Quy trình chụp x quang xương cẳng chân thẳng nghiêng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Gãy xương cẳng chân nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh. Vì vậy, chụp x-quang xương cẳng chân thẳng nghiêng là phương pháp hữu dụng giúp bác sĩ chẩn đoán sớm được tình trạng chấn thương để có phương án xử lý kịp thời.

1. Khi nào bác sĩ chỉ định chụp x-quang xương cẳng chân?

Theo giải phẫu học, xương cẳng chân bao gồm hai xương: Xương chày và xương mác (xương mác nhỏ hơn xương chày).

Xương chày có hình lăng trụ tam giác với mào chày hình tam giác, khi đi xuống phía dưới thì xương có hình trụ tròn, xương mác mảnh và dài, nằm song song và ở phía ngoài so với xương chày.

Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân chụp x-quang xương cẳng chân khi có dấu hiệu gãy xương cẳng chân bao gồm: Gãy xương chày, gãy xương mác hoặc cả hai hoặc các triệu chứng đau cẳng chân không có nguyên nhân. Các trường hợp gãy xương cẳng chân không được phát hiện điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng như: Sốc chấn thương, tổn thương mạch, hội chứng chèn ép khoang dẫn đến cụt chân.

Việc sử dụng phương pháp chụp X-quang xương cẳng chân sẽ giúp bác sĩ sớm chẩn đoán được tình trạng bệnh tình cũng như đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp nhất.


Bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp x-quang khi bị gãy xương cẳng chân
Bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp x-quang khi bị gãy xương cẳng chân

2. Quy trình chụp x-quang xương cẳng chân thẳng nghiêng

2.1 Các bước chuẩn bị trước khi chụp xương cẳng chân

Các bước chuẩn bị chụp X-quang sẽ giúp bệnh nhân phối hợp với kỹ thuật viên để thuận lợi hoàn thành buổi chụp nhanh nhất:

  • Bệnh nhân sau khi lấy phiếu chỉ định chụp X-quang thì di chuyển đến địa điểm được chỉ dẫn.
  • Trao đổi cùng kỹ thuật viên chụp X-quang và nghe chỉ dẫn các bước tiến hành chụp X-quang xương cẳng chân.
  • Bộc lộ khu vực cẳng chân cần chụp để tiến hành chụp X-quang.

2.2 Quy trình chụp x-quang xương cẳng chân thẳng nghiêng

Các bước chụp x-quang xương cẳng chân như sau:

  • Chụp X-quang xương cẳng chân thẳng: Hướng dẫn bệnh nhân nằm ngửa hoặc ngồi trên bàn chụp 2 tay duỗi thẳng, bàn chân xoay nhẹ vào trong mặt sau cẳng chân sát phim vào giữa theo chiều dọc.
  • Chụp X-quang xương cẳng chân nghiêng: Hướng dẫn bệnh nhân nằm nghiêng hoặc ngồi về bên cần chụp trên bàn chụp, chân bên cần chụp đưa nhẹ ra sau chân không cần chụp đưa về phía trước, mặt ngoài cẳng chân sát với mặt bàn và vào giữa phim.

Bác sĩ hướng dẫn người bệnh tư thế ngồi hoặc nằm trên bàn chụp phù hợp
Bác sĩ hướng dẫn người bệnh tư thế ngồi hoặc nằm trên bàn chụp phù hợp
  • Đặt dấu phải hoặc trái tùy theo bên chụp cẳng chân.
  • Bóng tia x chiếu từ trên xuống vuông góc với phim.
  • Tia trung tâm khu trú vào điểm giữa thân 2 xương cẳng chân.
  • Khoảng cách bóng phim 1m khu trú chùm tia X.
  • Căn dặn bệnh nhân giữ nguyên tư thế.
  • Kiểm tra các nút bấm trên tủ điều khiển, quan sát bệnh nhân qua kính, ấn nút phát tia X.

2.3 Đánh giá kết quả

Sau khi có kết quả chụp, phim chụp phải đạt được những yêu cầu như sau:

  • Lấy được cẳng chân bên cần chụp vào giữa phim .
  • Lấy được 2 khớp hoặc ít 1 khớp gần tổn thương, hai xương không chồng lên nhau ở phim thẳng. Phim có độ nét tương phản, phim sạch không bị xước.
  • Có họ tên bệnh nhân, dấu P và T, ngày tháng năm chụp.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe