Quy trình chụp cộng hưởng từ động mạch chủ ngực

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại được sử dụng trong hầu hết các quy trình thăm khám, chẩn đoán bệnh, trong đó có bệnh lý động mạch chủ. Chụp cộng hưởng từ động mạch chủ ngực đem lại chất lượng hình ảnh tốt, đặc biệt người bệnh không phải chịu tác động của các tác nhân gây hại sức khỏe.

1. Vì sao lựa chọn MRI trong chẩn đoán bệnh lý liên quan đến động mạch chủ ngực?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) có nhiều ưu điểm hơn so với siêu âm doppler và chụp CT. So với siêu âm doppler, chụp MRI cho hình ảnh rõ nét hơn do không bị vướng các cấu trúc xương. Còn so với chụp CT thì MRI ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn do không phải chịu tác động của tia X.

Nhìn chung, chụp MRI cho hình ảnh rõ nét, không bị hạn chế tầm quan sát giúp chẩn đoán chính xác bệnh và ít gây hại với sức khỏe vì không chịu tác động của tia X.

2. Chỉ định chụp MRI đối với động mạch chủ ngực

Chỉ định chụp MRI động mạch chủ ngực được áp dụng với các đối tượng nghi ngờ mắc hoặc muốn xác định mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý liên quan đến động mạch chủ ngực nhằm tiên đoán điều trị phù hợp. Cụ thể là các bệnh lý sau:

  • Bệnh lý động mạch chủ ngực: Phình động mạch chủ ngực, bóc tách động mạch, hẹp, tắc ....
  • Viêm động mạch chủ ngực: Takayasu...
  • Bệnh lý động mạch chủ ngực bẩm sinh: Hẹp eo động mạch chủ ngực...
  • Đánh giá tình trạng xơ vữa thành động mạch chủ và các gốc mạch lớn xuất
    phát từ quai động mạch chủ gây hẹp tắc lòng mạch
  • Các trường hợp chấn thương vùng ngực nghi tổn thương động mạch c hủ
    ngực.

Bệnh nhân xơ vữa động mạch được chỉ định chụp MRI
Bệnh nhân xơ vữa động mạch được chỉ định chụp MRI

3. Chống chỉ định chụp MRI động mạch chủ ngực

Chụp cộng hưởng từ động mạch chủ ngực không được áp dụng với các đối tượng sau:

  • Người đang mang các thiết bị điện tử bên mình như máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, máy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, v.v
  • Kẹp phẫu thuật bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu có thời gian dưới 6 tháng
  • Người bệnh nặng, cần hỗ trợ của các thiết bị hồi sức
  • Suy thận độ 3 trở lên vì có nguy cơ mắc bệnh lý xơ hóa hệ thống mạch máu sau tiêm thuốc đối quang từ.

4. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi chụp MRI động mạch chủ ngực

Người bệnh được nhân viên y tế yêu cầu ký giấy cam kết chấp nhận làm thủ thuật và kiểm tra các chống chỉ định. Từ thời điểm đó đến lúc chụp phim, người bệnh không cần phải nhịn ăn. Đặc biệt, đối với các trường hợp chụp MRI có sử dụng thuốc đối quang từ, bạn không được sử dụng chất kích thích (cà phê, rượu, bia, v.v) trước khi chụp. Người bệnh không phải ngừng sử dụng các loại thuốc đang sử dụng (thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, v.v) trước khi chụp.

Khi đến phòng thủ thuật, người bệnh được hướng dẫn về quy trình chụp MRI động mạch chủ ngực, thay quần áo và tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định.


Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi chụp MRI động mạch chủ ngực
Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi chụp MRI động mạch chủ ngực

5. Quy trình chụp MRI động mạch chủ ngực

5.1 Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh được đặt nằm ngửa ở trên bàn chụp
  • Kỹ thuật viên lựa chọn và định vị cuộn thu tín hiệu
  • Di chuyển bàn chụp vào trong khoang máy chụp và định vị chính xác vùng cần chụp MRI.

5.2 Tiến hành chụp MRI

  • Chụp để định vị chính xác vị trí cần chụp MRI
  • Tiêm thuốc đối quang từ đường tĩnh mạch, thông thường liều 0.1mmol/kg cân nặng.
  • Tiêm thuốc đối quang từ với tốc độ 2ml/s cho 20ml rồi bơm đẩy thuốc bằng 20 - 30ml nước muối sinh lý.
  • Tiến hành chụp chuỗi xung T1W 3D ngay sau khi tiêm thuốc đối quang từ
  • Tái tạo hình ảnh đa diện (MPR) và không gian 3 chiều (VRT)
  • Kỹ thuật viên xử lý hình ảnh, in phim, rồi trả lại cho bác sĩ chuyên khoa
  • Bác sĩ phân tích hình ảnh rồi đưa ra chẩn đoán phù hợp

Trước, trong và sau chụp cộng hưởng từ động mạch chủ ngực, người bệnh cần phối hợp với mọi chỉ định của bác sĩ. Việc này giúp hỗ trợ quá trình chẩn đoán diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn, giảm thiểu các rủi ro phát sinh.


Quy trình chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Quy trình chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe