Quy trình chụp X quang xương đùi thẳng nghiêng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Các chấn thương dẫn đến gãy xương đùi thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định chụp X-quang để chẩn đoán vị trí và kiểu gãy xương. Vậy chụp X-quang xương đùi được thực hiện như nào và người bệnh cần làm gì trong quá trình chụp để buổi chụp X-quang diễn ra thuận lợi nhất?

1. Khi nào bác sĩ chỉ định chụp X-quang xương đùi thẳng nghiêng?

Xương đùi là xương dài, chắc khỏe nhất nằm trong khối cơ lớn được nhiều mạch máu nuôi dưỡng. Cấu tạo xương đùi bao gồm: Thân xương, đầu trên và đầu dưới xương đùi.

  • Thân xương: Cong và lồi ra trước, có ba mặt và ba bờ
  • Đầu trên: Bao gồm 4 phần là chỏm đùi, cổ đùi, mấu chuyển lớn và mấu chuyển bé
  • Đầu dưới: Là phần tiếp giáp với xương chày bởi hai cầu lồi trong và ngoài.

Xương đùi là xương chắc khỏe nhất cơ thể vì vậy để tác động đến xương cần một lực tác động rất lớn. Thông thường gãy xương đùi thường do các va chạm mạnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động...

Gãy xương đùi thường bị chảy máu nhiều có thể gây sốc mát máu, gãy xương đùi có nhiều vị trí gãy khác nhau như: Gãy thân xương đùi xoắn, hở hoặc gãy vụn, gãy cổ xương đùi.. để xác định chính xác vị trí gãy xương, bác sĩ thường chỉ định chụp x-quang xương đùi thẳng nghiêng. Phương pháp này cung cấp cho bác sĩ hình ảnh tình trạng gãy xương, vị trí gãy và kiểu gãy xương nhanh chóng nhất.


Chụp X-quang xương đùi thẳng nghiêng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng gẫy nhanh nhất
Chụp X-quang xương đùi thẳng nghiêng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng gẫy nhanh nhất

2. Quy trình chụp X-quang xương đùi

Gãy xương đùi rất hay di lệch; vì vậy khi chụp X quang đòi hỏi sự cẩn thận và nhẹ nhàng, hạn chế việc dịch chuyển. Tư thế chụp xương đùi thằng là cần thiết.

2.1 Chuẩn bị trước khi chụp

  • Bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng gãy xương đùi sẽ nhận phiếu chỉ định đi chụp x-quang từ bác sĩ.
  • Sau khi đến khu vực chụp x-quang theo chỉ định, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh về quy trình chụp.
  • Bệnh nhân bộc lộ phần đùi để chụp x-quang theo hướng dẫn của kỹ thuật viên phụ trách.

2.2 Quy trình chụp x-quang

Sau đây là các bước thực hiện chụp X-quang xương đùi thẳng nghiêng:

  • Chụp x-quang xương đùi thẳng: Hướng dẫn bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chụp 2 tay duỗi thẳng, bàn chân xoay nhẹ vào trong mặt sau xương đùi sát phim vào giữa theo chiều dọc.
  • Chụp x-quang xương đùi nghiêng:Hướng dẫn bệnh nhân nằm nghiêng về bên cần chụp trên bàn chụp, chân bên cần chụp đầu gối gấp, đùi dạng nhẹ mặt ngoài đùi sát phim vào giữa theo chiều dọc. Chỉnh trục nối lồi cầu và ròng rọc vuông góc với phim. Đối với chân bên đối diện, người bệnh chống lên mặt bàn và ngửa hết sức ra sau, tay bên cần chụp duỗi thẳng, tay bên không cần chụp nắm lấy mép bàn.
  • Đặt dấu phải hoặc trái.
  • Bóng tia x chiếu từ trên xuống vuông góc với phim.
  • Tia trung tâm khu trú vào điểm giữa thân xương đùi.
  • Căn dặn bệnh nhân giữ nguyên tư thế.
  • Khoảng cách bóng phim 1m, khu trú chùm tia X.
  • Kiểm tra các nút bấm trên tủ điều khiển, quan sát bệnh nhân qua kính và ấn nút phát tia X.

Tư thế chụp x-quang đùi thẳng
Tư thế chụp x-quang đùi thẳng

2.3 Đánh giá kết quả

Sau khi kết thúc chụp X-quang, bệnh nhân chờ lấy kết quả và hình ảnh chụp phải đạt được những yêu cầu như sau:

  • Đối với chụp X-quang xương đùi thẳng: Lấy được toàn bộ xương đùi bên cần chụp vào giữa phim. Lấy được 2 khớp hoặc ít nhất 1 khớp gần tổn thương.
  • Đối với chụp X-quang xương đùi nghiêng: Lấy được 2/3 dưới xương đùi bên cần chụp vào giữa phim, lấy được khớp gối.
  • Phim có độ nét tương phản, phim sạch không bị xước.
  • Có họ tên bệnh nhân, dấu P và T, ngày tháng năm chụp.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe