Phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư là gì

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ung thư là một bệnh lý đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, có thể gặp ở mọi độ tuổi cũng như ở rất nhiều hệ cơ quan trong cơ thể người. Quá trình điều trị ung thư kéo dài rất lâu cũng như gây nên những hệ quả về thể chất, tinh thần cũng như nhận thức của bệnh nhân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi điều trị. Vì vậy, phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư là một điều vô cùng cần thiết, nên được chú trọng nhiều hơn để giúp người bệnh có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, tinh thần và tái hòa nhập với xã hội.

1. Ung thư

Ung thư đang dần trở nên phổ biến ở tất cả các quốc gia trên thế giới và được biết đến như một bệnh lý xảy ra do sự sản sinh không ngừng một cách bất thường của các tế bào ác tính, có thể gây nên tình trạng tử vong. Việc điều trị ung thư cho đến nay đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể và có rất nhiều bệnh lý ung thư đã được điều trị thành công, làm cho tỉ lệ tử vong do ung thư giảm đáng kể qua từng năm. Tuy nhiên, sau khi kết thúc phác đồ điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân phải đứng trước khả năng trải qua những vấn đề sức khỏe liên quan đến tác dụng phụ của những loại thuốc hóa trị như cơ thể mệt mỏi, chức năng hệ thần kinh suy giảm, hoặc thậm chí là những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, tâm trạng thay đổi...

Nhiều bệnh nhân ung thư sau khi điều trị thường không thể tham gia lao động, học tập như trước, khả năng tái hòa nhập với cộng động xã hội ngày càng giảm đi khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm sút đáng kể. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng, các bác sĩ và nhân viên y tế cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư thông quá các liệu pháp và kỹ thuật đặc biệt để giúp bệnh nhân có thể mau chóng hồi phục sức khỏe, cải thiện tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Cần quan tâm nhiều hơn đến việc phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư thông quá các liệu pháp và kỹ thuật đặc biệt để giúp bệnh nhân có thể mau chóng hồi phục sức khỏe
Cần quan tâm nhiều hơn đến việc phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư thông quá các liệu pháp và kỹ thuật đặc biệt để giúp bệnh nhân có thể mau chóng hồi phục sức khỏe

2. Phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư là gì?

Phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư là một phương pháp được thực hiện để giúp các bệnh nhân ung thư có thể kiểm soát được nhiều vấn đề trong cuộc sống sinh hoạt sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư. Mục tiêu chính của phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư đó là giúp bệnh nhân có thể hoạt động, sinh hoạt một cách độc lập.

Một số lợi ích mà phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư mang lại đó là:

  • Giúp bệnh nhân có thể duy trì được trạng thái năng động cao nhất để tham gia vào những hoạt động gia đình, tăng khả năng hòa nhập với xã hội và cuộc sống.
  • Làm thuyên giảm những tác dụng phụ và triệu chứng có hại do thuốc điều trị ung thư cũng như những liệu pháp điều trị ung thư gây ra.
  • Giúp bệnh nhân có thể tự làm được một số hoạt động thường ngày và sinh hoạt một cách độc lập.
  • Nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị ung thư.

Phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư sẽ cải thiện được cho bệnh nhân rất nhiều khía cạnh, trong đó có cả vấn đề về thể chất lẫn, hoạt động và cả nhận thức của người bệnh:

  • Thể chất: bệnh nhân sẽ được điều trị và làm giảm bớt những vấn đề có hại cho sức khỏe như tình trạng đau, sưng phù nề, cơ thể yếu ớt, mất sức, sự hạn chế vận động cũng như giảm linh hoạt khi thực hiện những động tác, giảm sức bền, sức chịu đựng của cơ thể, da bị biến đổi, mất thăng bằng, dễ té ngã, những triệu chứng liên quan đến bệnh lý thần kinh, tình trạng mệt mỏi kéo dài, suy giảm hoặc rối loạn về sức khỏe tình dục, chứng khó nuốt hoặc khó nhai...
  • Hoạt động: phục hồi chức năng có thể cải thiện được những khó khăn trong việc di chuyển của bệnh nhân, cụ thể là một số động tác như đứng dậy từ sàn nhà hay từ ghế, đi lên cầu thang bộ, mặc áo quần, tắm rửa...
  • Nhận thức: sau khi điều trị ung thư thì những vấn đề về nhận thức của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng, vì vậy cần tập phục hồi chức năng để cải thiện một số vấn đề như việc phối hợp nhiều hoạt động, nhiệm vụ cùng một lúc, việc khó khăn trong lúc suy nghĩ một vấn đề, chứng loạn thần, suy giảm khả năng ghi nhớ...

Sau khi điều trị ung thư thì những vấn đề về nhận thức của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng, vì vậy cần tập phục hồi chức năng
Sau khi điều trị ung thư thì những vấn đề về nhận thức của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng, vì vậy cần tập phục hồi chức năng

Khi một bệnh nhân tìm đến với mục đích tập phục hồi chức năng sau khi điều trị ung thư thì sẽ được sự giúp đỡ và hướng dẫn từ rất nhiều chuyên gia phục hồi chức năng chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư, cụ thể như sau:

  • Chuyên gia vật lý trị liệu: hướng dẫn bệnh nhân phục hồi khả năng di chuyển của mình, từ đó có thể giúp bệnh nhân giảm được cơn đau và di chuyển một cách linh hoạt hơn
  • Chuyên gia điều trị lao động: giúp bệnh nhân khôi phục được những chức năng, hoạt động sinh hoạt hằng ngày như đi lại, mang áo quần, tắm rửa... Những hoạt động này thường được thực hiện trong những ngôi nhà, trường học hoặc một nơi làm việc để giúp bệnh nhân có thể làm quen với những hoạt động thường ngày này.
  • Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ: cải thiện khả năng giao tiếp của bệnh nhân cũng như điều trị những rối loạn về nuốt, nhai..., nhất là với những bệnh nhân sau liệu trình xạ trị và hóa trị trong ung thư đầu mặt cổ. Ngoài ra, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ còn giúp bệnh nhân cải thiện những vấn đề về rối loạn nhận thức như khả năng tổ chức hoạt khả năng ghi nhớ.
  • Chuyên gia trị liệu thể chất: giúp điều trị, cải thiện những vấn đề liên quan đến bệnh lý thần kinh – cơ xương khớp, giúp bệnh nhân giảm được cảm giác đau.
  • Chuyên gia trị liệu phù bạch huyết giúp bệnh nhân giảm được triệu chứng sưng nề, đau bằng những phương pháp trị liệu như cho bệnh nhân mang quần áo bó chặt và dùng phương pháp massage kết hợp cùng với một số bài tập chuyên dụng.
  • Chuyên gia tâm lý học nhân thức: điều chỉnh những hành vi của bệnh nhân cũng như những vấn đề liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng não bộ sau khi điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị.
  • Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp: hướng dẫn bệnh nhân học cách thực hiện một số nhiệm vụ nhỏ, đơn giản liên quan đến công việc hằng ngày.
  • Chuyên gia giải trí trị liệu: giúp bệnh nhân có một sức khỏe tinh thần tốt, thoải mái để căng bằng cảm xúc cho người bệnh, giảm sự lo âu, căng thẳng, tự ti và trầm cảm trong cuộc sống bằng những hoạt động giải trí như nghệ thuật, thể thao, các hoạt động vui chơi, khiêu vũ...
  • Chuyên gia dinh dưỡng: là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư vì có thể tư vấn cho bệnh nhân nhận thức được những loại thực phẩm cần thiết cho từng loại bệnh lý ung thư nhất định, góp phần rất lớn trong việc điều trị, phục hồi và ngăn ngừa khả năng tái phát ung thư sau này.
  • Chuyên gia sinh lý thể thao: giúp bệnh nhân cải thiện được một số chức năng sống như chức năng tim mạch, hệ thống trao đổi chất bên trong cơ thể thông qua những hoạt động thể thao để nâng cao sức khỏe của bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được giúp cải thiện một số chức năng tim mạch, trao đổi chất thông qua hoạt động thể thao
Bệnh nhân sẽ được giúp cải thiện một số chức năng tim mạch, trao đổi chất thông qua hoạt động thể thao

3. Kết luận

Phục hồi chức năng cho người bệnh ung thư đóng vai trò to lớn trong việc cải thiện sức khỏe, nâng cao chức năng sống cho những bệnh nhân sau khi kết thúc liệu trình điều trị ung thư. Đây là một lĩnh vực rộng lớn và cần sự hợp tác rất nhiều từ cả bệnh nhân, gia đình và đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe