Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh.
Thận là bộ phận quan trọng, giữ nhiều nhiệm vụ trong cơ thể, vì vậy bệnh thận là một trong những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Trong các xét nghiệm cận lâm sàng thì siêu âm thận là phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu trong việc phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý ở thận.
1. Kỹ thuật siêu âm thận là gì?
Siêu âm thận là một phần riêng biệt trong kỹ thuật siêu âm nói chung, bằng cách sử dụng các sóng âm có tần số lớn để tái tạo lại hình ảnh của thận dưới góc nhìn trắng đen, thông qua đó chẩn đoán được những bệnh lý bất thường liên quan đến thận.
Siêu âm có giá trị trong việc phát hiện sớm các bệnh lý, góp phần chẩn đoán xác định bệnh và giúp bác sĩ lâm sàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Kết quả siêu âm thận bình thường sẽ miêu tả những đặc điểm của 2 bên thận như: vị trí thận bình thường hay bất thường, kích thước to hay nhỏ, đặc điểm của các cấu trúc nhu mô thận cũng như mối liên quan với các tạng lân cận.
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong quá trình thực hiện siêu âm thận có thể sử dụng nhiều mặt cắt khác nhau để ghi nhận một cách đầy đủ các vấn đề liên quan đến thận. Có 3 mặt phẳng cắt khác nhau là mặt phẳng dọc, mặt phẳng ngang và mặt phẳng chếch.
- Thận bên phải được khảo sát đầu tiên bằng mặt phẳng dọc trước bên, lấy gan làm cửa sổ âm. Sau đó tiến hành quét ở phía sau ghi nhận cực dưới thận. Trong quá trình siêu âm thận bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân hít thở sâu để thận tách khỏi xương sườn và hơi trong đường ruột.
- Thận trái yêu cầu quét từ phía sau nhiều hơn thận phải. Cực trên thận trái cần quét qua lách và cơ thắt lưng nên làm giảm chất lượng hình ảnh. Yêu cầu khi siêu âm thận trái là bệnh nhân nằm nghiêng, người hơi vặn vào trong để thấy được toàn bộ quả thận.
2. Siêu âm thận chẩn đoán được bệnh lý nào?
Siêu âm thận là phương tiện dễ thực hiện, không xâm lấn, an toàn cho người bệnh. Siêu âm thận có thể phát hiện được các tình trạng bệnh lý ở thận như sau:
- Kích thước thận thay đổi như sưng to hay bị teo nhỏ;
- Sỏi đường tiết niệu;
- Thận ứ nước;
- Thận đa nang;
- Áp xe thận
- Viêm cầu thận cấp tính và mãn tính;
- Hội chứng thận hư;
- Suy thận
Tuy nhiên, đa số các bệnh lý trên khi ở giai đoạn đầu mới khởi phát bệnh thì hình ảnh bất thường trên siêu âm thận thường chưa biến đổi cấu trúc rõ ràng. Do đó, siêu âm thận phải kết hợp với các xét nghiệm khác như chụp X quang, chụp CT thận, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng thận để đưa đến chẩn đoán chính xác nhất
Bên cạnh đó, ngoài là công cụ giúp chẩn đoán bệnh thì siêu âm thận còn dùng để theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân vì siêu âm có thể lặp lại nhiều lần mà không gây hại cho cơ thể.
3. Chỉ định siêu âm thận trong trường hợp nào?
Siêu âm thận là một phần trong siêu âm ổ bụng tổng quát, là xét nghiệm thường quy khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, khi bệnh nhân xuất hiện một số dấu hiệu bất thường sau thì bác sĩ có thể chỉ định siêu âm thận để đánh giá bệnh:
- Tiểu ra máu đại thể
- Khó tiểu, bí tiểu hoàn toàn, tiểu gắt buốt hoặc tiểu lắt nhắt.
- Thay đổi bất thường của nước tiểu như nước tiểu đổi màu, nước tiểu đục như mủ, cặn trong nước tiểu nhiều hoặc tiểu bọt...
- Đau bụng vùng hông lưng, vị trí của thận.
- Chấn thương vùng bụng do tai nạn giao thông hoặc tai nạn bất kỳ.
- Thay đổi huyết áp đột ngột mà không giải thích được bằng bệnh lý khác.
- Không thấy thận hoặc thận nằm sai vị trí khi chụp X quang hoặc CT bụng.
- Tiền sử từng mắc các bệnh lý về thận: suy thận, thận đa nang.
- Theo dõi diễn tiến, tình trạng thận.
4. Siêu âm thận có cần nhịn tiểu
Siêu âm thận có thể được chỉ định trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp, khi đó bệnh nhân không cần phải chuẩn bị gì trước khi tiến hành siêu âm thận, tuy nhiên kết quả đôi khi không chính xác.
Để kết quả siêu âm được chính xác nhất, tránh ảo ảnh, bệnh nhân cần chuẩn bị một số yêu cầu nhất định trước khi tiến hành siêu âm thận: uống nhiều nước, nhịn tiểu để bàng quang căng to và nên thực hiện siêu âm lúc đói (bệnh nhân nhịn ăn 6-8 tiếng)
Điều kiện lý tưởng nhất để siêu âm thận vào buổi sáng, khi bệnh nhân đã nhịn ăn từ chiều tối hôm trước, thức ăn cũ đã tiêu hóa hoàn toàn, tránh được các hình ảnh gây nhiễu trong quá trình siêu âm.
Khi bệnh nhân uống nhiều nước và nhịn tiểu trước siêu âm, bàng quang sẽ căng to làm cửa sổ phản âm để so sánh với những bất thường trên nhu mô thận nếu có (đặc biệt là sỏi thận). Nhất là nên uống 3 ly nước 230ml và nhịn tiểu ít nhất 1 giờ trước khi siêu âm.
Hi vọng qua thông tin bài viết trên, độc giả có thể hiểu được quy trình siêu âm thận diễn ra như thế nào và việc siêu âm thận có cần nhịn tiểu hay không?
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.