Lưu ý khi phục hồi chức năng sau thay khớp háng do thoái hóa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thay khớp háng là phương pháp phẫu thuật thay thế một phần hay toàn bộ khớp háng để điều trị những bệnh lý khớp háng mà tất cả các phương pháp điều trị khác thất bại. Thay khớp háng nhân tạo sẽ giúp giảm đau, biên độ vận động khớp háng được cải thiện.

1. Chỉ định thay khớp háng do thoái hóa khi nào?

Thay khớp háng nhân tạo thường được chỉ định cho bệnh nhân trên 50 tuổi gặp các bệnh lý làm tổn thương sụn khớp của chỏm xương đùi và ổ cối như:

Có nhiều loại khớp háng ra đời và cũng có nhiều phương pháp mổ khác nhau. Nhìn chung khớp nhân tạo có thể phân thành các loại cơ bản là khớp háng có ciment và khớp háng không ciment.

Có bệnh nhân thoái hóa khớp háng bán phần( chỉ thay chỏm xương đùi) và có bệnh nhân được thay khớp háng toàn phần( thay cả chỏm xương đùi và ổ cối) tùy theo mức độ bệnh và lứa tuổi.

Khớp háng không có ciment được phát triển thành nhiều loại nhỏ tùy thuộc vào bề mặt tiếp xúc và chịu lực của nó là : Kim loại – nhựa cao phân tử, ceramic – ceramic, kim loại – kim loại, khớp có cán vặn Spiron ( dùng cho người trẻ tuổi)

2.Chống chỉ định thay khớp háng


Chống chỉ định thay khớp háng với bệnh nhân bị liệt
Chống chỉ định thay khớp háng với bệnh nhân bị liệt

Chống chỉ định thay khớp háng cho bệnh nhân quá trẻ, bị nhiễm trùng khớp háng, bị liệt hay có bệnh thần kinh ảnh hưởng đến khớp háng, bị tổn thương do ung thư....

3. Phục hồi chức năng sau thay khớp háng

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau thay khớp háng do thoái hóa nhằm giúp giảm đau, giảm phù nề; Tăng cường sức mạnh các nhóm cơ; Tăng tầm vận động khớp háng; Tăng cường hoạt động trị liệu cho bệnh nhân.

3.1 Ngày thứ 1 và 2 sau phẫu thuật

Tập các bài tập vận động ở trên giường, thay đổi tư thế

  • Khớp cổ chân: Tập gấp duỗi và xoay khớp cổ chân, tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần 5 – 10 phút. Bài tập được tiến hành bắt đầu sau khi phẫu thuật cho đến khi khỏi bệnh.
  • Khớp gối: Bệnh nhân nằm ở tư thế 2 chân duỗi thẳng, mũi chân thẳng lên trần nhà, tập gấp duỗi gối bằng cách nâng khớp gối lên thụ động hoặc chủ động 20 động tác mỗi lần. Ngày khoảng 2 lần. Chú ý: không xoay khớp gối.
  • Co cơ mông : Bệnh nhân nằm ngửa, co cơ mông trong 5s sau đó nghỉ 5s, tập mỗi lần 10 động tác và ngày tập 5 lần.
  • Tập khớp háng: Tập khép và dạng khớp háng. Bệnh nhân nằm ngửa 2 chân duỗi thẳng, dạng khớp háng cả 2 chân (cả khép). Chú ý không xoay khớp háng vào trong và luôn để ở tư thế hơi xoay ngoài.
  • Tập co cơ tĩnh: Bệnh nhân nằm với gối thẳng, co cơ tĩnh cả 2 chân, mỗi lần co 5s rồi nghỉ 5s nâng, tập 10 động tác trong 1 lần và 10 lần/ngày. Nằm nâng chân lên khỏi mặt giường giữ trong 5-10 s.
  • Tập mạnh sức cơ tứ đầu đùi: Bệnh nhân nằm thẳng đặt 1 gối dưới khoeo chân, giữ cho khớp gối gấp khoảng 30– 40 độ. Giữ chặt đùi và đưa cẳng chân lên trên giữ trong khoảng 5s rồi từ từ đưa về vị trí cũ. Mỗi lần làm 10 động tác và 3-4 lần/ngày.

3.2 Từ ngày 3-5 sau mổ

Cho bệnh nhân ngồi dậy ở trên giường, tiếp tục tập các bài tập vận động ở trên giường: Khớp gối, khớp háng.

Đưa 2 chân ra khỏi thành giường, tập đung đưa 2 chân và tập tăng sức mạnh của cơ đùi. Bệnh nhân có thể tự di chuyển nhẹ nhàng ở trên giường.


bệnh nhân sau khi thay khớp háng sẽ tập một số bài tập vận động ở trên giường
bệnh nhân sau khi thay khớp háng sẽ tập một số bài tập vận động ở trên giường

3.3 Từ ngày 5 đến 4 tuần sau mổ

  • Bệnh nhân tiếp tục các bài tập vận động khớp và tăng sức mạnh của cơ. Giai đoạn này có thể tập đứng và đi với nạng hoặc khung. Những lần đầu bệnh nhân có thể có người giữ sau đó tự đứng.
  • Bệnh nhân đứng chịu trọng lực trên chân lành, 2 tay bám vào thành ghế. Nâng gối của chân kia lên giữ trong 2-3s sau đó đặt chân xuống. Động tác nữa là đứng chịu trọng lực trên chân lành giữ gối và háng bệnh trên 1 mặt phẳng rồi tập khép và dạng khớp háng bằng cách đưa chân vào trong và ra ngoài.
  • Động tác tập gấp và duỗi khớp háng: đưa chân phẫu thuật ra trước và ra sau. Chú ý là không được gấp khớp háng trên 90 độ.
  • Tập đi bộ, tập lên xuống cầu thang. Tập mạnh sức cơ tư thế đứng bằng cách kéo chân bằng dây chun.

3.4 4-6 tuần sau phẫu thuật

Bệnh nhân đi bộ với nạng hoặc gậy, lần đầu đi khoảng 5-10 phút trong 1 lần và đi 3-4 lần/ngày. Những lần sau có thể đi 20-30 phút và 2-3 lần/ngày. Tập đạp xe đạp tại chỗ và tập tham gia các hoạt động hàng ngày: rửa bát, giặt giũ.

3.5 6- 12 tuần sau phẫu thuật

Bệnh nhân có thể tập đi bằng cách bỏ nạng, tập lái xe.

3.6 Sau 12 tuần

Bệnh nhân có thể trở lại công việc, lái xe, chạy, đánh golf..

  • Không gấp khớp háng quá 90 độ và không xoay khớp háng vào trong.
  • Không được ngồi xổm
  • Không được ngồi trên ghế mà không có tay vịn
  • Muốn đứng dậy từ ghế : đưa chân phẫu thuật ra trước sau đó từ từ đứng dậy
  • Không được ngồi ghế hoặc toilet thấp.
  • Không được xoay khớp gối khi đứng, ngồi, khi nằm và phải kê gối giữa 2 chân.

Ngoài ra, người bệnh sau khi thay khớp háng có thể được chỉ định dùng một số thuốc điều trị như kháng sinh, giảm đau chống viêm( paracetamol, NSAID...), chống phù nề, chống huyết khối tĩnh mạch.

4. Những lưu ý đối với người bệnh sau thay khớp háng


Người bệnh sau thay khớp háng tránh ngồi một chỗ quá lâu
Người bệnh sau thay khớp háng tránh ngồi một chỗ quá lâu

Trong vài tuần đầu sau khi phẫu thuật, khả năng di chuyển của bạn sẽ bị giới hạn. Vì vậy, trước khi phẫu thuật, bạn nên chuẩn bị môi trường trong nhà của mình bằng cách loại bỏ tất cả các chướng ngại vật và mối nguy hiểm tiềm ẩn để phòng ngừa té ngã và tai nạn:

  • Tháo các loại thảm trải sàn, thảm tấm và dây cáp trên sàn nhà;
  • Đảm bảo sàn nhà trong phòng tắm hoặc nhà bếp không trơn trượt;
  • Đảm bảo bệ ngồi vệ sinh đủ cao để giữ khớp háng cao hơn khớp gối của bạn;
  • Tránh để các vật dụng cần thiết trên sàn nhà hoặc trong các tủ ở dưới thấp, đặc biệt là trong nhà bếp hoặc phòng ngủ;
  • Đảm bảo có bố trí ghế ngồi thoải mái;
  • Mang các loại giày dép dễ mang và có đế cao su để tránh trơn trượt.
  • Tránh mọi hoạt động gắng sức;
  • Tránh mọi tư thế và động tác không được bác sĩ phẫu thuật và chuyên viên vật lý trị liệu cho phép;
  • Tập luyện theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu, đảm bảo không tập quá sức;
  • Kiểm soát đau và sưng bằng cách nâng cao chân và tuân thủ liệu pháp chườm lạnh;
  • Tập đi theo đề nghị của chuyên viên vật lý trị liệu;
  • Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, thay vào đó là đi bộ thường xuyên với khoảng cách ngắn;
  • Mang vớ áp lực theo đề nghị của bác sĩ phẫu thuật

Gia đình nên đưa người thay khớp háng đi tái khám sau 01 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau phẫu thuật. Sau đó 1 năm khám lại 1 lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe