Sinh thiết tủy xương và chọc hút tủy xương là các thủ thuật lấy mẫu và khảo sát tủy xương - mô xốp bên trong các xương lớn. Chúng có thể cho bác sĩ biết liệu tủy xương của người bệnh có khỏe mạnh và tạo đủ các tế bào máu không? Bên cạnh đó, thủ thuật này thường đánh giá các bệnh về máu và tủy xương như ung thư và sốt không rõ nguyên nhân. 2 kỹ thuật này thường được thực hiện cùng một lúc vì chúng bổ trợ cho nhau.
1. Những ai cần làm thủ thuật sinh thiết tủy xương và chọc hút tủy xương?
Những đối tượng cần thực hiện sinh thiết tủy xương và chọc hút tủy xương bao gồm:
- Các tình trạng về tế bào máu như tình trạng giảm hồng cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu và đa hồng cầu không rõ nguyên nhân;
- Ung thư máu hoặc tủy xương, bao gồm: Bệnh bạch cầu, u lympho và đa u tủy;
- Ung thư di căn từ các vùng khác như ung thư vú di căn vào tủy xương;
- Rối loạn ứ sắt nguyên phát;
- Sốt không rõ nguyên nhân.
2. Những ai không nên làm thủ thuật sinh thiết tủy xương?
Không có chống chỉ định tuyệt đối với sinh thiết và chọc hút tủy xương. Tuy nhiên, cần lưu ý một số chống chỉ định tương đối như sau:
- Nhiễm trùng vị trí chọc, thường là mào chậu sau;
- Giảm tiểu cầu và các bệnh đông máu;
- Sinh thiết ở xương ức có thể thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt nhưng không thường quy vì vấn đề tâm lý bệnh nhân cũng như nguy cơ cao hơn.
3. Thủ thuật sinh thiết tủy xương và chọc hút được thực hiện như thế nào?
Khảo sát tủy xương thường được thực hiện ở khu điều trị ngoại trú. Các chuẩn bị đặc biệt thường không cần thiết. Đầu tiên, cần chắc chắn xác định đúng bệnh nhân và giải thích về thủ thuật, đồng thời kiểm tra sinh hiệu trước thủ thuật.
3.1. Chọc hút tủy xương
- Bệnh nhân nằm sấp hoặc nằm nghiêng;
- Xác định vị trí chọc, thường là đỉnh chóp của mặt sau xương chậu (mào chậu sau);
- Sát khuẩn và gây tê vị trí lấy mẫu;
- Rạch một đường nhỏ ở da để đưa một cây kim rỗng qua xương và đi vào tủy xương;
- Sau đó, bác sĩ sẽ gắn ống tiêm vào kim và hút mẫu dịch lỏng của tủy xương;
- Thủ thuật kéo dài khoảng vài phút.
3.2. Sinh thiết tủy xương
- Có thể lấy mẫu cùng vị trí rạch da ở trên nhưng kim đi vào với một góc khác và sử dụng một loại kim có kích cỡ lớn hơn để lấy mẫu mô đặc của tủy xương.
- Bác sĩ sẽ xoay kim theo chiều kim đồng hồ cho đến khi lấy được mẫu mô (Mẫu mô khoảng 2 cm chiều dài);
- Sau đó, bác sĩ sẽ rút hoàn toàn kim ra ngoài và đè ép vị trí tiêm.
4. Theo dõi sau thủ thuật sinh thiết và chọc hút tủy xương
Theo dõi sau thủ thuật sinh thiết và chọc hút tủy xương ấn nhẹ lên vị trí đâm kim để giúp cầm máu (khoảng vài phút hoặc lâu hơn nếu bệnh nhân có bệnh đông máu), sau đó băng vị trí này lại bằng gạc vô khuẩn. Gạc vô khuẩn có thể tháo bỏ sau 24 giờ nhưng cần theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng và chảy máu muộn tại vị trí lấy mẫu.
Bệnh nhân có thể cảm thấy đau trong 1 tuần hoặc lâu hơn sau khi khảo sát tủy xương. Hãy trao đổi với bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau.
Bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ nếu có dấu hiệu như:
- Chảy máu không ngừng dù đã ấn trực tiếp lên vị trí thực hiện thủ thuật;
- Sốt kéo dài;
- Sưng tại vị trí thực hiện thủ thuật;
- Đỏ hoặc chảy dịch nhiều hơn tại vị trí thực hiện thủ thuật.
Tóm lại, sinh thiết tủy xương và chọc hút tủy xương là một xét nghiệm nhằm chẩn đoán các bệnh lý về máu, rối loạn di truyền. Kết quả sinh thiết tủy xương sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị cho người bệnh. Vì thế, người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại để thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bone marrow biopsy and aspiration - Mayo Clinic
- Bone Marrow Aspiration and Biopsy | NEJM (remotexs.co)