Phát ban do dị ứng thực phẩm: Hướng điều trị khẩn cấp

Phát ban do dị ứng thực phẩm là một trong các triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tình trạng dị ứng thức ăn có thể sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Những biểu hiện dị ứng nặng như sốc phản vệ có thể đe dọa tới tính mạng. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Thục Thanh Huyền, chuyên ngành Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Dị ứng thực phẩm là gì?

Theo khảo sát, có hơn 50 triệu người Mỹ bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó. Phát ban là một trong các triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải nếu bị dị ứng thực phẩm.  

Nổi mày đay hay phát ban do dị ứng thực phẩm là một trong các triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Nổi mày đay hay phát ban do dị ứng thực phẩm là một trong các triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải.

2. Dấu hiệu phát ban do dị ứng thực phẩm

Các phản ứng dị ứng thực phẩm không phải lúc nào cũng dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ và phát ban. Tuy nhiên, khi bị phát ban do dị ứng thức ăn, bệnh nhân thường có các triệu chứng như:

  • Nổi mày đay.
  • Sẩn đỏ trên da.
  • Ngứa.
  • Sưng tấy, phù nề.

Phát ban do dị ứng thực phẩm thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc hoặc sử dụng thực phẩm. Ban có thể xuất hiện xung quanh miệng, cổ hoặc trên mặt của bệnh nhân - tức là ở bất kỳ nơi nào mà thức ăn tiếp xúc với da. Bệnh nhân cũng có thể bị phát ban ở các phần khác trên cơ thể. Nhìn chung, các triệu chứng dị ứng thức ăn giống nhau ở cả trẻ em và người lớn. Ngoài biểu hiện nổi ban còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Ngứa hoặc chảy nước mắt.
  • Ngứa mũi, ngạt mũi.
  • Hắt hơi.
  • Buồn nôn.

3. Nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm

Phát ban do dị ứng thực phẩm xảy ra khi ăn thức ăn có chứa các loại protein mà hệ miễn dịch xem như một chất gây hại và cố gắng tiêu diệt chúng. Ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Các thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Sữa bò.
  • Trứng.
  • Cá.
  • Các loại hạt.
  • Đậu phộng.
  • Hải sản.
  • Đậu nành.
  • Bột mì. 
Sữa bò là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị ứng thực phẩm ở bệnh nhân.
Sữa bò là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị ứng thực phẩm ở bệnh nhân.

Bên cạnh những thức ăn thường gặp nhất nêu trên, bệnh nhân có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào. Thực tế, các chuyên gia ước tính có ít nhất 170 loại thực phẩm có thể gây phản ứng dị ứng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể xảy ra hiện tượng dị ứng chéo. Ví dụ, nếu bệnh nhân dị ứng với phấn hoa, bệnh nhân cũng có thể bị dị ứng với các thực phẩm cùng họ như các loại dưa. Dị ứng chéo phổ biến nhất là giữa mủ cao su và thực phẩm. Những người dị ứng với mủ cao su (latex) có thể dị ứng với các loại trái cây như chuối, kiwi và bơ.

Dị ứng thức ăn thường được phát hiện từ lúc nhỏ khi trẻ tiếp xúc với một loại thực phẩm cụ thể gây dị ứng. Xét nghiệm máu hoặc test lẩy da giúp khẳng định chẩn đoán dị ứng thức ăn.  

Nhiều trẻ em sẽ hết bị dị ứng thực phẩm khi lớn lên nhưng tình trạng này cũng có thể tồn tại suốt đời. Người lớn cũng có thể xuất hiện phản ứng dị ứng mới với thực phẩm dù tình trạng này ít gặp hơn. Cách duy nhất để tránh phản ứng dị ứng là kiêng hoàn toàn thực phẩm gây dị ứng. Cần lưu ý đọc nhãn thực phẩm trước khi sử dụng, cũng như biết cách xử trí trong trường hợp bị phản ứng.  

4. Cách điều trị phát ban do dị ứng thực phẩm

Tình trạng phát ban do dị ứng thực phẩm sẽ dần dần giảm đi khi phản ứng ngừng lại. Một trong những biện pháp tốt nhất để giúp bệnh nhân hết bị dị ứng là ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng.

4.1 Rửa sạch

Nếu cần, hãy rửa tay và mặt cũng như làm sạch bất kỳ phần cơ thể nào mà người bệnh đã tiếp xúc với thực phẩm/chất gây dị ứng để tránh nổi ban thêm.

4.2 Thoa kem hoặc gel làm dịu

Nếu ban ngứa gây khó chịu, bệnh nhân có thể sử dụng các loại kem không kê đơn (OTC) như kem hydrocortisone.

4.3 Uống thuốc kháng histamin

Các thuốc kháng histamin cũng hữu ích bởi tác dụng giảm ngứa, giảm dị ứng và giảm khó chịu. Có nhiều loại thuốc kháng histamin không kê đơn khác nhau, mỗi loại có một thành phần hoạt chất riêng.  

Bệnh nhân cần một khoảng thời gian để thuốc kháng histamin ngấm vào cơ thể. Không nên kết hợp nhiều loại thuốc kháng histamin cùng lúc mà không có chỉ định của bác sĩ.  

4.4 Tham khảo ý kiến của bác sĩ

Để đảm bảo sức khỏe dài hạn, bệnh nhân có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc các chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ giúp bệnh nhân xác định các chất gây dị ứng và chọn loại thuốc kháng histamin không kê đơn phù hợp. 

Bệnh nhân có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
Bệnh nhân có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.

Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể cung cấp những lời khuyên và gợi ý hữu ích về chế độ dinh dưỡng, giúp bệnh nhân tránh các tác nhân gây dị ứng mà vẫn đảm bảo chế độ ăn cân đối, phù hợp.

5. Phát ban do dị ứng thực phẩm kéo dài bao lâu?

Phụ thuộc vào loại và lượng thực phẩm bệnh nhân đã tiêu thụ, phản ứng của hệ miễn dịch, ban có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ.

Khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ổn định, các triệu chứng sẽ dần giảm đi. Việc sử dụng thuốc kháng histamin và kem bôi có thể giúp giảm các triệu chứng nhẹ. Nhìn chung, phát ban sẽ giảm dần trong vòng một hoặc hai ngày.

Theo một số chuyên gia, đôi khi có thể xảy ra đợt triệu chứng dị ứng thứ hai bốn giờ sau phản ứng ban đầu, mặc dù điều này rất hiếm.

Việc cào gãi có thể làm ban lâu hết hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu ban có dấu hiệu bị nhiễm trùng, bao gồm vùng nổi ban lan rộng, viêm, đau và tiết dịch.

6. Sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm

Loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ, bởi đây là tình trạng có thể đe dọa tính mạng ngay lập tức. Nổi mề đay và sốc phản vệ thường xảy ra cùng nhau, tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị nổi mề đay mà không bị sốc phản vệ.

Ngoài các triệu chứng dị ứng thực phẩm được đề cập ở trên, sốc phản vệ cũng có thể gây ra:

  • Khó thở.
  • Đau ngực.
  • Chóng mặt.
  • Ngất xỉu.
  • Tụt huyết áp.
  • Sưng tấy nghiêm trọng ở miệng, mặt, cổ và họng.
  • Đau thắt cổ họng.
  • Ngứa ran ở môi, tay và chân.
  • Thở khò khè.

Các thuốc kháng histamin hoặc chống dị ứng thông thường không giúp ích nhiều cho trường hợp này, mà cần phải được cấp cứu ngay với Adrenaline. Do đó, người bệnh dị ứng thức ăn cần phải được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được hướng dẫn đầy đủ.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe