Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nghiêm Bảo - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đường sau là bệnh lý cột sống phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đường sau bằng phương pháp phẫu thuật nội soi đang là ưu thế về ứng dụng khoa học hiện đại và đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.
1. Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một bệnh lý phổ biến, thường gặp ở những người béo phì, lao động nặng và thay đổi tư thế không phù hợp. Bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa và gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, tuy nhiên phương pháp nội soi đang là ưu thế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Với nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, giảm đau sau mổ và thời gian phục hồi nhanh, giảm chi phí nằm viện.
Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đường sau là phương pháp phẫu thuật làm rộng ống sống giải ép rễ thần kinh cột sống cổ xâm lấn tối thiểu. Thường áp dụng nội soi cho những chỉ định mở lỗ liên hợp cột sống cổ.
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đường sau thường được chỉ định đối với những trường hợp điều trị bảo tồn không đem lại kết quả.
- Thoát vị đĩa đệm cổ 1 tầng ngách bên không đơn thuần hoặc đơn thuần, và có thể kèm chồi xương
- Thoát vị đĩa đệm cổ đau rễ nhiều tầng ở 1 hoặc 2 bên
- Thoát vị đĩa đệm cổ canxi hóa
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đường sau đối với những trường hợp:
- Hẹp ống sống cổ nặng hoặc có triệu chứng chèn ép tủy
- Thoát vị đĩa đệm cổ trung tâm
- Hẹp ống sống có kèm theo mất vững cột sống một hoặc nhiều tầng, mà phương pháp nội soi không thể can thiệp được bằng đường sau.
- Có gù vẹo tại tầng thoát vị đĩa đệm cổ can thiệp
- Người bệnh có chỉ định can thiệp lối trước ưu thế hơn
3. Các bước tiến hành phẫu thuật
3.1 Chuẩn bị
Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là đội ngũ bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng và kỹ thuật viên,...
Các phương tiện và dụng cụ cần chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật bao gồm:
- Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi
- Bộ que nong
- Ống thao tác có đường kính 8mm, và có mặt vát. Ống soi với góc nhìn thẳng, chếch.
- Bàn phẫu thuật xuyên tia.
- Máy đốt điện sóng cao tầng, nguồn sáng và màn hình.
- Máy C- arm chụp XQ tại bàn phẫu thuật.
Đối với người bệnh cần chụp CT, MRI đầy đủ và vệ sinh sạch sẽ thân thể, đặc biệt là vùng phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật 30 phút, bệnh nhân được tiêm kháng sinh phòng ngừa, thụt tháo theo quy định. Sau đó, người bệnh được đặt ở tư thế nằm sấp và gây mê nội khí quản.
3.2 Thực hiện kỹ thuật
- Chụp X-quang nhằm định hướng tầng thoát vị và đường vào cạnh đường bờ trong của khối khớp bên tại tầng thoát vị.
- Rạch da cạnh đường giữa khoảng 7mm, cắt cân cơ cạnh sống. Đưa que nong vào tách cơ sát mỏm gai sau của bên thoát vị ra sát khối khớp bên, sau đó đưa ống thao tác qua que.
- Đưa ống soi qua ống thao tác vào xác định vị trí bản sống, dây chằng vàng và bờ trong khối khớp bên trên màn hình. Cắt phần dây chằng vàng cạnh khối khớp bên, bộc lộ rễ thần kinh. Đưa ống thao tác vào ống sống, xác định vị trí bao màng cứng và rễ thần kinh bị chèn ép. Dùng khoan mài hoặc kềm cắt rộng dần mô xương và dây chằng vàng đến khi giải phóng rễ đủ rộng.
- Kiểm tra nếu thấy có thoát vị đĩa đệm rõ: Lấy phần thoát vị mảnh rời nếu có.
- Dùng que thăm kiểm tra sự giải phóng rễ cổ.
- Kiểm tra chảy máu trước khi rút ống nội soi.
- Trong quá trình mổ luôn cầm máu bằng sóng cao tầng những điểm chảy máu trong phẫu trường.
- Đóng da bằng 1 mũi khâu.
3.3 Theo dõi và xử trí biến chứng
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hậu phẫu để theo dõi dấu hiệu sinh tồn, tri giác, triệu chứng thần kinh và tình trạng vết mổ,...
Trong và sau cuộc mổ, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như:
- Thương tổn cấu trúc phía trước thân sống.
- Tổn thương mạch máu lớn, cần cân nhắc phẫu thuật cấp cứu.
- Tổn thương tủy, tổn thương rễ thần kinh, rách màng cứng. Tùy vào mức độ để cân nhắc mổ mở sớm.
- Sai tầng nếu được phát hiện ngay trong cuộc mổ: định vị và phẫu thuật lại đúng tầng.
- Nhiễm trùng bao gồm: viêm màng não, nhiễm trùng sâu gồm áp xe ngoài màng cứng, viêm thân sống đĩa đệm, hay nhiễm trùng nông.
- Những biến chứng muộn như: thoát vị đĩa đệm tái phát, sẹo xơ nhiều gây triệu chứng đau theo rễ thần kinh. Trượt đốt sống sau phẫu thuật nên hạn chế mổ 2 bên.
Phẫu thuật nội soi trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là phương pháp mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, giúp cho bệnh nhân giảm đau, hồi phục nhanh sau mổ và tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây ra một số biến chứng sau mổ, vì vậy khi có bất cứ dấu hiệu bất thường hãy thông báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp kịp thời.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.