Thuốc tiêm khớp là thủ thuật dùng kim nhỏ đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm cạnh khớp để điều trị một số bệnh lý về khớp tại chỗ, quá trình này còn được gọi là tiêm nội khớp. Phương pháp sử dụng thuốc tiêm giảm đau xương khớp này được áp dụng khá phổ biến cho những bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về khớp. Vậy, ưu và nhược điểm của cách điều trị này là gì?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh, chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình, tại Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Ưu điểm của thuốc tiêm khớp
Do tính chất đặc thù của phương pháp, tiêm nội khớp mang lại nhiều lợi ích như:
- Thuốc được đưa trực tiếp vào khớp, từ đó giảm thiểu tác động đến toàn thân qua đường máu. Không chỉ vậy, công dụng của thuốc cũng tập trung tối đa vào vùng khớp cần điều trị.
- Tiêm nội khớp giúp giảm viêm, ức chế sự tăng sinh màng hoạt dịch và bổ sung chất nhầy. Cách điều trị này đặc biệt hiệu quả trong chữa trị thoái hóa khớp.
Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm nội khớp cho bệnh nhân trong một số trường hợp gồm:
- Thoái hoá khớp.
- Viêm điểm bám gân.
- Viêm bao khớp.
- Viêm khớp không nhiễm khuẩn trong một số bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp hay viêm cột sống dính khớp.

2. Các loại thuốc tiêm khớp
Những loại thuốc tiêm giảm đau xương khớp sẽ có tác dụng giảm đau, giảm viêm ở vùng khớp bị tổn thương. Từ đó, các triệu chứng gây khó chịu và bất tiện cho bệnh nhân sẽ được thuyên giảm. Tùy theo cơ địa, thuốc tiêm nội khớp có thể phát huy tác dụng trong một vài tháng.
Một số loại thuốc tiêm khớp bao gồm:
2.1 Hyalgan
2.1.1 Tác dụng
Thuốc Hyalgan có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh khớp do chấn thương gây ra và các bệnh liên quan đến thoái hoá khớp từ mức độ trung bình đến nặng. Thuốc cũng có tác dụng giúp các hoạt động của khớp được diễn ra trơn tru hơn.
Khi người bệnh mắc một số bệnh lý về khớp mà không thể áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa khác hoặc không thể dung nạp thuốc chống viêm không steroid, Hyalgan được xem là liệu pháp điều trị khả thi và có tác dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, thuốc tiêm khớp Hyalgan còn được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình. Một số chuyên gia cho rằng thuốc này có tác dụng bảo vệ khớp, ngăn chặn tình trạng thoái hoá sụn khớp cũng như giúp tái tạo tế bào sụn bị thương tổn.

2.1.2 Chỉ định và liều lượng
Thuốc này sẽ được chỉ định trong một số trường hợp như sau:
- Người bệnh bị thoái hoá khớp gối và khớp vai.
- Người bệnh chuẩn bị phẫu thuật chỉnh hình.
- Người bệnh bị khô khớp do chấn thương.
Tuỳ vào thể trạng của người bệnh, liều lượng thuốc được tiêm sẽ có sự thay đổi. Cụ thể:
- Liều lượng thường được chỉ định là 2ml/lần/tuần đối với người lớn.
- Duy trì tiêm trong 3-5 tuần sau đó tạm ngừng và tiếp tục chu trình này sau khoảng 6 tháng.
Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học về liều lượng Hyalgan thích hợp cho trẻ em.
2.1.3 Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc tiêm khớp Hyalgan gồm:
- Da sưng tấy, đỏ và có mủ do kích ứng tại vị trí tiêm, nếu nặng có thể gây ra tràn dịch.
- Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng viêm màng hoạt dịch, ngứa rát, nóng đỏ trên da.
- Sốc thuốc đột ngột. Đây là tình trạng nghiêm trọng nhất và có thể đe dọa đến tính mạng.

2.2 Diprospan
2.2.1 Tác dụng
Diprospan là một loại thuốc chứa các tập hợp este của betamethasone. Đây là các este tan hoặc tan yếu trong nước, qua đó giúp tác động ngay lập tức đến việc điều trị những tình trạng kháng viêm, viêm khớp dạng thấp. Thuốc này cũng được dùng khi bệnh nhân bị dị ứng nặng với các thuốc chứa corticoid trong quá trình điều trị các bệnh lý về khớp.
2.2.2 Chỉ định và liều lượng
Thuốc tiêm khớp Diprospan được chỉ định trong quá trình điều trị rất nhiều bệnh lý. Có thể kể đến như các bệnh về cơ, xương hay mô mềm, dị ứng, viêm da, bệnh lý liên quan tuyến thượng thận hoặc tân sản.
Đối với các bệnh lý về xương khớp, Diprospan được bác sĩ sử dụng để điều trị trong các trường hợp sau:
- Người bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc mắc viêm xương khớp.
- Người bị viêm bao hoạt dịch.
- Một số bệnh như viêm mỏm lồi cầu, đau xương cụt hay viêm cứng đốt sống.
Đối với quá trình tiêm nội khớp, liều lượng chỉ định của Diprospan như sau:
- 0,25ml đến 0,5ml đối với khớp nhỏ như bàn chân, bàn tay hay ngực.
- 0,5ml đến 1ml đối với các khớp vừa như khuỷu tay, vùng cổ chân hoặc cổ tay.
- 1 đến 2ml đối với các khớp lớn như khớp vai, khớp gối hoặc khớp háng.
2.2.3 Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ của thuốc tiêm khớp Diprospan có thể gặp bao gồm:
- Khớp không ổn định: Điều này xảy ra do việc tiêm quá nhiều lần vào ổ khớp.
- Các bệnh về cơ: Nhược cơ hoặc gia tăng các triệu chứng nhược cơ, giảm khối lượng cơ.
- Loãng xương.
- Bong gân.
- Gãy lún cột sống.
- Hoại tử vô khuẩn ở một số vị trí trên cơ thể như đầu xương đùi, xương cánh tay.
- Sốc phản vệ.
Ngoài ra, vì tính chất tan tốt của thuốc nên Diprospan có thể lan ra khắp cơ thể. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ đối với dạ dày, làm rối loạn nước và chất điện giải trong cơ thể cũng như gây ra một số bệnh về da, mắt hay thần kinh.

3. Các lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm khớp
Để đạt được hiệu quả điều trị và tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
- Chỉ sử dụng thuốc tiêm khớp khi các phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng. Đồng thời, bệnh nhân phải được bác sĩ chỉ định.
- Tiêm nội khớp đòi hỏi điều kiện tại cơ sở tiến hành phải đảm bảo vô trùng, thủ thuật tiêm phải được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc bác sĩ phải đúng chuyên ngành.
- Không tự ý sử dụng thuốc tiêm khớp để tiêm vào gối hoặc tĩnh mạch.
- Người bệnh mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
- Sau khi tiêm, nếu gặp các triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để có thể được xử lý kịp thời và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Không lạm dụng thuốc tiêm khớp vì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Có thể kể đến như loãng xương, suy tuyến thượng thận hoặc loét dạ dày tá tràng.

Nhìn chung, thuốc tiêm khớp chỉ được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng các phương pháp khác. Tuỳ thuộc vào mức độ và tình trạng của người bệnh, liều lượng thuốc sẽ được bác sĩ tính toán cụ thể. Bên cạnh đó, người bệnh sử dụng thuốc tiêm khớp cũng cần phải chú ý về các tác dụng phụ có thể gặp phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.