Sỏi niệu quản là bệnh lý thường gặp, xuất hiện ở cả nam và nữ. Điều trị nội khoa là một phương pháp điều trị sỏi niệu quản được nhiều người lựa chọn. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về sử dụng thuốc điều trị sỏi niệu quản.
1. Thông tin về sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong đường niệu quản. Đa số do sỏi thận di chuyển xuống tạo thành, số ít do dị dạng đường tiết niệu gây nên.
Sỏi niệu quản hình thành từ các chất có trong nước tiểu như: canxi oxalat, canxi photphat, cysteine, axit uric hay struvite. Sỏi niệu quản có thể gây ra các triệu chứng: Đau thắt lưng, cơn đau quặn thận, tiểu máu, tiểu buốt, tiểu rắt, sốt, buồn nôn, nôn, ớn lạnh
2. Điều trị sỏi niệu quản
Để điều trị sỏi niệu quản cần xác định các yếu tố bao gồm:
- Kích thước, vị trí, hình dạng viên sỏi;
- Mức độ đau dựa theo lâm sàng và mức độ tắc nghẽn;
- Chức năng thận;
- Tình trạng nhiễm trùng.
Điều trị sỏi niệu quản bằng thuốc hoặc bằng các phương pháp can thiệp.
3. Sỏi niệu quản uống thuốc gì?
Bác sĩ sẽ dùng thuốc điều trị sỏi niệu quản trong trường hợp: Kích thước sỏi nhỏ, đường kính < 10mm, bề mặt nhẵn, chức năng thận bình thường. Điều trị bằng thuốc trong khoảng 4 - 6 tuần.
Một số nhóm thuốc thường được dùng để điều trị sỏi niệu quản:
- Thuốc giảm đau sỏi niệu quản, chống viêm: Thuốc kháng viêm non-steroid (diclofenac), nhóm á phiện (tramadol, meperidine)
- Thuốc giãn cơ trơn: Làm giãn cơ trơn niệu quản, giảm cường độ co bóp của cơ trơn niệu quản, từ đó hỗ trợ giảm đau (drotaverin, alverin citrat)
- Thuốc làm tan sỏi: Hỗn hợp các chất tecpen (pinen, fenchone, camphen, cineol, borneol, anethol) làm tan và tống sỏi, tăng lưu lượng máu qua thận, tăng lượng nước tiểu, giảm viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Thuốc giúp tống sỏi ra ngoài: Dùng nifedipin hay tamsulosin sẽ giảm co thắt cơ trơn, giúp tống sỏi dễ hơn. Dùng corticosteroid làm giảm phù nề giúp tống sỏi dễ hơn.
- Thuốc kiềm hóa nước tiểu
- Thuốc làm giảm nồng độ các khoáng chất
- Thuốc lợi tiểu
- Kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu
4. Điều trị sỏi niệu quản bằng phương pháp can thiệp
Điều trị can thiệp sỏi niệu quản khi sỏi có kích thước lớn, ứ nước, giãn đài bể thận, không đáp ứng với dùng thuốc, nguy cơ tắc nghẽn hay nhiễm khuẩn. Các phương pháp:
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Tán sỏi nội soi ngược dòng
- Tán sỏi qua da
- Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
- Mổ mở lấy sỏi niệu quản
5. Những lưu ý cho bệnh nhân bị sỏi niệu quản
Uống đầy đủ nước mỗi ngày
Hạn chế ăn muối, ít hơn 2g mỗi ngày.
Hạn chế ăn: Thức ăn đóng hộp, cá muối, thịt muối, thịt bò, thịt trâu, thịt dê
Ăn nhiều trái cây, rau củ quả tươi xanh
Không nhịn tiểu
Vận động thể chất thường xuyên
Khám bệnh định kỳ để phát hiện sỏi niệu quản sớm và sớm điều trị
Sỏi niệu quản có thể điều trị nội khoa hoặc bằng các phương pháp can thiệp. Khi điều trị nội khoa sỏi niệu quản cần tích cực và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu còn thắc mắc về thuốc điều trị sỏi niệu quản.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi niệu quản
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.