Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm nắp thanh quản là một tình trạng viêm nhiễm tại chỗ xảy ra ở nắp thanh quản và các cấu trúc lân cận như thanh quản, vùng hầu họng. Đây là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, gây sưng tấy và tắc nghẽn đường hô hấp trên nên có thể dẫn đến ngạt và ngừng hô hấp. Do đó, cần hiểu biết các nguyên nhân gây viêm nắp thanh quản để có cách phòng ngừa và điều trị thích hợp.
1. Viêm nắp thanh quản là gì?
Viêm nắp thanh quản là hiện tượng viêm sưng biểu mô ở dưới đáy lưỡi. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Nắp thanh quản được tạo thành từ sụn và có nhiệm vụ như một van để ngăn thức ăn và chất lỏng xâm nhập vào khí quản thực hiện các hoạt động ăn uống.
Các biểu mô tại nắp thanh quản bị viêm, sưng có thể dẫn đến nhiễm trùng và thậm chí là gây tắc nghẽn đường thở.
2. Nguyên nhân gây viêm nắp thanh quản là gì?
Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm nắp thanh quản. Các vi khuẩn này tiếp xúc vào cơ thể qua đường không khí, sau đó xâm nhập vào các tế bào mô. Ở trẻ em, Haemophilus influenzae týp B (Hib) là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất.
Ngoài ra, các nguyên nhân không do nhiễm trùng có thể bao gồm:
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Nếu người bệnh đã có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh tật hoặc điều trị thuốc ức chế miễn dịch vì bệnh lý khác, đây là các đối tượng rất dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn và có thể gây ra viêm nắp thanh quản.
- Không tiêm chủng đầy đủ: Chậm trễ hoặc bỏ qua việc chủng ngừa có thể khiến trẻ dễ bị Hib và làm tăng nguy cơ viêm nắp thanh quản.
- Người thường xuyên hút thuốc lá
- Hít phải hóa chất hoặc thường xuyên làm việc trong môi trường hóa chất độc hại
- Nuốt phải dị vật
- Cổ họng bị bỏng nước sôi hoặc do các tác động nhiệt khác
- Cổ họng bị chấn thương do nhiều nguyên nhân như: hóc xương, sang chấn trực tiếp...
- Ít gặp hơn là do phản vệ (dị ứng).
3. Các triệu chứng của viêm nắp thanh quản như thế nào?
3.1 Các triệu chứng ở trẻ em
Ở trẻ em, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm nắp thanh quản có thể mới phát hiện và diễn tiến nhanh trong vòng vài giờ, bao gồm:
- Sốt
- Đau họng, đau thanh quản nghiêm trọng
- Âm giọng cao, khàn giọng(kèm viêm thanh quản)
- Khó thở
- Có tiếng bất thường khi hít vào (tiếng rít)
- Nuốt khó và nuốt đau, nói khó
- Chảy nước dãi
- Hành động lo lắng, bồn chồn
- Cảm thấy khỏe hơn khi được đặt ngồi dậy hoặc nghiêng người về phía trước.
3.2 Các triệu chứng ở người lớn
Đối với người lớn, các dấu hiệu và triệu chứng có thể phát triển chậm hơn, trong nhiều ngày hơn là vài giờ. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau họng, đau thanh quản nghiêm trọng
- Sốt
- Giọng nói bị nghẹt hoặc khàn
- Âm giọng cao
- Có tiếng bất thường khi hít vào (tiếng rít)
- Khó thở, khó nói
- Khó nuốt
4. Chẩn đoán tình trạng nắp thanh quản bị viêm đau bằng cách nào?
Khi tiếp cận người bệnh, nếu bệnh sử hoặc các triệu chứng làm nghi ngờ đến viêm nắp thanh quản, ưu tiên đầu tiên là cần đảm bảo rằng đường thở vẫn được thông thoáng và có đủ oxy đi vào. Đồng thời, nhịp thở và mức oxy trong máu sẽ được theo dõi liên tục. Nếu mức độ bão hòa oxy giảm xuống quá thấp, người bệnh có thể cần được trợ giúp thở.
Các khám xét kỹ lưỡng hơn và các xét nghiệm chỉ có thể được chỉ định thực hiện sau khi đã ổn định nhịp thở:
- Khám họng: Bác sĩ sẽ chiếu đèn để có thể nhìn xuống cổ họng, xem xét nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau thanh quản. Song song đó, việc gây tê cục bộ ngay trong lúc khám có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh.
- Chụp X-quang ngực hoặc cổ: Do nguy cơ có thể dẫn đến biến cố khó thở đột ngột, trẻ em có thể được chụp X-quang tại giường thay vì ở khoa chẩn đoán hình ảnh - nhưng chỉ sau khi đường thở được bảo vệ. Với bệnh viêm nắp thanh quản, nếu có kèm theo hẹp thanh môn, chụp X-quang có thể tiết lộ dấu hiệu “nóc nhà thờ”.
- Cấy dịch tại họng và xét nghiệm máu: Đối với quá trình nuôi cấy, nắp thanh quản được phết lấy dịch bằng tăm bông và mẫu mô được kiểm tra xem có Hib hay không. Cấy máu thường được thực hiện vì có thể diễn tiến đến nhiễm trùng huyết - một bệnh nhiễm trùng máu nặng - có thể xảy ra sau viêm nắp thanh quản.
5. Các biện pháp điều trị viêm nắp thanh quản
Điều trị viêm nắp thanh quản trước tiên là đảm bảo rằng người bệnh vẫn có thể tự thở được, sau đó điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào đã xác định hay nguyên nhân gây ra bệnh.
5.1 Trợ giúp đường thở
Ưu tiên đầu tiên trong điều trị viêm nắp thanh quản là đảm bảo rằng người bệnh vẫn luôn nhận đủ không khí. Điều này có thể có nghĩa là:
- Đeo mặt nạ thở để tăng cường cung cấp oxy đến phổi.
- Đặt ống thở vào khí quản qua mũi hoặc miệng (đặt nội khí quản). Ống phải được giữ nguyên cho đến khi tình trạng sưng tấy trong cổ họng đã giảm bớt - đôi khi cần đến vài ngày.
- Mở khí quản ra da. Trong trường hợp nghiêm trọng khẩn cấp hoặc nếu các biện pháp bảo tồn bên trên không thành công, bác sĩ có thể phải tạo một đường thở khẩn cấp bằng cách đâm kim trực tiếp vào lớp sụn trong khí quản của bệnh nhân hoặc sử dụng bộ mở khí quản nhanh. Thủ thuật này cho phép không khí từ môi trường bên ngoài đi trực tiếp vào phổi mà không cần đi qua thanh quản.
5.2 Điều trị nhiễm trùng
Nếu viêm nắp thanh quản của người bệnh được xác định là có liên quan đến nhiễm trùng, chỉ định tiêm thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch sẽ được tiến hành. Các nhóm kháng sinh thường dùng:
- Kháng sinh phổ rộng: Đối với tình trạng nhiễm trùng cần phải được kiểm soát nhanh chóng. Lúc này, người bệnh có thể sẽ được tiêm truyền kháng sinh phổ rộng ngay lập tức, thay vì sau khi nhận được kết quả của cấy máu và cấy mô.
- Kháng sinh nhắm mục tiêu: Loại thuốc ban đầu có thể được thay đổi sau đó, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm nắp thanh quản sau khi nuôi cấy.
Ngoài ra, ngoài ra tùy vào nguyên nhân căn bản có thể sử dụng thêm các thuốc như: Adrenalin (trong phản vệ), Corticosteroid, kháng Histamin, thuốc giãn phế quản,..
Tóm lại, viêm nắp thanh quản là tình trạng viêm và sưng tấy tại chỗ của nắp thanh quản. Viêm nắp thanh quản do nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra do chấn thương cổ họng, do bỏng... Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào, nguyên tắc điều trị hàng đầu vẫn là đảm bảo đường thở cho người bệnh, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Đường hô hấp trên gồm những bộ phận nào? Các bệnh thường gặp ở đường hô hấp trên