Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình.
Gãy cổ xương đùi là một loại gãy rất nặng, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, đặc biệt với người già. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong do đau đớn và do các biến chứng khi phải nằm bất động lâu ngày.
1. Nguyên nhân gây gãy cổ xương đùi
Cổ xương đùi là phần tiếp nối giữa thân xương đùi và chỏm xương đùi. Cổ xương đùi có cấu trúc đặc biệt với 3 bè xương đan chéo nhau để chịu đựng sức nặng đè ép của cơ thể, tuy nhiên giữa các bè xương vẫn có điểm yếu nhất, dễ bị gãy nếu có lực lớn tác động vào. Hệ thống mạch máu nuôi chỏm xương đùi khá nghèo nàn, khi bị gãy cổ xương đùi, đa số các mạch máu nuôi chỏm sẽ bị tổn thương dẫn đến mất khả năng mất máu nuôi dưỡng. Do dễ gãy và lại thiếu máu nuôi dưỡng khi bị tổn thương nên gãy cổ xương đùi là các trường hợp nặng, khó điều trị, thường để lại các di chứng nặng nề.
Gãy cổ xương đùi là một tai nạn thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Nguyên nhân phổ biến là do người cao tuổi trượt ngã trên nền cứng, vùng hông bị ngã đập xuống đất. Các trường hợp thường gặp là trượt té trong nhà tắm, vấp chân té do bậc thang, ngã té do đứng trên ghế, do vướng vào ống quần dài,... Người cao tuổi dễ bị gãy cổ xương đùi hơn người trẻ do mật độ xương thấp, ít vận động, bị các bệnh phối hợp trước đó như tai biến mạch máu não, thiếu máu não gây mất tri giác tạm thời gây ngã,... Ở người trẻ, gãy cổ xương đùi thường do các chấn thương với lực tác động lớn như va chạm giao thông hoặc rơi từ độ cao. Chấn thương này hiếm khi gặp ở trẻ em.
2. Gãy cổ xương đùi có nguy hiểm?
Gãy cổ xương đùi có thể gây ra những biến chứng hết sức nặng nề. Ngay khi tai nạn xảy ra, người bệnh có thể bị sốc do đau và mất máu, tắc mạch máu do mỡ từ trong ổ gãy xương xâm nhập vào hệ tuần hoàn. Ngoài ra, về lâu dài do bệnh nhân hạn chế vận động sẽ làm tăng nguy cơ tắc mạch do cục máu đông, nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, viêm phổi , loét da do tì đè ở vùng ít vận động, teo cơ,...Vùng gãy xương có thể gây thoái hóa khớp háng, tạo khớp giả, liền xương lệch trục và hoại tử chỏm xương đùi.
Những di chứng của gãy cổ xương đùi làm người bệnh phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, dễ dẫn đến tâm lý tự ti, mặc cảm.
3. Chẩn đoán và điều trị gãy cổ xương đùi
Khi bị gãy cổ xương đùi người bệnh sẽ bị đau vùng háng, mức độ đau thay đổi theo từng cá nhân. Cơn đau tăng lên khi cố gắng chống chân xuống đất, khi cố xoay khớp háng, kéo duỗi chân hoặc khi ngồi lên nằm xuống. Gãy cổ xương đùi làm biến dạng chi dưới như : chân ngắn, bàn chân xoay ra ngoài, phần háng sưng to hơn so với chân lành, có thể sưng nề khớp gối( tràn dịch khớp gối do cơ tứ đầu bị kích thích).
Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ chẩn đoán gãy cổ xương đùi dựa vào các triệu chứng như: Ấn đau nơi điểm giữa nếp bẹn, sưng nề háng, chân ngắn bàn chân xoay ra ngoài, có thể tràn dịch khopws gối , mất cơ năng( không nhấc gót chân lên khỏi mặt giường được). Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang thẳng và nghiêng để khẳng định chẩn đoán đồng thời xác định mức độ gãy cũng như di lệch.
Tùy vào mức độ gãy, độ tuổi của người bệnh và điều kiện phương tiện kỹ thuật sẵn có của cơ sở y tế, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi : Tùy theo tuổi , tình trạng toàn thân của bệnh nhân, kiểu gãy.. mà chọn phương pháp điều trị cho phù hợp. Có hai phương pháp điều trị là:
Điều trị bảo tồn bằng cách bó bột, kéo liên tục, dùng nẹp chống xoay : áp dụng cho những trường hợp gãy dạng( gãy cài), hoặc có những bệnh nặng không chịu được phẫu thuật. Kéo để chờ mổ.
Điều trị phẫu thuật: Đây là phương pháp rất tốt để điều trị gãy cổ xương đùi. Bác sĩ có thể dùng đinh vít , nẹp vít kim loại để cố định xương gãy lại với nhau sau khi nắn để giúp ổ gãy liền tốt. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe còn tốt, có thể chịu được mổ thì thay khớp háng nhân tạo được xem là phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi tốt nhất hiện nay. Có hai phương pháp thay khớp háng nhân tạo là:
- Thay khớp háng bán phần: phần chỏm và cổ xương đùi bị chấn thương sẽ được loại bỏ và thay bằng vật liệu kim loại.
- Thay khớp háng toàn phần: bệnh nhân sẽ được thay cả phần chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ thường kê đơn các thuốc giảm đau, chống viêm nhóm non-steroid (NSAIDs), trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau opioid như morphin trong thời gian ngắn. Canxi, vitamin D và các thuốc chống loãng xương cũng được bác sĩ kê đơn để tăng mật độ khoáng chất, tạo sự vững chắc cho xương. Sau mổ người bệnh cần được điều trị phục hồi chức năng hoặc được hướng dẫn tập vật lý trị liệu nhằm khôi phục vận động, dần trở về cuộc sống bình thường.
4. Làm gì để phòng ngừa gãy cổ xương đùi?
Để phòng ngừa nguy cơ gãy cổ xương đùi, đặc biệt với khi tuổi đã cao, người cao tuổi cần chú trọng chế độ dinh dưỡng, bổ sung đủ canxi, vitamin và duy trì vận động thể chất. Thường xuyên khám tầm soát để phòng và điều trị loãng xương từ sớm.
Những người thân trong gia đình cần chú ý loại bỏ các nguy cơ có thể gây ngã như sàn nhà trơn, chướng ngại vật,... Đồng thời hướng dẫn người già cách đề phòng ngã trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với người cao tuổi ( trên 60) bị gãy cổ xương đùi,tùy vào tình trạng gãy xương và sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể đưa ra chỉ định điều trị phù hợp ví dụ như: kéo liên tục, kết hợp xương( đinh, nẹp vít), thay khớp háng( bán phần , toàn phần). Phương pháp mổ kết hợp xương hoặc thay khớp háng có tỷ lệ thành công lên đến 95%, nâng cao sự phục hồi về mặt chức năng cho người bệnh, đặc biệt là đối với người cao tuổi khó phục hồi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.