Động kinh là một bệnh lý thần kinh hay gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên động kinh ở trẻ em nếu không được xử trí có thể để lại di chứng thần kinh. Do đó, chúng ta cần sớm áp dụng các biện pháp phục hồi cho trẻ bị động kinh để nâng cao chất lượng cuộc sống cuộc sống của trẻ về sau.
1. Động kinh ở trẻ em là gì?
Động kinh ở trẻ em là tình trạng tổn thương não đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại những phóng lực kịch phát thành nhịp của tế bào não, biểu hiện ra ngoài bằng:
- Những cơn kịch phát về vận động (co giật tay chân hoặc co giật cơ), cảm giác, giác quan và tâm thần, các cơn này lặp lại nhiều lần;
- Có thể kèm theo hoặc không kèm theo tình trạng mất ý thức trong thời gian ngắn hoặc xuất hiện những thay đổi về tri giác.
Động kinh là bệnh lý thần kinh thường gặp (chiếm khoảng 0.5% dân số) và có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Trẻ bị động kinh nếu không kiểm soát được bằng các loại thuốc có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và nhiều vấn đề như sau:
- Khả năng tự chăm sóc: Trẻ bị động kinh có thể bị rối loạn giấc ngủ, gặp nhiều khó khăn trong việc học tập kỹ năng tự chăm sóc và sinh hoạt hàng ngày, gặp nhiều nguy cơ, rủi ro như té ngã, gặp tai nạn nghiêm trọng nếu cơn co giật xảy ra khi đi lại hoặc sử dụng phương tiện giao thông.
- Vấn đề học hành: Một số trẻ bị động kinh có thể phát triển trí tuệ bình thường, nhưng một số khác lại gặp trở ngại đọc, viết và tính toán.
- Vấn đề vận động, cảm giác: Các mốc phát triển vận động ở trẻ khó đạt được, mất điều phối vận động hoặc có thể mắc một số dị tật như: mắt lác, sụp mí, rung giật nhãn cầu...
- Khả năng nhận thức: Động kinh ở trẻ có thể dẫn đến kém hoặc mất tập trung, chú ý, trí nhớ giảm sút, khả năng nghe kém, thiếu các kỹ năng xử lý vấn đề, gặp khó khăn trong việc định hướng.
- Khía cạnh tâm lý - xã hội: Trẻ bị động kinh có thể bị kích động như đập đầu, lăn đùng ra đất, khả năng kiểm soát hành động bản thân rất kém, khả năng giao tiếp xã hội suy giảm.
2. Nguyên nhân gây ra động kinh ở trẻ em
Các nguyên nhân có thể dẫn đến trẻ bị động kinh rất nhiều, có thể gặp trước, trong hoặc sau khi sinh, gây tổn thương cho não bộ trẻ em.
Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ trước sinh dẫn đến động kinh ở trẻ:
- Bà bầu bị chấn thương trong quá trình mang thai;
- Sản phụ bị nhiễm độc kim loại chì nặng;
- Tình trạng hẹp hộp sọ thai nhi.
Nguyên nhân gây động kinh ở trẻ em từ trong quá trình sinh đẻ:
- Trẻ sinh non, dưới 37 tuần tuổi thai;
- Cân nặng em bé sơ sinh dưới 2.500g;
- Trẻ bị ngạt trong quá trình sinh;
- Quá trình sinh nở cần đến các kỹ thuật can thiệp sản khoa như kẹp thai, hút thai, đẻ chỉ huy;
- Vàng da nhân não: trẻ vừa bị vàng da sơ sinh sớm (ngày thứ 1-3) kèm các dấu hiệu thần kinh như bỏ bú, tím tái, co giật, hôn mê;
- Hạ đường huyết sau sinh nặng kèm theo suy hô hấp.
Nguyên nhân trẻ bị động kinh sau sinh:
- Xuất huyết não - màng não;
- Nhiễm trùng thần kinh như viêm não, viêm màng não;
- Suy hô hấp nặng do các nguyên nhân khác nhau;
- Chấn thương sọ não
- Bệnh lý chuyển hoá tiến triển.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, động kinh ở trẻ đôi khi không xác định được nguyên nhân chính xác.
3. Phát hiện sớm động kinh ở trẻ em để can thiệp kịp thời
Để xác định và chẩn đoán sớm bệnh lý động kinh ở trẻ em, chúng ta cần phân loại và nhận biết các dấu hiệu của từng thể bệnh.
3.1. Cơn động kinh toàn bộ
Cơn động kinh toàn bộ chia làm nhiều thể khác nhau, bao gồm:
Cơn vắng ý thức:
- Đây là những cơn rối loạn hoặc mất ý thức xảy ra trong thời gian ngắn (bao gồm nằm bất động, mắt nhìn xa xăm mơ màng, các hoạt động trẻ đang làm đột ngột bị dừng lại);
- Có thể vừa mất ý thức vừa kèm theo co giật (như giật nhẹ cơ mí mắt, giật miệng), mất trương lực tư thế (trẻ gập đầu và thân mình), tăng trương lực (trẻ ngửa đầu và ưỡn người ra sau, đảo ngược nhãn cầu), tự động lặp lại các cử động thông thường hoặc các rối loạn thực vật (như rối loạn vận mạch, thay đổi về hô hấp, giãn đồng tử, đái dầm).
Cơn giật cơ: Cơn giật cơ được định nghĩa là các động tác giật cơ ngắn, như tia chớp, xảy ra 2 bên đối xứng và khiến trẻ ngã nhưng ý thức không rối loạn.
Cơn co giật: Trẻ đột ngột co giật 2 bên người đối xứng với tốc độ chậm dần, thời gian dao động khác nhau, đặc biệt cơn co giật dễ gặp khi trẻ sốt cao.
Cơn tăng trương lực: là những cơn co cứng cơ nhưng không rung cơ, thời gian từ vài giây đến dưới 1 phút và thường kèm theo các rối loạn ý thức, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Cơn mất trương lực:
- Đây là những cơn mất hoặc giảm trương lực;
- Nếu thời gian diễn ra rất ngắn thì chỉ gây nên hiện tượng gấp người hoặc gục đầu ra trước;
- Nếu thời gian kéo dài hơn thì trẻ có thể ngã ra đất trong tình trạng cơ hoàn toàn mềm nhũn.
Cơn co cứng-co giật:
- Dấu hiệu khởi phát thường là mất ý thức, cơ co cứng sau đó giảm dần kèm theo rối loạn thần kinh thực vật (nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, giãn đồng tử, đỏ mặt), lưu ý trẻ có thể cắn phải lưỡi;
- Giai đoạn sau trẻ xuất hiện những cơn co giật cơ hai bên đột ngột và có thể gây ngừng thở;
- Giai đoạn cuối cùng kéo dài vài phút đến vài giờ với biểu hiện trẻ nằm bất động, cơ lực giảm, ý thức u ám, giãn cơ hoàn toàn, có thể đái dầm, thở hổn hển, tăng tiết đờm nhớt và ý thức sẽ cải thiện dần dần.
3.2. Cơn động kinh cục bộ
Trẻ bị động kinh cục bộ được chia thành các thể sau:
Cơn động kinh cục bộ đơn giản:
- Cơn co giật cục bộ đơn giản như co giật ngón tay, ngón chân, nửa mặt, nửa người nhưng ý thức vẫn bình thường;
- Một số trường hợp trẻ quay mắt, quay đầu, và cả người, giơ tay giống đang nhìn nấm tay của mình;
- Một số trẻ mất phát âm, không nói được.
Cơn động kinh cục bộ đơn giản về giác quan, cảm giác:
- Trẻ bị động kinh thể này thường có các rối loạn cảm giác thân thể đối bên (như cảm giác kiến bò, kim châm, điện giật);
- Trẻ có thể có ảo giác (như thấy ánh sáng lờ mờ, tia sáng, điểm sáng, hình các ngôi sao) hoặc mất thị lực (bán manh, mù);
- Một số rối loạn cảm giác khác như ù tai, tiếng huýt sáo;
- Một số trẻ bị động kinh ngửi thấy mùi rất kỳ lạ khó chịu, cảm giác chóng mặt dữ dội, muốn ngã, bập bềnh, cảm nhận vị đắng hoặc chua trong miệng.
Cơn động kinh cục bộ đơn giản kèm triệu chứng thần kinh thực vật: Đặc điểm của thể động kinh ở trẻ em này là tăng tiết nước bọt, buồn nôn. Một số khác có dấu hiệu đánh trống ngực, nóng nảy, da xanh tái hoặc xung huyết, đái dầm, khó thở.
Cơn co giật cục bộ đơn giản kèm triệu chứng tâm thần: Trẻ mất khả năng nói hoặc nói ngọng hoặc thấy khó chịu, sợ hãi, lo âu, hiếm hơn là cảm giác dễ chịu, cảm giác khát hoặc đói.
Cơn động kinh cục bộ phức tạp: Trẻ thường mất ý thức sớm kèm theo các động tác tự động miệng (như nhai, nuốt, liếm, ngoạm). Ngoài ra, trẻ có thể có các động tác bàn tay, cọ xát, gãi, cầm một vật, cài cúc áo, cởi cúc áo, lục túi, sắp xếp đồ vật, di chuyển đồ đạc.
4. Phục hồi cho trẻ bị động kinh
4.1. Nguyên tắc phục hồi cho trẻ bị động kinh
- Nguyên tắc phục hồi cho trẻ bị động kinh đầu tiên đó là phải can thiệp sớm, ngay khi phát hiện bệnh động kinh ở trẻ, dùng thuốc kháng động kinh phối hợp với phục hồi chức năng, giáo dục mẫu giáo, tiểu học.
- Thăm khám để đánh giá về sự phát triển vận động thô - tinh, phát triển về giao tiếp - ngôn ngữ, cá nhân - xã hội, trí tuệ... thường quy mỗi 6 tháng/lần tại các khoa phục hồi chức năng hoặc các trung tâm phục hồi chức năng tại địa phương.
4.2. Mục tiêu can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ bị động kinh
- Kích thích sự phát triển của trẻ bị động kinh về các động tác vận động thô, vận động tinh của 2 bàn tay;
- Kích thích sự phát triển các kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày;
- Kích thích kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ bị động kinh;
- Kích thích sự phát triển về trí tuệ của trẻ bị động kinh.
4.3. Các biện pháp can thiệp sớm cho trẻ bị động kinh
- Y tế: Xử trí cơn co giật của trẻ bằng các loại thuốc kháng động kinh.
- Vận động: xoa bóp, thực hiện các kỹ thuật tạo thuận lẫy, ngồi, bò, đứng đi
- Hoạt động trị liệu: Huấn luyện kỹ năng vận động tinh bàn tay, kỹ năng sinh hoạt hàng ngày
- Ngôn ngữ trị liệu: Kích thích kỹ năng giao tiếp sớm, kỹ năng hiểu và kĩ năng diễn đạt ngôn ngữ.
4.4. Xử trí cơn động kinh ở trẻ em
- Ngay khi phát hiện trẻ bị động kinh cần đưa trẻ vào một nơi an toàn, đặt trẻ nằm nghiêng đầu để tránh nuốt phải đờm, rãi trào ra trong cơn co giật.
- Người lớn cần nới rộng quần áo của trẻ, không cố gắng giữ chân, tay của trẻ khi trẻ đang bị co giật.
- Đặt một cái thìa hoặc một cái khăn cuộn tròn ngang miệng của trẻ để trẻ không tự cắn vào lưỡi của mình.
- Loại bỏ các đồ vật có khả năng khiến trẻ bị tổn thương ở khu vực xung quanh, tránh tập trung đông người xung quanh trẻ.
- Sau cơn co giật trẻ thường ngủ, khi đó người lớn hãy để trẻ ngủ yên.
- Cho trẻ uống thuốc nếu trẻ bị đau đầu hoặc có thể xuất hiện cơn động kinh tiếp theo. Thuốc kháng động kinh (Depakine, Tegretol, Gardenen, Diazepam, Sodanton...) phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ ngay sau khi phát hiện, gia đình không được tự ý ngưng thuốc kháng động kinh cho trẻ, xác định phải uống thuốc lâu dài trong nhiều tháng, nhiều năm.
4.5. Hướng dẫn phục hồi cho trẻ bị động kinh
- Trẻ bị động kinh phải làm được những việc thông thường mà các trẻ em cùng lứa tuổi có thể thực hiện được: trẻ được vui chơi, đi học, tự chăm sóc bản thân...
- Hướng dẫn trẻ tự chăm sóc: tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân, đi lại an toàn... nếu trẻ cảm thấy khó khăn khi thực hiện thì cần chia nhỏ thao tác thành từng bước chi tiết hơn, luôn động viên khen ngợi khi trẻ hoàn thành một bước, một thao tác nào đó.
- Hướng dẫn trẻ và gia đình biết khi lên cơn động kinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do tính chất xảy ra đột ngột, trẻ có thể ngã ở bất cứ nơi nào... Nên yêu cầu trẻ thức và ngủ đúng giờ để não hoạt động theo nề nếp.
- Trẻ bị động kinh nên tránh các hoạt động trên cao, dưới nước, gần lửa, các hoạt động gây căng thẳng thần kinh.... Tránh ở ngoài nắng chói chang gây kích thích thị giác và mất mồ hôi dẫn đến mất nước và điện giải. Tránh để trẻ nhịn đói, tuyệt đối không cho trẻ uống rượu hoặc các chất có độ cồn cao.
4.5. Hỗ trợ về tâm lý cho trẻ bị động kinh
- Trẻ em hoặc người lớn bị động kinh kèm chậm phát triển trí tuệ không được phục hồi chức năng sớm có thể có những vấn đề về tâm lý cần được hỗ trợ;
- Gia đình cần giải thích cho trẻ hiểu về tình trạng bệnh tật để trẻ chấp nhận và vượt qua mặc cảm;
- Nhà trường cần giải thích cho các học sinh khác hiểu về tình trạng bệnh của trẻ bị động kinh kèm chậm phát triển trí tuệ để có sự thông cảm và giúp đỡ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.