Phục hồi chức năng sau gãy xương đòn

Gãy xương đòn là loại gãy xương thường gặp nhất ở vùng vai. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có phương pháp điều trị khác nhau bao gồm điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Đối với bệnh nhân sau gãy xương đòn cần có chế độ tập luyện, phục hồi chức năng hợp lý để tránh các biến chứng như cứng khớp, teo cơ, chậm liền xương,...

1.Tại sao cần phải phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương đòn

Nếu không được phục hồi chức năng sau gãy xương đòn sẽ để lại các hậu quả như:

  • Teo cơ. Cơ cánh tay, cơ ngực lớn, cơ lưng rộng lâu ngày không vận động sẽ dẫn đến teo cơ
  • Cứng khớp. Các khớp không hoạt động lâu ngày sẽ có xu hướng cứng khớp, giảm biên độ vận động khớp vai, hạn chế nâng vai
  • Chậm liền xương. Không tập phục hồi chức năng có thể dẫn đến chậm liền xương. Quá 3 tháng mà xương chưa lành được cần theo dõi tình trạng xương chậm liền.
  • Xương không liền: Quá 6 tháng mà bệnh nhân vẫn còn biểu hiện tại vị trí gãy xương còn đau, có cử động bất thường hay trên X-Quang không có dấu hiệu xương liền.
  • Xương liền bị lệch. Trường hợp điều trị bảo tồn và luyện tập không đúng dẫn đến di lệch nhiều hơn. Sau khi can xương đai vai sẽ yếu hơn

Chấn thương gãy xương đòn có nhiều mức độ khác nhau do vậy phục hồi chức năng phù hợp với mức độ gãy và phương pháp điều trị là cần thiết. Phục hồi chức năng giúp cho bệnh nhân phục hồi lại toàn bộ sức mạnh và biên độ vận động.

2.Phục hồi chức năng sau gãy xương đòn


Sử dụng thuốc để thúc đẩy quá trình liền xương giúp phục hồi chức năng sau gãy xương đòn
Sử dụng thuốc để thúc đẩy quá trình liền xương giúp phục hồi chức năng sau gãy xương đòn

Phục hồi chức năng cho người gãy xương đòn bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu, vận động trị liệu, thuốc để thúc đẩy quá trình liền xương, các chức năng liên quan của xương đòn và phòng tránh các biến chứng

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng

  • Cố định tốt điểm gãy, không vận động khớp vai bên gãy trong giai đoạn cấp
  • Không nâng tay bị gãy xương đòn quá 70 độ theo mọi hướng trong vòng 4 tuần sau chấn thương.
  • Không nâng vật nặng quá 3kg bên tay bị gãy trong vòng 6 tuần sau gãy xương.
  • Trường hợp sau phẫu thuật kết xương có thể tập luyện sớm hơn.

Các phương pháp phục hồi chức năng

Giai đoạn bất động: Mục đích là cải thiện tuần hoàn, duy trì lực cơ ở các khớp tự do, chống teo cơ do bất động. Các phương pháp tập luyện gồm:

  • Chườm đá. Chườm đá cho khớp vai 15 phút x 3 lần trong ngày giúp giảm đau, sưng nề và nhiễm trùng.
  • Giữ vai đúng tư thế: trong khi mang đai cần chú ý giữ cho xương và cơ thẳng nhằm tránh di lệch thứ phát, không nhún vai, không thả lỏng vai khi mang nẹp.
  • Tập luyện hàng ngày các cơ vùng cánh tay bằng các bài tập như:

Bài tập sau gãy xương đòn
Bài tập sau gãy xương đòn

  • Đối với bàn tay: tập chủ động động tác cầm nắm ngón tay bằng bóp 1 quả bóng nhỏ với lực nhẹ nhàng, thực hiện nhiều lần trong ngày.
  • Đối với cánh tay: tập chủ động gập duỗi cổ tay, khuỷu tay, cử động sấp ngửa cẳng tay.
  • Bệnh nhân được hướng dẫn co cơ tĩnh nhẹ nhàng ở vùng đai vai
  • Tập cơ chóp xoay. Bệnh nhân đứng dọc tường với khuỷu gấp 90 độ, tạo lực từ cẳng tay đè mạnh vào tường mà không di chuyển vai, giữ trong vòng 5 giây, lập lại và đổi bên với tường bên trong cẳng tay.
  • Sau 4 tuần có thể tập thêm động tác dạng cánh tay có tác dụng tạo sức ép vào đầu xương làm liền xương nhanh

Giai đoạn sau bất động: Mục đích là làm giảm đau, giảm co thắt cơ vùng đai vai, gia tăng sức mạnh, tầm vận động và chức năng sinh hoạt của khớp vai.

  • Nhiệt trị liệu: chườm ấm vào các cơ vùng cổ gáy bằng paraphin hoặc tia hồng ngoại
  • Xoa bóp các cơ vùng cổ vai
  • Tập mạnh các cơ vùng đai vai, có thể tập chủ động có trợ giúp, chủ động hoặc có đề kháng
  • Tập chủ động trợ giúp hoặc tự trợ giúp bằng giàn treo, ròng rọc, tay kỹ thuật viên để gia tăng tầm vận động khớp vai
  • Hướng dẫn chương trình tập tại nhà: bò tường trong tư thế gập và dạng vai, dùng tay lành trợ giúp tay đau thực hiện các cử động của khớp vai
  • Hoạt động trị liệu như bắt bóng, ném bóng...
  • Từ tuần 4 đến tuần thứ 8 có thể tập biên độ vận động khớp vai có thể thêm lực đối kháng nhẹ với dây thun hay tạ với mức độ giới hạn đau, khớp vai cần nên tránh nâng vai, xoay hay bài tập vận động vai.
  • Tuần 8-12 tập các bài tập tăng sức mạnh cơ tiếp tục nhưng không mang vật nặng, tập tăng sức bền cơ với tạ nhẹ nhưng lập lại nhiều.
  • Tuần 12-16 tập các bài tập tích cực sức mạnh cơ, trở về tập luyện thể thao và thi đấu khi kiểm tra chức năng đủ khỏe và mềm dẻo như bên không đau

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe