Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Dính khớp gối hay cứng khớp gối là những hiện tượng thường gặp ở người có chấn thương khớp gối từ trước. Để khắc phục tình trạng này có khá nhiều cách, tuy nhiên phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối được xem là phương pháp đem lại hiệu quả cao đối với những ca bệnh nặng.
1. Cứng khớp gối, dính khớp gối là gì?
Cứng khớp gối chính là hiện tượng các cơ khớp ở đầu gối bị xơ dính và chúng khiến người bệnh rất khó cử động một cách bình thường và không tránh khỏi đau đớn. Biểu hiện chính của bệnh này đó là hiện tượng đầu gối không thể co gập lại được và phải xoa bóp một hồi mới di chuyển bình thường được.
Cấu tạo khớp gối bao gồm 2 phần chính đó là phần trên xương bánh chày và phần dưới của xương đùi. Các cầu xương này được bảo vệ bởi lớp sụn khớp và cố định nhờ các dây chằng. Khi bị cứng khớp gối hay dính khớp gối, đầu gối của bệnh nhân sẽ bị co cứng, không thể đi lại, cử động khớp gối.
2. Nguyên nhân dính khớp gối
Nguyên nhân dẫn đến cứng khớp gối có thể do các tác động từ bên ngoài làm tổn thương khớp gối. Khi các sụn khớp bị tổn thương, gãy xương hay vỡ hoặc giãn dây chằng cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động khớp gối.
Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến cứng khớp gối hay dính khớp gối đó là do bệnh lý. Đa số trường hợp bị cứng khớp gối là do các bệnh lý như gout, thoái hóa khớp, viêm xương khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc sau mổ chấn thương khớp gối phức tạp gây dính khớp gối đã được tập Phục hồi chức năng không đỡ.
3. Biểu hiện cứng khớp gối, dính khớp gối
Cứng khớp gối là hiện tượng đầu gối không thể cử động bình thường được do các cơ khớp bị xơ dính. Biểu hiện điển hình nhất đó là đầu gối không thể co gập lại và cần phải xoa bóp mới có thể đi lại bình thường.
Hiện tượng này thường xuất hiện khi người bệnh vừa ngủ dậy, khi khớp gối được ngừng hoạt động một thời gian. Lúc này người bệnh không thể tự đứng dậy hay gập gối vì khớp gối lúc này không thể co duỗi như bình thường. Sau khoảng 15 – 20 phút xoa bóp thì các khớp dãn bớt ra và trở lại hoạt động bình thường. Đôi khi bệnh nhân ngồi lâu không cử động khớp gối cũng có thể khiến khớp bị xơ cứng.
Hiện tượng cứng khớp gối có thể đi kèm với cơn đau nhẹ và vừa. Một số trường hợp bị sưng gối nhẹ hoặc nóng đỏ. Triệu chứng cũng có thể kèm theo sốt và mệt mỏi. Hiện tượng cứng khớp thường đi kèm với các vấn đề về sụn khớp, xương dưới sụn có thể bị tổn thương hay bào mòn.
4. Các phương pháp cải thiện tình trạng cứng khớp gối
Khi bị cứng hay dính khớp gối, bạn nên đến thăm khám bác sĩ để có được những chỉ dẫn hiệu quả nhất. Điều trị cứng khớp gối có rất nhiều phương pháp, tùy thuộc vào nguyên nhân và độ cứng gối của bệnh nhân
Đối với những bệnh nhân bị cứng khớp gối nhẹ có thể không cần phải phẫu thuật mà có thể áp dụng những phương pháp trị liệu khác như tập phục hồi chức năng.
4.1 Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Đơn giản nhất đó chính là thay đổi thói quen hàng ngày để cải thiện tình trạng sụn khớp. Bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt điều độ, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, uống đủ nước và chú ý giữ ấm cơ thể. Chú ý tắm bằng nước nóng để giúp máu lưu thông tốt. Hạn chế carbohydrate tinh chế và các thực phẩm chứa chất bảo quản, chất tạo ngọt, tạo màu.
4.2 Sử dụng thuốc và vật lý trị liệu
Bên cạnh việc điều chỉnh thói quen hàng ngày, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thêm thuốc và thực luyện tập luyện hàng ngày theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu gồm có xoa bóp. Chườm nóng hoặc chườm lạnh cùng với các bài tập như leo cầu thang, đạp xe và đứng lên ngồi xuống.
4.3 Phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối
Phương pháp phẫu thuật nội soi gỡ dính khớp gối chỉ được thực hiện khi những phương pháp điều trị bảo tồn đều không có tác dụng. Ngoài những chống chỉ định liên quan đến việc bệnh nhân không đồng ý thì chỉ có duy nhất hội chứng đau vùng phức tạp là bệnh lý nền chống chỉ định với phẫu thuật này vì nó có thể làm tình trạng cứng khớp phức tạp hơn.
Tiến hành phẫu thuật
Khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh được nằm ngửa, gây tê tủy sống và tê ngoài màng cứng. Bác sĩ sẽ đánh giá lại tầm vận động của gối dưới gốc gây mê. Sau khi chuẩn bị xong, bác sĩ sẽ bắt đầu cắt lọc vùng quanh bánh chè và mở rộng ra xung quanh. Khi túi trên bánh chè đã cắt lọc xong, tiếp tục cắt lọc ở ngách trong và ngoài.
Cuối cùng là cắt lọc gian lồi cầu để tránh làm tổn thương các dây chằng chéo. Ở vùng này cần cắt lọc kỹ càng vì các mô sợi ở khuyết gian lồi cầu và vùng trước gối sẽ khiến sự duỗi gối bị hạn chế.
Cần giải phóng dây chằng cánh ngoài và trong bánh chè nếu như di động bị hạn chế. Sau khi đã cắt lọc xong, nắn khớp nhẹ nhàng để khiến các dải xơ dính đứt ra và cắt lọc thêm.
Khi phẫu thuật cần tránh gây ra gãy xương trong khi nắn khớp. Lưu ý cầm máu và rửa khớp thật kỹ càng. Cuối cùng, đặt dẫn lưu và băng ép gối.
Theo dõi và xử lý tai biến sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được giảm đau ngoài màng cứng trong 2 – 3 ngày liên tục. Sau đó, bệnh nhân luyện tập vận động gối bằng các máy tập tự động để khớp hồi phục dần.
Bệnh nhân cần được theo dõi để kịp thời xử lý tai biến sau phẫu thuật. Các tai biến có thể xảy ra như nhiễm trùng, tu máu hay tổn thương sụn khớp. Tuy nhiên người bệnh không nên quá lo lắng về các tai biến bởi vì trước và trong khi phẫu thuật các bác sĩ cũng đã cân nhắc rất kỹ khi thực hiện.