Ung thư thanh quản là bệnh thường gặp và có xu hướng ngày càng tăng ở nước ta. Tập trung vào cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh sẽ giúp phòng bệnh ung thư thanh quản một cách hiệu quả.
1. Làm sao biết ung thư thanh quản?
Thanh quản là một cơ quan nằm trong cổ, được cấu tạo từ sụn, cơ và dây chằng. Thanh quản nằm phía trên khí quản, phía dưới và sau thanh quản là thực quản. Vai trò của thanh quản là giúp dẫn không khí vào phổi, bảo vệ đường hô hấp và phát âm.
Ung thư thanh quản là khối u ác tính, xuất phát trong lòng thanh quản hoặc ở vùng bờ thành của thanh quản. Đây là bệnh thường gặp và có xu hướng ngày càng gia tăng ở nước ta. Đa phần người mắc bệnh ung thư dây thanh quản là nam giới (chiếm 95% các trường hợp), tập trung ở độ tuổi 40-50.
Làm sao biết ung thư thanh quản? Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh ung thư thanh quản là:
- Người bệnh bị khàn tiếng, mức độ ngày càng tăng dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng.
- Khó thở, ban đầu ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thích nghi được, càng về sau mức độ khó thở càng tăng dần, xuất hiện từng cơn khó thở, nguy kịch nhất là bị kích thích dẫn đến co thắt phế quản.
- Ho: cũng là triệu chứng thường gặp, đôi xuất hiện những cơn ho kiểu co thắt.
- Đau vùng thanh quản, triệu chứng đau xuất hiện khi khối u đã lan lên bờ trên của thanh quản, cơn đau thường lan lên tai và đau nhói lúc nuốt.
- Khi ung thư dây thanh quản đã ở giai đoạn muộn, hơi thở người bệnh hôi do mô ung thư loét hoại tử. Người bệnh nuốt khó, sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở gây những cơn ho sặc sụa. Tổng trạng người bệnh suy kiệt.
Khi người bệnh đến khám ở các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng vùng trước thanh quản, sụn giáp. Để chẩn đoán xác định bác sĩ sẽ sử dụng các phương tiện hỗ trợ như:
- Soi thanh quản để tìm u sùi, loét, u nhú, tham nhiễm,...
- Siêu âm vùng cổ để phát hiện hạch cổ to, dính, thâm nhiễm xung quanh
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) nhằm phát hiện độ mờ, độ lan rộng, phá hủy của khối u.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Sinh thiết lấy mô từ khối u để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh
2. Phòng bệnh ung thư thanh quản như thế nào?
Nguyên nhân chính gây bệnh ung thư dây thanh quản cho đến nay vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tập trung vào cách phòng tránh các yếu tố này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư thanh quản:
- Hút thuốc lá: nghiện thuốc là được cho là yếu tố nguy cơ cao nhất của bệnh ung thư dây thanh quản. Các nghiên cứu cho thấy số người hút thuốc lá bị ung thư thanh quản chiếm 12%, số người không hút thuốc chỉ chiếm 12%. Tuyên truyền rộng rãi các tác hại của thuốc lá, vận động người dân bỏ thuốc để góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư thanh quản. Những người hút thuốc lá lâu năm khi có các triệu chứng khàn tiếng kéo dài, ho, khó thở,... cần đến các cơ sở y tế thăm khám, phát hiện bệnh từ sớm thì hiệu quả điều trị càng cao.
- Rượu: uống nhiều rượu là một yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản. Rượu là tăng đáng kể khả năng gây ung thư của thuốc lá, do đó hạn chế sự kết hợp giữa rượu và thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư dây thanh quản.
- Yếu tố nghề nghiệp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, những người phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại đặc biệt là các nhà máy hóa chất, hầm mỏ có chrome, nikel, amiante,...có tỷ lệ mắc ung thư thanh quản cao. Người lao động cần tập trung vào cách phòng tránh như tuân thủ các quy định an toàn trong lao động, sử dụng các phương tiện bảo hộ khi làm việc, khám sức khỏe nghề nghiệp định kỳ,... để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: nhiều trường hợp ung thư thực quản là các bệnh nhân có tiền sử trào ngược dạ dày-thực quản. Acid dịch vị trong dạ dày khi bị trào ngược lên thực quản sẽ gây tác động mạnh lên niêm mạc thực quản khiến người bệnh dễ bị viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm thực quản kéo dài. Để ngăn ngừa nguy cơ ung thư thanh quản sau này, khi có biểu hiện ợ chua, người bệnh cần điều chỉnh thói quen ăn uống, không nên ăn quá no, không được nằm ngay sau ăn, khi ngủ kê đầu giường cao khoảng 15cm, kiêng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát có gas,...
- Nhiễm trùng răng miệng, nhiễm trùng tai mũi họng kéo dài, viêm thanh quản mạn tính, cơ thể suy dinh dưỡng, thiếu vitamin,...có thể dẫn đến nguy cơ ung thư thanh quản, cần tập trung vào cách phòng tránh các yếu tố trên.
3. Vai trò của tầm soát ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cuộc sống người bệnh thường chỉ kéo dài 12-18 tháng. Người bệnh thường tử vong do ngạt thở cấp tính, biến chứng viêm phổi, suy kiệt hoặc chảy máu ồ ạt. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị từ sớm, tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn có thể lên đến 80%. Do đó, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư thanh quản từ sớm có vai trò rất quan trọng. Khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm nên việc điều trị sẽ hiệu quả, ít các biến chứng, tiết kiệm chi phí, tỷ lệ phục hồi cao.
Nếu không có điều kiện khám sức khỏe định kỳ, người bệnh cần đi khám sớm khi có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài, mức độ ngày càng tăng, dùng các thuốc điều trị viêm thanh quản không đỡ. Không nên vì tâm lý sợ bệnh tật mà lẩn tránh, không đi khám. Bệnh ung thư thanh quản ở giai đoạn muộn việc điều trị sẽ hết sức khó khăn, nguy cơ cao đe dọa tính mạng người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.