Giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Chắc hẳn bạn không muốn mang đôi mắt “gấu trúc”, tinh thần rệu rã để bắt đầu một ngày làm việc, học tập mới vì thiếu ngủ. Để có một chất lượng cuộc sống tốt hãy tham khảo những phương pháp ngủ ít mà không mệt.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Vũ Duy Dũng, Bác sĩ Nội Thần kinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Ngủ bao nhiêu được coi là đủ?
Ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có thời lượng giấc ngủ khác nhau, càng nhỏ tuổi càng cần có nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ.
- Đối với trẻ sơ sinh quỹ thời gian cho giấc ngủ là từ 11-17h
- Thanh thiếu niên cần từ 9-12h ngủ để hỗ trợ phát triển tinh thần cũng như thể chất
- Với đa số người trưởng thành cần ngủ đủ từ 7 giờ đến 8 giờ một ngày để có được sức khỏe tối ưu. Trong khi đó thời gian ngủ thích hợp với người già là 7-8h.
Một giấc ngủ trọn vẹn là rất cần thiết cho sức khỏe của mỗi người, tuy nhiên công việc bận rộn và áp lực cuộc sống khiến nhiều người không có thời gian cho giấc ngủ hoặc thậm chí mất ngủ. Họ có xu hướng tìm đến các phương pháp ngủ ít mà không mệt. Liệu các phương pháp ấy có thực sự hiệu quả?
Trước tiên, hãy đến với một vài phương pháp ngủ ít mà vẫn tỉnh táo được nhiều người áp dụng:
1.1 Phương pháp ngủ theo chu kỳ giấc ngủ (hay còn gọi là phương pháp ngủ 4 tiếng 1 ngày)
Đối với người trưởng thành, một giấc ngủ kéo dài khoảng 5 – 6 chu kỳ và mỗi chu kỳ kéo dài 90 phút. Trong một chu kỳ giấc ngủ trải qua 5 giai đoạn như sau: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ.
Thời gian ngủ tối đa dành cho người trưởng thành là 6 chu kỳ liên tục, tức là 9 giờ đồng hồ mỗi đêm và thời gian ngủ tối thiểu là 3 chu kỳ, tức khoảng 4,5 giờ.
Bằng cách tính toán, thay đổi số lượng chu kỳ như mong muốn không vượt quá 6 và nhỏ hơn 3, kết quả là khoảng thời gian ngủ của bạn sẽ nằm trong giai đoạn ngủ mơ. Đây chính là nguyên nhân người trưởng thành ngủ ít không mệt.
Lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế không có bằng chứng nào cho thấy cơ thể của bạn có thể thích nghi với giấc ngủ ngắn trong thời gian dài, việc các cơ quan trong cơ thể có thể thích ứng và hoạt động bình thường khi ở trong giấc ngủ như vậy hay không cũng vẫn chưa có lời giải đáp.
Bên cạnh đó, việc tính toán chính xác thời gian ngủ hợp lý không dễ dàng và bạn cũng sẽ không thể chắc chắn liệu mình có tỉnh giấc đúng giờ hay không.
Tùy vào thể trạng cơ thể mà ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển các rủi ro như: phiền muộn, tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch,...
1.2 Phương pháp thứ 2: Chia nhỏ giấc ngủ và ngủ nhiều giấc trong ngày
Ngủ nhiều lần trong một ngày thay vì một lần mỗi đêm được gọi là ngủ đa pha. Một trong những chương trình ngủ đa pha phổ biến nhất bao gồm sáu giấc ngủ ngắn 20 phút cách đều nhau trong ngày với tổng cộng 3 giờ/ngày.
Nhiều người áp dụng cách ngủ này cho rằng giấc ngủ đa pha giúp ngủ hiệu quả hơn, có được thời gian nghỉ ngơi phù hợp và tránh cho tinh thần mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ trong khoảng thời gian nhỏ cố định như vậy. Điều này không những không giúp bạn tỉnh táo mà ngược lại còn có thể gây ra chứng mất ngủ.
2. Làm thế nào để ngủ ít hơn nhưng vẫn có nhiều năng lượng?
Rõ ràng cắt bớt thời gian ngủ không phải là một ý tưởng hay và cũng không có biện pháp nào giúp bạn rút ngắn thời gian ngủ mà vẫn đảm bảo năng lượng. Thay vào đó bạn có thể thực hiện một số hoạt động để nâng cao hiệu quả giấc ngủ, tránh mất ngủ như:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng, đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể
- Loại bỏ các thiết bị điện tử như điện thoại và tránh ánh đèn quá sáng trong phòng để dễ đi vào giấc ngủ hơn
- Hạn chế sử dụng rượu bia và cafein
- Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng để khởi động cơ bắp, tăng tuần hoàn máu và quên đi cơn buồn ngủ.
Trên đây là những phương pháp ngủ ít mà không mệt, bạn có thể tham khảo và áp dụng theo để có được chất lượng cuộc sống tốt nhất.