Run là cử động nhịp nhàng, không tự chủ của các nhóm cơ, thường xuất hiện ở vị trí bàn tay, chân, đầu, mặt, dây thanh quản hoặc thân mình. Mỏi cũng như run chân khi đứng có thể do nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Điều trị run chân cần phối hợp nhiều biện pháp, bao gồm chế độ ăn uống, thuốc và thư giãn.
1. Run chân khi đứng là gì?
Run là cử động nhịp nhàng, không tự chủ của các nhóm cơ ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, thường xuất hiện ở vị trí bàn tay, chân, đầu, mặt, dây thanh quản, hoặc thân mình. Run chân và tay thường được nhận thấy rõ nhất. Có 3 loại run chính bao gồm:
- Run khi nghỉ ngơi hoặc run “tĩnh trạng” (static tremors): Xảy ra khi một bộ phận đang trong giai đoạn nghỉ ngơi. Ví dụ như run chân khi nghỉ, run tay khi nghỉ. Run tĩnh trạng thường là triệu chứng của bệnh Parkinson, đặc biệt là run khu trú ở cằm, run dây thanh âm là run giọng nói hoặc run một bên chân.
- Run “động” (kinetic tremors), bao gồm cả run chủ ý (intention tremors): Run xuất hiện khi người bệnh đang cử động tay, chân hoặc một bộ phận nào đó đang bị thương tổn của cơ thể. Run sẽ biến mất khi nghỉ ngơi. Run có chủ ý là triệu chứng gợi ý bệnh lý tiểu não, nhưng cũng có thể gặp trong bệnh Wilson hoặc do nguyên nhân xơ cứng rải rác.
- Run tư thế (Postural tremors) là triệu chứng run khi người bệnh giữ tay hoặc chân ở một tư thế đặc biệt trong khoảng thời gian nhất định, ví dụ như run chân khi đứng, run tay khi duỗi thẳng. Run tư thế gợi ý nguyên nhân run vô căn hoặc run sinh lý nếu khởi phát run ngày càng tăng dần. Ngoài ra, run tư thế có thể gặp trong bệnh lý nhiễm độc hoặc chuyển hóa nếu khởi phát đột ngột.
- Run vô căn hay run bản chất (essential tremor) thường xảy ra ở người cao tuổi, không do nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn. Run vô căn ít khi xuất hiện nếu không sử dụng đến tay, mà sẽ biểu hiện rõ hơn khi cố gắng làm thực hiện hành động nào đó, chẳng hạn như khi đang viết hoặc với tay lấy một vật gì. Run vô căn nếu nghiêm trọng có thể chẩn đoán nhầm với bệnh Parkinson nhưng thường được phân biệt dựa trên các đặc điểm riêng của mỗi bệnh.
- Run có tính chất gia đình (familial tremor) thường xảy ra ở nhiều thành viên trong cùng một gia đình.
2. Nguyên nhân dẫn đến rung chân khi đứng
Run có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường xảy ra ở người cao tuổi hơn so với người trẻ. Mỏi chân và run chân khi đứng có thể do nguyên nhân sinh lý và bệnh lý.
2.1. Run chân do nguyên nhân sinh lý
Run chân sinh lý là tình trạng run tư thế hoặc run động trạng đối xứng cả hai bên, biên độ thường mềm mại, xảy ra ở những người khỏe mạnh. Run sinh lý trở nên đáng kể chỉ khi có mặt của các yếu tố gây stress, bao gồm:
- Thiếu ngủ;
- Lo lắng;
- Mệt mỏi;
- Tập luyện;
- Lão hóa tự nhiên;
- Lạm dụng rượu bia, nghiện rượu;
- Đang trong giai đoạn cai rượu;
- Sử dụng thuốc ức chế thần kinh trung ương, ví dụ như Benzodiazepine, Opioid;
- Sử dụng các một số loại thuốc như các chất chủ vận beta-adrenergic, valproate, theophylline, corticosteroids,...;
- Uống caffein hoặc các chất kích thích như amphetamine, cocaine, phencyclidine.
2.2. Run chân do nguyên nhân bệnh lý
Có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý gây ra run và mỏi chân, trong đó phổ biến nhất là:
- Một số bệnh lý gây ra triệu chứng run, ví dụ như cường giáp;
- Hạ đường huyết;
- Bệnh Parkinson – đây là nguyên nhân điển hình về tình trạng run khi nghỉ ngơi và thường có đi kèm với các triệu chứng như cứng cơ (tăng trương lực cơ), cử động chậm chạp và dáng đi bất thường;
- Rối loạn chức năng tiểu não do chấn thương, đột quỵ hoặc xơ cứng rải rác
- Đa xơ cứng (Multiple sclerosis).
3. Run chân khi đứng, lúc nào cần đi khám?
Run có thể là dấu hiệu hoàn toàn bình thường khi stress, lo âu, mệt hoặc ngay cả khi giận dữ. Tuy nhiên, nếu tình trạng run xuất hiện mà không đi kèm với những biến đổi về trạng thái cảm xúc thì run có thể là triệu chứng của một bệnh lý và cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Do đó, điều quan trọng là phải loại trừ được những nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn gây ra run trước khi kết luận run do nguyên nhân sinh lý và run vô căn. Người bị run chân khi đứng cần đi khám ngay nếu có một trong những dấu hiệu sau:
- Run chân khởi phát đột ngột;
- Run chân mới khởi phát ở người < 50 tuổi và không có tiền sử run gia đình;
- Run xảy ra thêm ở một vị trí khác của cơ thể ví dụ như ở lưỡi và đầu;
- Người bệnh ngoài run giật còn xuất hiện các cử động không tự ý khác;
- Run kéo dài, run chân nặng và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày;
- Run nặng hơn khi đứng yên và giảm bớt khi đi lại;
- Run chân xuất hiện cùng lúc với những triệu chứng khác như yếu mệt, nhức đầu, liệt vận động, liệt thần kinh sọ, loạn vận ngôn, thay đổi trạng thái tinh thần, thất điều dáng đi hoặc đi kèm với các cử động không tự ý khác;
- Nhịp tim nhanh và kích động.
4. Điều trị run chân khi đứng
Điều trị run chân và mỏi chân phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra như sau:
- Nếu run chân do stress, lo âu thì nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để hạn chế tối đa những căng thẳng, áp lực. Mỗi ngày dành 30 phút để thực hiện các bài tập thư giãn như yoga, ngồi thiền hoặc hít thở sâu và chậm (deep relaxation). Ngoài ra, ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày ngày, ngâm mình trong nước ấm, tắm dưới vòi hoa sen hoặc nghe nhạc nhẹ, đọc sách báo, xem phim, gặp gỡ và trò chuyện với người thân, bạn bè... cũng là biện pháp hiệu quả giúp thư giãn;
- Tránh xa các chất gây kích thích hệ thần kinh và làm nặng triệu chứng run ví dụ như trà đặc, cà phê, rượu bia, ma túy,...;
- Đối với run do thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc giảm liều, ngưng thuốc hoặc đổi sang dùng loại thuốc khác. Tuyệt đối không được tự ý bỏ uống thuốc nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ;
- Đối với run vô căn và run gia đình, các loại thuốc được chọn lựa trong điều trị như gabapentin, beta-blockers, primidone,...;
- Đối với run do lạm dụng bia rượu, người bệnh cần đến bệnh viện điều trị và tham gia vào các chương trình cai rượu;
- Khi uống thuốc không có tác dụng hoặc kèm thêm run vùng đầu cổ, run tiếng nói thì có thể phải dùng đến phẫu thuật. Dùng điện cực kích thích vùng đồi thị của não bộ hoặc phá hủy một phần vùng đồi thị (thalamotomy) là các phương pháp có thể sử dụng.
Tóm lại, run có thể là dấu hiệu bình thường khi stress, lo âu hoặc mỏi. Nhưng nếu tình trạng run xuất hiện đi kèm với các dấu hiệu bất thường khác mà không liên quan đến trạng thái cảm xúc thì người bệnh cần đi khám để bác sĩ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.