Bàn tay luôn là một bộ phận rất quan trọng với cơ thể người do chức năng cầm nắm thiết yếu giúp thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ở mỗi bàn tay người bình thường sẽ có 5 ngón tay giúp thực hiện đa dạng các hoạt động, các vận động tinh tế. Do đó việc mắc phải các dị tật như ngón tay cò súng hoặc ngón tay bị đứt lìa khiến người bệnh cần tới phẫu thuật tạo hình ngón tay để cải thiện chất lượng sống.
1. Vì sao phải phẫu thuật chỉnh hình ngón tay?
Những người bệnh gặp phải khiếm khuyết về ngón tay luôn có nhu cầu được cải thiện tình trạng đó thông qua phẫu thuật, đặc biệt là với đối tượng người trẻ tuổi, trẻ đang trong độ tuổi đến trường. Việc được chỉnh hình xương ngón tay có thể giúp trẻ tự tin hơn, tránh gặp các vấn đề về tâm lý như rụt rè, tự ti do vẻ bề ngoài.
Ngoài ra, ngón tay khiếm khuyết cũng có thể khiến các hoạt động trong đời sống hàng ngày như viết, cầm nắm gặp khó khăn. Do đó vấn đề phẫu thuật chỉnh hình ngón tay được đặt ra nhằm giải quyết cả về mặt chức năng sinh học cũng như các vấn đề tâm lý xã hội cho người bệnh.
2. Khi nào cần phẫu thuật chỉnh hình ngón tay?
Có rất nhiều trường hợp cần phải phẫu thuật chỉnh ngón tay để loại bỏ khiếm khuyết. Tuy nhiên có một số tình trạng phổ biến sau mà người bệnh có thể tham khảo bác sĩ về phương thức phẫu thuật như:
- Ngón tay lò xo: còn được gọi là ngón tay cò súng- tình trạng viêm bao gân của các gân gấp ngón tay gây nên chít hẹp bao gân. Một số trường hợp có thể do các u bị viêm xơ gây viêm gân gấp ngón tay làm các ngón tay bị cản trở, mỗi khi muốn duỗi ngón tay thẳng ra đều gặp nhiều khó khăn.
- Ngón tay thừa: là tình trạng bàn tay người bệnh có từ 6 ngón trở lên do các ngón tay thừa mọc ra từ ngón cái hoặc các ngón khác. Trong một số trường hợp ngón tay thừa không có khả năng di chuyển hay co duỗi như ngón tay bình thường mà chỉ giống một phần thịt với kích thước nhỏ hơn các ngón tay khác
- Ngón tay dập nát, đứt lìa: là tình trạng tổn thương nghiêm trọng ngón tay do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông.
3. Chăm sóc sau phẫu thuật chỉnh hình ngón tay
Thông thường vết mổ chỉnh hình ngón tay sẽ hồi phục sau 2-3 tuần. Tuy nhiên vết thương lành nhanh hay không còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Đa phần những người lớn tuổi tình trạng lành vết thương sẽ chậm hơn vì cơ thể đã lão hoá khiến phần mô tế bào không hồi phục kịp thời, sức đề kháng cũng đã giảm sút.
Ngoài ra, chế độ ăn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phục hồi vết thương. Sau phẫu thuật chỉnh hình ngón tay người bệnh nên hạn chế một số loại thực phẩm như gừng, rau muống, trứng, thịt gà. Những loại thực phẩm này có thể khiến vết thương để lại sẹo hoặc chảy dịch, khiến vết thương khó lành hơn. Tốt nhất sau mổ người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, rau củ, cá, các loại đạm tốt để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Ngoài ra cũng cần chú ý bổ sung các loại khoáng chất như canxi, magie để xương thêm phần chắc khoẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.