Dị ứng thai kỳ: Nguyên nhân gây ra và cách điều trị cho mẹ bầu

Dị ứng thai kỳ là một tình trạng phổ biến đối với nhiều bà bầu. Các triệu chứng bao gồm cảm giác ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân và đôi khi ở cả cơ thể. Mặc dù phản ứng thường biến mất sau khi sinh nhưng nếu không có phương pháp chăm sóc thích hợp, triệu chứng này có thể gây ra cảm giác rất khó chịu cho mẹ bầu.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Phạm Thị Hải Yến, chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Nguyên nhân gây ra dị ứng thai kỳ

Dị ứng thai kỳ là tình trạng mà cơ thể mẹ bầu phản ứng với các tác nhân gây dị ứng khác nhau, các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất khi được chăm sóc đúng cách. Những trường hợp bà bầu bị dị ứng thai kỳ có thể bao gồm các tình trạng sau:

1.1 Do mề đay, sẩn ngứa (PUPPP)

Nhiều phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng da liễu khó chịu gọi là ngứa sẩn mề đay trong thai kỳ (PUPPP). Triệu chứng điển hình của PUPPP là những nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy xuất hiện trên bụng, dần lan rộng thành các mảng sẩn mề đay lớn. 
 

Nhiều phụ nữ có thể gặp phải tình trạng da liễu khó chịu mang tên sẩn và mảng sẩn ngứa khi mang thai (PUPPP).
Nhiều phụ nữ có thể gặp phải tình trạng da liễu khó chịu mang tên sẩn và mảng sẩn ngứa khi mang thai (PUPPP).

PUPPP thường xuất hiện trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, có thể sớm hơn hoặc kéo dài đến hai tuần đầu sau sinh. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ mang song thai và thai phụ lần đầu sinh.

Khi bị ngứa do mang thai, bác sĩ có thể kê thuốc bôi bao gồm dưỡng ẩm và corticosteroid tại chỗ và hoặc thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Tuy nhiên, nếu tình trạng sẩn ngứa trở nên trầm trọng hơn, hoặc không đáp ứng với điều trị thuốc bôi và kháng histamin thai phụ cần sử dụng thuốc steroid theo chỉ định của bác sĩ.

Mẹ bầu có thể yên tâm vì PUPPP không gây hại cho cả mẹ và bé. Tình trạng này thường tự khỏi trong vài ngày đến vài tuần sau khi sinh và hiếm khi tái phát ở những lần mang thai tiếp theo. 

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin để giảm ngứa.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin để giảm ngứa.

1.2 Do dị ứng thực phẩm, thức ăn

Cơ thể phụ nữ mang thai trải qua nhiều thay đổi lớn, cả bên trong lẫn bên ngoài. Do đó, việc thai phụ trở nên nhạy cảm với các loại thực phẩm hoặc thậm chí mùi hương của thức ăn là điều hoàn toàn bình thường.

Nhiều phụ nữ bị phát ban, ngứa trong thai kỳ do phản ứng tiêu cực với một số loại thực phẩm. Loại dị ứng này có thể gây ra những vấn đề khó chịu và đôi khi nguy hiểm cho mẹ bầu, chẳng hạn như nổi mẩn ngứa, choáng váng, chóng mặt và khó thở.

1.3 Do phát ban tự phát thai kỳ

Phát ban thai kỳ tương đối hiếm gặp, với triệu chứng đặc trưng là nổi nhiều nốt phát ban nhỏ trên cơ thể. Ban đầu, các nốt phát ban này trông giống như vết bọ cắn, sau đó lan rộng ra do gãi.

Ngứa khi mang thai thường bắt đầu vào giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ hai hoặc đầu tam cá nguyệt thứ ba. Các nốt mẩn ngứa có thể gây khó chịu và rất ngứa. Khi chăm sóc mẹ bầu, cần chú ý đến các vị trí thường xuất hiện mẩn ngứa như chân, tay hoặc thân trên.  

Tình trạng phát ban thai kỳ thường kết thúc sau khi sinh con. Trong một số ít trường hợp, phát ban thai kỳ có thể kéo dài đến ba tháng và có thể tái phát trong lần mang thai sau. Tuy nhiên, tình trạng này không gây nguy hiểm cho mẹ bầu hoặc thai nhi.

1.4 Do mùi hương nhân tạo

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn, dễ phản ứng với các tác nhân bên ngoài. Khi chăm sóc mẹ bầu, cần hạn chế sử dụng nước hoa và nước xả vải có chứa chất tạo mùi nhân tạo vì chúng có thể gây phản ứng khiến da ửng đỏ, mẩn ngứa.  

Mùi hương quá nồng trong môi trường kín cũng có thể gây choáng váng, chóng mặt, chảy nước mắt và đau họng. Vì vậy, khi sử dụng các sản phẩm chứa hương thơm nhân tạo hoặc ở nơi có mùi hương nồng, mẹ bầu cần cẩn trọng để tránh các phản ứng này.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng nước hoa có thể gây ra các vấn đề về hô hấp cho thai phụ, điển hình như hen suyễn

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng nước hoa có thể gây phản ứng trong thai kỳ cũng như các vấn đề về hô hấp cho thai phụ cần được phòng tránh.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng nước hoa có thể gây phản ứng trong thai kỳ cũng như các vấn đề về hô hấp cho thai phụ cần được phòng tránh.

2. Dị ứng thai kỳ có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia y tế, phát ban, ngứa thai kỳ không gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đe dọa đến sức khỏe của cả mẹ bầu và em bé. Thai phụ có thể trải qua một số triệu chứng không thoải mái như ngứa ngáy hoặc cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường một chút.

Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này là do các vấn đề sức khỏe khác, thì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. Ví dụ, bệnh gan ứ mật có thể gây ra các triệu chứng như nổi mề đay hoặc ngứa. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thai phụ có nguy cơ cao sinh non hoặc thiếu máu sau sinh.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, việc vô tình tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong thực phẩm có thể đặt bản thân người mẹ và bé vào tình trạng nguy hiểm. Tình huống xấu nhất là sảy thai, sinh non hoặc thậm chí ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của em bé sau khi chào đời.  

Vì vậy, nếu mẹ bầu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy tự quan sát và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ sở y tế đáng tin cậy để được kiểm tra, tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Điều này sẽ đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

3. Cách điều trị phát ban, ngứa trong thai kỳ

Mẹo giảm ngứa hiệu quả cho mẹ bầu bị phát ban, ngứa thai kỳ:

  • Sử dụng gel nha đam: Thoa gel nha đam lên da sau khi tắm để làm dịu vùng da tổn thương.
  • Chườm đá lạnh: Bọc đá trong khăn mềm và chườm lên vùng da ngứa.
  • Tắm bằng nguyên liệu tự nhiên: Ngâm mình trong nước trà xanh, nước soda lạnh hoặc bột yến mạch giúp làm sạch, khử khuẩn cho da.
  • Uống nhiều nước: Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải độc tố và giảm bớt ngứa.
  • Tránh sản phẩm kích ứng: Hạn chế sử dụng sữa tắm có hương liệu nồng hoặc chất tẩy rửa chứa hóa chất mạnh.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

4. Gia đình nên làm gì để giúp bà bầu không bị dị ứng?

Khi phát hiện các dấu hiệu dị ứng thai kỳ như phát ban, ngứa trong thai kỳ, ngoài việc tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị chính xác từ bác sĩ, mẹ bầu cũng nên tự chăm sóc bản thân để thúc đẩy quá trình phục hồi. Đặc biệt, tình trạng phản ứng do hương thơm nhân tạo có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Do đó, gia đình nên chăm sóc cho bà bầu cẩn thận, thai phụ chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ, từ mỹ phẩm đến sữa tắm, dầu gội. Ngoài ra, thậm chí cả nước giặt và bột giặt, nước xả vải cũng nên là các sản phẩm có hương thơm nhẹ nhàng để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Dị ứng thai kỳ là tình trạng da liễu phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, thường xuất hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Tuy không nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé nhưng những triệu chứng khó chịu có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt của thai phụ. Nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe