Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm bìu là phương pháp được chỉ định đầu tiên nhằm xác định mức độ giãn thừng tinh. Ngoài ra, siêu âm và chụp CT ổ bụng được sử dụng kết hợp nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, có hay không các khối u gây chèn ép tĩnh mạch thừng tinh.
1. Thế nào là giãn tĩnh mạch thừng tinh?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh bị giãn ra (kích thước bình thường là từ 2mm trở xuống).
Ở giai đoạn sớm, bệnh không có các triệu chứng đặc biệt, thường phát hiện sau khi khám vô sinh. Ở giai đoạn muộn bệnh có biểu hiện đau tinh hoàn, sờ thấy búi tĩnh mạch giãn ra ở bìu, một bên tinh hoàn có kích thước lớn hơn bên còn lại.
Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh gặp chủ yếu ở tuổi vị thành niên (8 - 19%) và trưởng thành (trung bình 15%) và trở thành một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh ở nam giới.
2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh
Tĩnh mạch thừng tinh được cung cấp máu bởi các nhánh mào tinh hoàn. Đám rối tĩnh mạch được hình thành nhờ sự kết hợp các tĩnh mạch riêng lẻ, quấn xoắn chằng chịt đi trong thừng tinh. Các tĩnh mạch này đi lên dần và tập hợp thành nhánh lớn, bên trái đổ vào tĩnh mạch thận và bên phải đổ vào tĩnh mạch chủ bụng. Tại tĩnh mạch thừng tinh có chứa các van, ngăn chặn máu trào ngược về tinh hoàn.
Một số nam giới không có van hoặc thiểu năng hệ thống van gây ra hiện tượng máu tràn ngược từ tĩnh mạch thận vào đám rối tĩnh mạch tinh làm giãn tĩnh mạch thừng tinh. Điều này làm thay đổi môi trường phát triển của tinh trùng. Hệ quả là gây ra vô sinh ở nam giới với tỷ lệ 30% số người mắc bệnh.
3. Siêu âm giãn tĩnh mạch thừng tinh
Siêu âm bìu, cụ thể siêu âm Doppler màu bìu là phương pháp được chỉ định đầu tiên trong chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Bệnh được chẩn đoán khi có tĩnh mạch đường kính > 2,5mm và thường phối hợp với nghiệm pháp Valsalva để đánh giá các trường hợp kín đáo.
4. Siêu âm ổ bụng và chụp CT ổ bụng trong chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh
Siêu âm ổ bụng và chụp CT ổ bụng có tác dụng chẩn đoán phân biệt giãn tĩnh mạch thừng tinh nguyên phát và thứ phát. Mục đích là tìm các nguyên nhân thứ phát gây giãn tĩnh mạch thừng tinh mà chủ yếu là do các khối u sau phúc mạc hoặc ở tiểu khung.
5. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ được điều trị hiệu quả bằng can thiệp ngoại khoa với mục đích tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng tỷ lệ thụ thai thành công cho các cặp vợ chồng. Các can thiệp ngoại khoa thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Giãn tĩnh mạch tinh có triệu chứng đau tức vùng bẹn bìu kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt và khả năng lao động.
- Giãn tĩnh mạch tinh có teo tinh hoàn
- Giãn tĩnh mạch tinh trên các cặp vợ chồng vô sinh
- Giãn tĩnh mạch tinh có bất thường về tinh dịch đồ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.