Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn - Trưởng đơn nguyên Chẩn đoán hình ảnh can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp X-quang răng là kỹ thuật chụp hình ảnh của răng, xương và mô mềm quanh răng. Hình ảnh chụp x quang răng sẽ giúp các bác sĩ phát hiện các vấn đề về răng như bị sâu răng, áp xe, nang, thậm chí là u. Ngoài ra chụp X quang răng còn giúp các bác sĩ theo dõi quá trình nắn chỉnh nha, làm răng thẩm mỹ.
1. Các loại chụp X quang răng
Những loại chụp X quang răng được sử dụng một cách phổ biến như là: Chụp X quang quanh chóp, chụp X quang cắn, chụp X quang toàn cảnh Chụp X quang cánh cắn...
Lần kiểm tra răng miệng đầu tiên sẽ được chụp X quang quanh chóp. Kiểm tra liên quan đến răng sâu sẽ được áp dụng kỹ thuật chụp cánh cắn. Chụp X quang toàn cảnh đôi khi sẽ được thực hiện. Tùy thuộc vào độ tuổi và dấu hiệu bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại chụp X quang răng phù hợp.
2. Mục đích của việc chụp X quang răng
● Phát hiện những vấn đề như: Răng sâu, chân răng bị gãy, xương răng bị tổn thương.
● Phát hiện những vị trí răng mọc lệch hay những chiếc răng mọc sâu vào trong nướu.
● Tìm ra u nang, theo dõi sự tăng trưởng bất thường.
● Chụp X quang răng còn giúp các bác sĩ kiểm tra vị trí của những chiếc răng phát triển trong hàm ở những trẻ còn mọc răng sữa.
● Hỗ trợ trong phẫu thuật tủy răng, cấy ghép răng, hoặc nhổ những chiếc răng khó sâu bên trong.
● Hỗ trợ phương pháp chỉnh nha khi răng bị mọc lệch.
Chụp X quang răng rất quan trọng trong việc phát hiện sự sâu trong răng ở những giai đoạn đầu tiên của bệnh.
Khi nào thì đi chụp x quang răng:
Đối với những ai không bị sâu răng:
● Người lớn nên thực hiện chụp X quang răng từ 2 - 3 năm một lần.
● Thanh thiếu niên nên thực hiện chụp X quang rang 1 – 3 năm một lần.
● Trẻ em nên thực hiện chụp X quang răng 1 năm một lần.
Đối với những ai đang bị sâu răng:
● Người lớn nên thực hiện chụp X quang thường xuyên 6 tháng – 1 năm một lần.
● Trẻ em nên thực hiện chụp X quang 6 tháng – 1 năm một lần.
3. Quy trình chụp X quang răng được thực hiện như thế nào?
3.1. Trước khi thực hiện chụp X quang răng
Bạn không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt trước khi chụp X quang răng.
Trường hợp bạn đã chụp X quang gần đây, hãy gửi những bản sao ảnh X quang trước đó cho bác sĩ. Và bạn không cần phải thực hiện chụp X quang nữa.
Trường hợp bạn đang mang thai, chụp X quang răng sẽ được trì hoãn. Tuy nhiên, trong trường hợp chụp X quang bắt buộc phải thực hiện, bạn cần mặc áo chì hoặc đeo tạp dề chì để che phủ hết phần bụng để tránh sự ảnh hưởng của tia X tới thai nhi.
3.2. Quy trình chụp X quang răng
Toàn bộ quy trình chụp X quang răng thực hiện ở phòng khám nha khoa, các bước được thực hiện như sau:
● Mặc áo chì: Nha sĩ sẽ cho bạn mặc áo chì hoặc đeo một cái tạp dề chì, tránh sự tác động của tia X tới những vùng khác của cơ thể. Ngoài ra, bạn sẽ che vùng cổ bằng một tấm vải thyroid shield hoặc cổ chì để bảo vệ tuyến giáp khỏi tác động của tia X.
● Khi chụp X quang răng chỉ nên có 1 kỹ thuật viên hoặc 1 nha sĩ và bệnh nhân, tất cả mọi người khác nên đi ra khỏi phòng. Kỹ thuật viên và nha sĩ cũng được mặc áo hay tạp dề, đeo cổ chì giống như bệnh nhân để tránh sự tác động của tia X tới họ.
● Nha sĩ sẽ cho bạn ngậm miếng bìa cứng hay bìa nhựa. Bìa này có tác dụng giữ phim X quang khi chụp. Máy chụp X quang sử dụng máy ảnh bao quanh đầu và chụp hình răng khi ngồi hoặc đứng
● Bạn có thể súc miệng trước khi chụp X quang răng.
Ở một số nơi sẽ sử dụng hình ảnh kỹ thuật số. Thay vì sử dụng phim X quang truyền thông cách này sẽ sử dụng máy cảm biến điện tử. Hình ảnh chụp được sẽ được lưu giữ trong máy tính và có thể theo dõi qua màn hình máy tính. Chụp ảnh kỹ thuật số sẽ sử dụng tia bức xạ ít hơn chụp X quang răng truyền thống.
4. Hướng dẫn đọc kết quả chụp X quang
Sau khi thu được hình ảnh chụp X quang răng, nha sĩ sẽ xem hình ảnh và đọc kết quả:
4.1 Kết quả bình thường
● Không phát hiện răng sâu
● Kiểm tra không tìm thấy tổn hại đến xương hỗ trợ răng
● Không phát hiện chấn thương như gãy răng hay xương hàm
● Không phát hiện thấy khối u hay ổ viêm
● Không phát hiện răng mọc lệch vị trí
4.2 Kết quả bất thường
● Phát hiện răng sâu bên trong
● Phát hiện ra những tổn hại đến xương hỗ trợ răng
● Phát hiện chấn thương như gãy răng hay xương hàm
● Phát hiện u nang, khối u hay mụn nhọt
● Phát hiện răng cấm, răng thêm và răng mọc lệch.
Kết luận, chụp X quang răng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện ở các vấn đề về răng như bị sâu răng, áp xe, nang, thậm chí là u ngay ở giai đoạn đầu tiên của bệnh. Ngoài ra chụp X quang răng còn giúp các bác sĩ theo dõi quá trình nắn chỉnh nha, làm răng thẩm mỹ. Quy trình chụp X quang răng cũng được thực hiện khá nhanh gọn và hiệu quả. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ với nha sĩ để được giải đáp kịp thời.