiểm của bệnh lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ, một căn bệnh tự miễn phức tạp, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô khỏe mạnh. Bệnh không chỉ gây ra các tổn thương da đặc trưng mà còn xâm nhập sâu vào các nội tạng, gây viêm và suy giảm chức năng. Thận, tim, phổi, hệ thần kinh trung ương là những bộ phận thường bị tấn công. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ  chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bệnh lupus ban đỏ là gì?

Bệnh lupus ban đỏ (hay lupus ban đỏ hệ thống) là một bệnh lý tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Một số yếu tố có thể dẫn đến việc phát triển lupus ban đỏ bao gồm di truyền, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhiễm khuẩn và tác dụng phụ từ một số loại thuốc như thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống động kinh và kháng sinh. 

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn.
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn.

Bệnh lupus ban đỏ thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 50. Theo thống kê, cứ 100.000 người thì có khoảng 50 người mắc bệnh này, trong đó phần lớn là nữ giới, chiếm tới 90%.

Các triệu chứng của bệnh lupus bao gồm:  

  • Cảm giác mệt mỏi, sốt kéo dài, nổi ban đỏ với các mảng da đỏ dày.
  • Ban dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với ánh nắng.
  • Rụng tóc.
  • Loét miệng và mũi.
  • Đau và sưng khớp, cảm giác cứng khớp.
  • Khó thở.  
  • Đau ngực.  
  • Khô mắt.
  • Thiếu máu.
  • Giảm số lượng bạch cầu.
  • Có thể gây tổn thương ở tim, phổi, thận, não, hệ thần kinh và cơ quan sinh sản với các dấu hiệu đặc trưng.

2. Sự nguy hiểm của bệnh

Lupus ban đỏ là một căn bệnh viêm mãn tính có khả năng tác động đến nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm da, khớp, tim, thận, phổi, tế bào máu và não. Sự nguy hiểm của lupus ban đỏ thể hiện qua các biến chứng thường gặp như:

  • Về thận: Lupus ban đỏ tấn công và làm tổn thương nghiêm trọng các mô thận, gây ra suy thận. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người bệnh lupus. Một số triệu chứng tổn thương thận có thể là ngứa khắp cơ thể, buồn nôn và nôn, đau ngực, phù chân…
  • Về máu và mạch máu: Bệnh lupus có thể dẫn đến thiếu máu, đồng thời làm tăng nguy cơ chảy máu, rối loạn đông máu, tắc mạch và viêm mạch máu.
  • Lupus ban đỏ ảnh hưởng trực tiếp đến não và hệ thần kinh trung ương, khiến bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề như đau đầu, chóng mặt, ảo tưởng, thay đổi hành vi hoặc thậm chí bị đột quỵđộng kinh. Nhiều người bệnh cũng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và diễn đạt suy nghĩ.
  • Lupus có thể gây ra tình trạng xơ hóa lớp ngoài tim, tổn thương các van tim như van 2 lá và van 3 lá, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, dẫn đến các cơn đau tim. Trong một số trường hợp, bệnh tiến triển rất nhanh, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim cấp tính, suy tim cấp tính, thậm chí dẫn đến tử vong đột ngột do trụy tim.
  • Bệnh lupus dễ gây viêm phổi và viêm màng phổi cho người bệnh, từ đó dẫn đến tràn dịch màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, thuyên tắc phổi và xuất huyết phổi, gây đau đớn mỗi khi hít thở. Bên cạnh những biến chứng đã nêu, người bệnh còn có thể đối mặt với một biến chứng nghiêm trọng khác, đó là xuất huyết phế nang lan tỏa.
  • Biến chứng thai kỳ: Phụ nữ mắc bệnh lupus có nguy cơ cao bị sảy thai, thai chết lưu và sinh non. Những thai phụ có bệnh sử mắc bệnh thận sẽ có khả năng gặp phải tiền sản giật. Hơn nữa, khi sử dụng corticosteroids trong thai kỳ, phụ nữ mắc bệnh lupus dễ gặp phải tình trạng tăng huyết áp, tiểu đường và các vấn đề về thận. Đối với trẻ sinh ra từ mẹ mắc lupus, nếu có biểu hiện của lupus ban đỏ như ban đỏ dạng đĩa, bé có thể kèm theo các triệu chứng như rối loạn nhịp tim hoặc gan lách to.
  • Những biến chứng khác có thể xảy ra là: Điều trị lupus ban đỏ khiến hệ miễn dịch bị yếu đi, điều này làm tăng khả năng bị nhiễm khuẩn. Đồng thời, cũng làm tăng nguy cơ ung thư và gây hoại tử vô mạch tại các khớp xương, nhất là ở khớp háng.

Liệu bệnh nhân lupus có thể tử vong không? Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh ảnh hưởng đến tim, thận, phổi, hệ thần kinh,... có thể làm tăng khả năng tử vong của bệnh nhân.  

Lupus ban đỏ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khi mang thai.
Lupus ban đỏ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khi mang thai.

3. Người mắc bệnh sống được bao lâu?

Người mắc bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu? Sự sống của bệnh nhân dao động từ vài tháng đến vài năm, được quyết định bởi các yếu tố như sức khỏe tổng quát, tuổi tác và mức độ hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị. Để sống chung với lupus ban đỏ, người bệnh cần tái khám đều đặn, giữ mức độ căng thẳng thấp, ăn uống và tập luyện khoa học, nhằm ngăn ngừa các đợt tái phát của bệnh. 

Để sống chung với căn bệnh lupus ban đỏ, người bệnh cần lên lịch tái khám với bác sĩ.
Để sống chung với căn bệnh lupus ban đỏ, người bệnh cần lên lịch tái khám với bác sĩ.

Tiên lượng của bệnh nhân lupus ban đỏ đã được cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây, bệnh thường dẫn đến tử vong trong vòng 4 năm, thì ngày nay, với sự phát triển của y học, người bệnh có thể kỳ vọng một cuộc sống lâu dài và chất lượng. Thống kê cho thấy, hơn 95% bệnh nhân lupus hiện nay sống sót quá 10 năm.

Lupus ban đỏ là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng của người mắc bệnh. Việc phát hiện kịp thời và điều trị chính xác có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát căn bệnh này. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn từ bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe