Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chụp cộng hưởng từ bạch mạch có tiêm thuốc đối quang từ không đặc hiệu là một phương pháp đặc biệt dùng để phát hiện ra các căn bệnh có liên quan trực tiếp đến các mạch máu bạch mạch và hạch bạch huyết.
1. Chụp cộng hưởng từ bạch mạch có tiêm thuốc đối quang từ là gì?
Cộng hưởng từ hệ bạch mạch đã được sử dụng từ những năm 1990. Cộng hưởng từ có nhiều thuận lợi so với chụp xạ hình hệ bạch mạch như độ phân giải thời gian và không gian cao, cho hình ảnh 3 chiều, không phơi nhiễm phóng xạ như các phương pháp chụp thông thường khác. Chụp cộng hưởng từ trong y khoa còn có cách viết tắt là MIR.
Thêm vào đó là sự ra đời của các chất thuốc đối quang từ và các kỹ thuật mới trong cộng hưởng từ, chụp cộng hưởng từ bạch mạch cho phép đánh giá được mạch máu bạch mạch và hạch bạch huyết.
Cộng hưởng từ bạch mạch có tiêm chất thuốc đối quang từ vào mô kẽ cho phép đánh giá về mặt cấu trúc giải phẫu cũng như một phần chức năng hệ bạch mạch. Sự bắt thuốc của hệ bạch mạch (bao gồm mạch máu và hạch bạch huyết) cho phép nhận ra đường dẫn lưu và hạch bạch huyết canh gác làm mục tiêu để sinh thiết.
Ngoài ra nó còn khả năng cung cấp những thông tin về tình trạng chức năng vận chuyển dòng bạch mạch về mạch bạch huyết và hạch bạch huyết ở chi tổn thương. MRI bạch mạch hiện nay được xem là phương pháp thường quy, tối ưu trong đánh giá phù bạch huyết ở lâm sàng.
2. Những ưu điểm của chụp cộng hưởng từ bạch mạch
- Là phương pháp chẩn đoán bệnh tiên tiến với công nghệ Silent hiện đại nhất hiện nay.
- Cơ thể bệnh nhân không bị ảnh hưởng do yếu tố tia xạ.
- Đảm bảo an toàn về mặt sinh học.
- Hình ảnh sắc nét, rõ ràng, có khả năng 3D dễ chẩn đoán.
- Độ phân giải cao, hiển thị hình ảnh chụp chi tiết tốt hơn chụp CT.
- Chất tương phản rất ít gây ra tác dụng phụ.
- Thời gian chụp rút ngắn, giảm tối đa tiếng ồn.
- Không cần tiêm thuốc cản quang khi chụp mạch.
- Tạo sự thoải mái, giảm bớt căng thẳng cho bệnh nhân trong quá trình chụp.
- Đối tượng sử dụng chụp MRI có thể là người già, trẻ nhỏ, người có sức khỏe yếu, người đang phẫu thuật,...
- Xử lý các xảo nhiễu của bệnh nhân, chụp tái tạo mạch máu 3 chiều mà không cần tiêm thuốc.
- Hỗ trợ tối đa cho các bác sĩ chuyên gia dễ dàng chẩn đoán chính xác tình hình bệnh lý của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Chụp cộng hưởng từ MRI bạch mạch chẩn đoán đa dạng nhiều bệnh lý liên quan đến hệ bạch mạch (bao gồm mạch máu và bạch mạch huyết), đặc biệt là bệnh viêm mạch bạch huyết.
3. Khi nào thì cần tiến hành chụp cộng hưởng từ bạch mạch?
Bệnh nhân sẽ tiến hành chụp cộng hưởng từ bạch mạch khi có các dấu hiệu liên quan trực tiếp tới bạch mạch (điển hình là viêm mạch bạch huyết).
Bệnh nhân có thể thấy những sọc đỏ trên bề mặt da từ khu vực bị nhiễm bệnh tới tuyến bạch huyết gần nhất. Chúng có thể mờ hoặc rất rõ ràng và rất nhỏ. Những vết này có thể kéo dài từ vết thương hoặc vết cắt. Trong một số trường hợp, chúng có thể kèm mụn nước.
3.1. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Ớn lạnh
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt
- Tình trạng khó chịu hoặc cảm giác không khỏe
- Mất cảm giác ngon miệng
- Nhức đầu
- Đau cơ.
3.2. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ bạch mạch có tiêm thuốc đối quang từ không đặc hiệu
Trước khi tiến hành chụp
Người bệnh cần nắm vững những yêu cầu sau:
- Không cần nhịn ăn.
- Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp tốt với thầy thuốc.
- Kiểm tra các chống chỉ định
- Hướng dẫn người bệnh thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ và tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định.
- Có giấy yêu cầu chụp của bác sĩ lâm sàng với chẩn đoán rõ ràng hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ (nếu cần)
Tư thế người bệnh
- Đặt người bệnh nằm trên bàn khảo sát, đặt chân người bệnh hướng về khung máy, sử dụng cuộn thu tín hiệu phù hợp.
- Kỹ thuật viên có thể quan sát, trao đổi trực tiếp với người bệnh từ phòng điều khiển.
Tiến hành kỹ thuật
- Người bệnh nằm ngửa.
- Có thể tiêm trong da hoặc dưới da
- Trước tiêm chất thuốc đối quang từ thì hòa Lidocain 1% (1,5ml) vào lọ Gd 15ml.
- Tiêm trong da ở vùng gian ngón mặt mu bàn chân ở bốn điểm, thể tích mỗi điểm tiêm là 0,7-0,8ml
- Sau tiêm tiến hành xoa bóp tại vị trí tiêm.
- Các chuỗi xung sử dụng: TSE, TSEFS, MIP.
- Chụp Dynamic sau tiêm với chuỗi xung 3D T1W GRE ở các thời điểm 5, 10, 15, 20, 25, 30 phút sau khi tiêm.
- Độ dày lát cắt: 2mm.
Những lưu ý trước khi chụp cộng hưởng từ bạch mạch
- Khi cảm thấy nghi ngờ bị tổn thương hệ thống bạch mạch cần phải đến ngay các trung tâm y tế để tiến hành khám bệnh.
- Trong quá trình chụp, các bệnh nhân không được sử dụng các thiết bị điện từ như: máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, ...
- Người sợ bóng tối hay sợ cô độc thì bị chống chỉ định với phương pháp chụp cộng hưởng từ này.
Mạch bạch huyết là một trong những thành phần chính của hệ thống miễn dịch, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại. Vì thế, mọi người cần chăm sóc tốt cho mạch bạch huyết của bản thân bằng cách đi thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.